Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

[UBBVQLNVN] THÔNG CÁO BÁO CHÍ (ngày 9-3-2016) Hai Tổ chức Nhân quyền Quốc tế thắng kiện tại Liên Âu — Tương lai Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam sẽ ra sao sau cuộc thất kiện này ?

Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
& Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam 

B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail :
queme.democracy@gmail.com
Web : http://www.queme.net - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net

PARIS – BRUXELLES, ngày 9.3.2016 (UBBVQLNVN) - Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu đã mời bà Thanh tra Liên Âu Emily O’Reilly đến điều trần trước Quốc hội Châu Âu về lời bà kết án Uỷ hội Châu Âu đã sai phạm việc quản lý nhân quyền khi thương thảo Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam. Sau cuộc điều trần, hầu hết các Dân biểu Quốc hội Châu Âu đã lên tiếng hậu thuẫn phán quyết của bà Thanh tra Liên Âu, và yêu sách Quốc hội Châu Âu phải có thái độ.

Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự do đã có bài tường trình phát sóng hôm thứ hai đầu tuần, mà chúng tôi xin đăng lại ở cuối thông cáo hôm nay.

Hãng thông tấn EurActiv chuyên loan tải tin tức nóng bỏng tại Quốc hội Châu Âu viết như sau về cuộc điều trần hôm 3-3 vừa qua, dưới đề mục “O’Reilly đả kích Uỷ hội Châu Âu đã từ khước ưu tiên tác động nhân quyền khi thương thảo mậu dịch với Việt Nam”. Ký giảMatthew Tempest viết như sau trong bản tin phát hành ngày 4 tháng 3 :

 EurActiv

“Uỷ hội Châu Âu bị Thanh tra Liên Âu phê bình dữ dội về sự từ khước ưu tiên tác động nhân quyền bất hão của Việt Nam khi ký kết Hiệp ước Tự do mậu dịch với quốc gia Châu Á năm ngoái.

“Hiệp ước hiện nay còn cần sự chấp thuận của Hội đồng Châu Âu và được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn, nhưng đã làm một số tổ chức nhân quyền tức giận vì họ đang quan tâm đến các điều kiện khắc nghiệt cho người lao động Việt Nam.

“Hai tổ chức Phi chính phủ, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) đã nộp đơn kiện lên bà Emily O’Reilly yêu sách nhân quyền phải được kiểm tra trước khi thương thảo mậu dịch.

“Hôm nay, 3 tháng 3, trước Quốc hội Châu Âu bà Thanh tra Liên Âu phán quyết rằng sự thiếu vắng tác động nhân quyền tạo ra sự quản lý tồi.

Bà Emily O’Reilly, Thanh tra Liên Âu
Bà Emily O’Reilly, Thanh tra Liên Âu
(© European Union)

“Trong lời phán quyết, bà O’Reilly tuyên bố : “Tôi đã đưa ra quan điểm đơn giản và công bằng, đó là vấn đề tra vấn trước, hơn là để lại chờ sau, cho việc ký kết bất cứ hiệp ước nào.

“Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam kết thúc hồi tháng 12 năm ngoái.

“Bà O’Reilly nói tiếp : “Tác động nhân quyền phải được thực hiện trước, nó là công cụ phê phán phòng ngừa ; nó giúp cho sự lường trước và tránh khỏi mọi hậu quả tiêu cực của hiệp ước dự trù.

“Sự lựa chọn khác, là nhận dạng vấn đề sau khi hiệp ước được kết thúc, và rồi từ đó ta có thể ấn định những vấn đề này. Nói chung, đây là lập trường mà Uỷ hội Châu Âu đưa ra để hồi đáp sự khuyến cáo của tôi.

“Tuy nhiên, tôi chẳng được thuyết phục chút nào về cung cách có thể chấp thuận cho loại tiếp cận này”

“Khi được so sánh thì người ta thấy, Uỷ hội Châu Âu đã phải ngưng cuộc thương thuyết tự do mậu dịch với quốc gia thành viên ASEAN, là Thái Lan, tiếp sau cuộc đảo chính của tập đoàn quân nhân do tướng Prayuth Chan-ocha chống lại chính phủ dân chủ vào tháng 5 năm 2014.

