Kính chuyển đến quý vị bài viết của Bác sỹ Nguyễn Quốc Hưng.
Đạo hữu Minh Phúc đã quan tâm đến hiện tình của GHPGVNTN nhứt là kể từ sau khi TT Gíac Đẳng từ nhiệm. Anh cũng đã phổ biến lên mạng những tài liệu đăng bạ về chủ quyền chùa Phật Quang tại California và pháp lý của VP II VHĐ tại Texas, từ đó mọi người mới biết đến những văn kiện này. Anh cũng đã đến gặp trực tiếp TT Giác Đẳng để trình bày vấn đề và đã được TT mời anh tham dự Đại hội vào tháng 10/2015 do nhóm của TT tổ chức với tư cách thuyết trình viên nhưng anh đã từ chối qua một lá thơ gởi TT với lý do rất chánh đáng.
Là một cựu Huynh trưởng sinh hoạt dưới mái nhà của GH, một trí thức có lòng trung thực và với trí tuệ nhìn thấu, anh đã có những bài viết phân tích rất công phu giúp phật tử nhận định đâu là công lý, lẽ phải và nhứt là giúp cho những ai đã vì vô minh nhứt thời đã có những lời nói, việc làm tạo nghiệp ác cho bản thân và gia đình, sớm hồi đầu.
Xin mời đọc.
Sau hơn 40 năm, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và khắp thế giới đã có những tiến bộ vượt bực về các mặt giáo dục, thương mại, và văn hóa. Cùng với các sắc dân Á Châu khác, người Việt đóng tròn vai trò của một “thiểu số gương mẫu” (model minority). Theo trào lưu dân chủ, cộng đồng Việt Nam tị nạn đã “trăm hoa đua nở,” với sự xuất hiện của hàng trăm tờ báo, hàng chục đài phát thanh và truyền hình. Những phương tiện truyền thông này giúp đồng bào chúng ta đỡ cô đơn nơi chốn quê người, biết được những tin tức trong cộng đồng và học hỏi để giúp thêm việc hội nhập vào một xã hội mới. Là tiếng nói của người Việt không cộng sản, các báo chí và các đài truyền thanh truyền hình cũng phản ảnh nguyện vọng một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, hùng cường và phát triển.
Cũng trong nguyện vọng đó, người viết mong được góp ý với một số cơ quan truyền thống nói riêng và, vì họ là tiếng nói tiêu biểu của cộng đồng, với cộng đồng người Việt chúng ta nói chung. Chúng ta là những người cùng chung một số phận vô tổ quốc, cho dù có mang giấy quốc tịch Mỹ và dòng máu Việt. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là đóng góp trong tất cả khả năng của mình để đem lại tự do dân chủ cho đất nước. Trên suy nghĩ đó, giới truyền thông cần phải vượt lên trên vai trò thường nhật để làm tròn cái bổn phận cao cả của người cầm bút. Bổn phận đó là nói lên sự thật và tranh đấu cho sự thật. Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi bắt học thuộc lòng bài thơ Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán, trong đó có đoạn:
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Người viết xin được áp dụng cái triết lý này vào cái vấn nạn của GHPGVNTN mà chúng ta phải trải qua trong thời gian gần đây, cốt để đi tìm một sự chân thật cần thiết. Thời gian qua, chúng ta thấy các nhân vật trong nhóm của Luật Sư Điêu xuất hiện rất nhiều trên các đài truyền hình và truyền thanh ở khắp nơi. Đi đôi với các phỏng vấn, chúng ta nghe nhiều lần các khái niệm và từ ngữ hoa mỹ dùng để tả nhóm của họ, như truyền thừa, dân chủ, độc lập, hy sinh, pháp lý, dường như được chấp nhận một cách dễ dãi bởi một số nhà văn nhà báo. Xin phép được cùng tìm hiểu thêm về các khái niệm này để biết đúng sai vì nếu chúng ta lỡ chấp nhận sai là đúng, lấy trái làm phải, thì giá trị của các khái niệm này sẽ giảm đi và công cuộc tranh đấu chung cũng bị ảnh hưởng.
Truyền thừa:
Truyền thừa có hai vế. Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh, đời trước trao lại đời sau là truyền, đời sau nhận chịu lấy là thừa, như một người con đón nhận lại gia sản của cha ông. Nhóm Ông Điêu quảng cáo họ là truyền thừa của GHPGVNTN. Lý luận này có nhiều người tin nghe và được giới truyền thông liên tục phổ biến. Những người này bỏ qua một số chi tiết quan trọng. Thứ nhất, TT Thích Giác Đẳng đã từ chức và được chấp nhận. Một người đã từ chức thì không thể thừa kế gì cả. Thứ hai, dựa theo Quyết Định 21, Thượng Tọa đã bị “vô hiệu hóa vĩnh viễn tư cách thành viên GHPGVNTN,” nghĩa là không còn quyền lợi hay trách nhiệm và tuyệt đối không được truyền đại mạng mạch Giáo Hội. Vì ở đây chỉ có thừa mà không có truyền nên dùng từ truyền thừa là sai. Không được cho mà lấy đúng ra có một tiếng gọi khác. Một người con bỏ nhà ra đi, bị cha mình từ, lại chiếm gia sản của tổ tiên, bảo rằng mình thừa kế, ngay khi cha mình còn sống. Việc làm trái đạo lý như thế mà chúng ta có thể hoan nghinh được sao? Thứ ba, những người trong Nhóm Ông Điêu không chấp nhận Hiến Chương của Giáo Hội, không tuân theo Giáo Chỉ, có hệ thống tổ chức khác biệt và không phụ thuộc vào cơ cấu của Giáo Hội, thì truyền thừa cái gì bây giờ?
Độc lập:
Độc là một mình. Lập là đứng. Độc lập là đứng một mình, tức là không phụ thuộc vào cái gì khác. Đi đôi với khái niệm truyền thừa ở trên, các thành viên của Nhóm Ông Điêu cũng nhấn mạnh tính cách độc lập của họ. Có ai biết được một tổ chức nào vừa truyền thừa vừa độc lập không? Chắc chắn là không. Lý do là vì độc lập có tính cách so sánh, tức là phải độc