“Phán quyết hôm nay đã được các tổ chức Phi chính phủ hoan nghênh.

“Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận xét :

“Quyết định của bà Thanh tra Liên Âu là một tiền lệ quan trọng mà Quốc hội Châu Âu phải sử dụng để thúc đẩy mạnh mẽ các bảo đảm nhân quyền trước khi ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch. Liên Âu cần nghiên cứu tác động nhân quyền như một đòi hỏi cần thiết, bắt buộc phải có, trước khi thương thảo Hiệp ước mậu dịch và đầu tư, để cho các quốc gia muốn có quan hệ mậu dịch với Liên Âu sẽ không thể nào hưởng các quyền lợi mậu dịch và đầu tư nếu vi phạm các quyền cơ bản của người công dân nước họ”.

“Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, ông Karim Lahidji, thì nói: “đây là bước tiến cụ thể đúng lối nhằm bảo đảm chính sách mậu dịch và đầu tư của Liên Âu”.

Bản tin của EurActiv cho biết các cuộc Hiệp ước Tự do Mậu dịch hiện đang thương thảo với Nhật Bản, Mã Lai Á, Ấn Độ, Nhóm Mercosur Group, Adrean Community tại Canada, cũng như các quốc gia ASEAN.

Thông tin trên cho thấy là các quốc gia đang thương thảo sẽ bị đặt trước vấn nạn Nhân quyền. Trường hợp Việt Nam, thì Hiệp ước đã kết thúc từ tháng 12 vừa qua, song vấn đề đặt ra là sẽ được Hội đồng Châu Âu chấp nhận hay không ? Quốc hội Châu Âu sẽ phê chuẩn hay không ?

Thời gian tới đây sẽ trả lời. Mặt khác, tại cuộc điều trần hôm 3-3, Liên Đoàn Quốc tế Nhân Quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm ngưới Việt Nam đã tỏ lời hoan nghênh phán quyết của bà O’Reilly, Thanh tra Liên Âu, và đưa ra một số khuyến cáo yêu sách Uỷ hội Châu Âu thực hiện

Dù kết quả thế nào, đây là bước ngoặt không thế thối lui trên phạm vi bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Từ đây Uỷ hội Châu Âu phải tuân thủ chính sách nhân quyền cố hữu ấn định qua Hiệp ước Lisbon.


 Radio Free Asia

Phóng viên Ỷ Lan tường trình từ Quốc hội Châu Âu :


Cuộc Điều trần sôi nổi về Nhân quyền Việt Nam
tại Quốc hội Châu Âu



Hôm 3 tháng 3 vừa qua, Phân ban Nhân quyền của Quốc hội Châu Âu đã nghe Bà Thanh tra Liên Âu (Ombudsman) điều trần về những sai phạm việc quản lý nhân quyền của Uỷ hội Châu Âu trong cuộc thương thảo Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam.

Cách đây hai năm, đầu tháng 8 năm 2014, hai tổ chức nhân quyền quốc tế là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã nộp đơn kiện lên Thanh tra Liên Âu về việc Uỷ hội Châu Âu từ chối đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam trong cuộc thương thảo Mậu dịch và Đầu tư. Ngày 29 tháng 2 vừa qua, Bà O’Reilly, Thanh tra Liên Âu, lên tiếng xác nhận các lý lẽ trong đơn kiện của hai tổ chức nhân quyền nói trên là chính xác, và tuyên án Uỷ hội Châu Âu mắc tội sai phạm việc quản lý nhân quyền.

Mặc dù Hiệp ước Tự do Mậu dịch (FTA) Liên Âu – Việt Nam kết thúc hồi tháng 12 vừa qua, nhưng Hiệp ước chỉ có hiệu lực sau khi được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn. Vì vậy, lời tuyên án của bà Thanh tra Liên Âu và cuộc điều trần của bà trước Quốc hội Châu Âu hôm thứ năm ngày 3 tháng 3 vừa qua, cùng sự lên tiếng đồng tình và sôi nổi của nhiều Dân biểu đang đặt ra vấn đề bức thiết cho sự thay đổi chính sách Nhân quyền chưa từng có của Uỷ hội Châu Âu. Xin mời quý thính giả theo dõi các phát biểu tại cuộc điều trần :

Trước hết là lời của Bà Emily O’Reilly, Thanh tra Liên Âu :

“Hai tuần trước đây, tôi đã kết thúc cuộc điều tra về đơn kiện liên quan tới bản Hiệp ước. Thúc đẩy tôi làm cuộc điều tra đến từ đơn kiện đệ nạp vào tháng 8 năm 2014 của hai tổ chức Phi chính phủ, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam. Các lời khiếu kiện của hai tổ chức không đi vào nội dung Hiệp ước Tự do Mậu dịch, mà đúng hơn, là việc Uỷ hội Châu Âu từ khước đặt vấn đề tác động nhân quyền trước khi vào bàn thương thảo chuyện mậu dịch.

“Điều 21 của Hiệp ước Lisbon quy định việc hành xử của Liên Âu trên trường quốc tế “phải được hướng dẫn theo những nguyên tắc đặt ra từ lúc thành lập, là tìm kiếm và thăng tiến trong toàn thế giới : dân chủ, pháp quyền, nhân quyền phổ quát và không thể chia cắt cùng những tự do cơ bản, tôn trọng nhân phẩm, những nguyên tắc bình đẳng và đoàn kết cũng như những nguyên tắc của Hiến chương LHQ và các công ước quốc tế”.

“Theo quan điểm của tôi, sự từ khước tác động nhân quyền trước khi bắt đầu thương thảo Hiệp ước Tự do Mậu dịch của Uỷ hội Châu Âu là trái chống với tinh thần của Hiệp ước Lisbon (…) Điều này phản chiếu sự thất bại trong hành động nhất quán với những giá trị cao cả và những nguyên tắc mà Liên Âu đặt nền tảng. Đối với tôi, đây đã là sự “sai phạm việc quản lý nhân quyền”.

Bà Gaelle Dusepulchre, đại diện cho Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tiếp lời :

“Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nghĩ rằng, chẳng ai vừa lòng với Hiệp ước Tự do Mậu dịch theo văn bản đệ trình hôm nay. Điều ghi nhận giản dị, là chẳng có một ghi chú đặc biệt nào về nhân quyền, ngoại trừ trong lời mào đầu. Không có một cơ chế nào cho việc thu tập các khiếu kiện của nạn nhân. Đối với chúng tôi, như thế là quá thiếu sót. Thật thà mà nói, chúng tôi nhận xét rằng Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam và những hiệp ước khác theo kiểu ấy, rồi mặc dù đơn kiện trình lên Thanh tra Liên Âu được ghi nhận là có vấn đề, Liên Âu vẫn từ chối sửa đổi các quy định. Chúng tôi nhận định rằng, hành động của Uỷ hội Châu Âu đã làm phân xé luật pháp quốc tế”.

Dân biểu Pier Antonio Panzeri, người nước Ý phát biểu :

“Sự từ chối đánh giá nhân quyền trước khi thương thảo Hiệp ước Mậu dịch với Việt Nam chứng tỏ sự tôn trọng nhân quyền không hiện hữu. Sự kiện này không chỉ là triệu chứng sai phạm việc quản lý nhân quyền, mà là sai lầm từ chính sách. Theo tôi, chúng ta cần xem xét lại phương cách Liên Âu tiếp cận để thương thảo các hiệp ước mậu dịch. Chúng ta chẳng còn ảo tưởng việc hiệp ước mậu dịch giúp đổi thay tình trạng nhân quyền trong một sớm một chiều. Nhưng các hiệp ước ký kết phải thực hiện việc cải tiến nhân quyền. Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu phải biểu tỏ thái độ trên vấn nạn này. Nếu chẳng có gì thay đổi qua tiến trình theo dõi cho tới nay, tôi tin rằng Quốc hội Châu Âu không thể nào phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam”.

Dân biểu Petrus Austrevecius, người Lithuania, đưa lời đề nghị quyết liệt:

“Điều rất hiển nhiên, là tình hình Việt Nam còn xa với sự bình thường, chẳng lý tưởng chút nào. Khi nói tới nhân quyền thì Việt Nam không là tấm gương tốt. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý ở đây, tại Quốc hội Châu Âu này, rằng tất cả mọi cuộc thương thảo mậu dịch phải được sử dụng toàn triệt nhằm cải tiến nhân quyền tại quốc gia đệ tam. Chúng ta đã từ bỏ chính sách này chăng ? Không ! Nhưng nếu chúng ta chấp nhận các lý lẽ của Uỷ hội Châu Âu, thì chúng ta nên đóng cửa Phân ban Nhân quyền của Quốc hội Châu Âu đi cho rồi. Tôi xin kêu gọi quý vị Dân biểu, các bạn đồng viện của tôi ở đây, không chấp nhận tình trạng này. Phải mở lại cuộc thương thảo về Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam để sử dụng bất cứ công cụ nào mà chúng ta có trong tay để bảo đảm chính sách Liên Âu phục vụ và thăng tiến nhân quyền”.

Bà Barbara Lochbihler, Cộng hoà Liên bang Đức, nhấn mạnh chính sách nhân quyền Liên Âu :

“Tôi nghĩ rằng sự từ chối của Uỷ hội Châu Âu trong việc đánh giá nhân quyền, mà bà Thanh tra Liên Âu gọi là sai phạm việc quản lý nhân quyền, là điều vô cùng trầm trọng. Đây là lần đầu tiên nhóm từ này được sử dụng. Và phản ứng của Uỷ hội Châu Âu cho thấy mục tiêu nhân quyền hoàn toàn bị xem thường. Tôi đồng ý với các bạn đồng viện Dân biểu Quốc hội Châu Âu của tôi, rằng việc này không thể cho qua, bởi vì đây không riêng chuyện Việt Nam mà thôi, mà Liên Âu đang thương thảo các hiệp ước mậu dịch với nhiều quốc gia khác nữa”.

Ỷ Lan : Trên đây chỉ là một số phát biểu trong cuộc thảo luận sôi nổi tại Quốc hội Châu Âu, mà vì thời lượng Đài không thể nêu lên hết. Kết thúc cuộc điều trần, bà Elena Valenciano,người Tây Ban Nha, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, nói :

“Đây là một đề tài hết sức quan trọng của chúng ta, vì nó mang tới một tiền lệ, một tiền lệ vô cùng nguy hiểm. Như quý vị đã thấy, mọi thành viên trong Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu thuộc tất cả các nhóm chính trị khác nhau đều biểu tỏ một quan điểm như nhau. Quý vị ở Uỷ hội Châu Âu đang phải đối diện với quan điểm hợp nhất trên chính sách nhân quyền của các lực lượng chính trị thuộc Quốc hội Châu Âu”.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nhận xét rằng :“Quyết định của bà Thanh tra Liên Âu là một tiền lệ quan trọng mà Quốc hội Châu Âu phải sử dụng để thúc đẩy mạnh mẽ các bảo đảm nhân quyền trước khi ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch. Liên Âu cần nghiên cứu tác động nhân quyền như một đòi hỏi cần thiết, bắt buộc phải có, trước khi thương thảo Hiệp ước mậu dịch và đầu tư, để cho các quốc gia muốn có quan hệ mậu dịch với Liên Âu sẽ không thể nào hưởng các quyền lợi mậu dịch và đầu tư nếu vi phạm các quyền cơ bản của người công dân nước họ”.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu,
thủ đô Brussels

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét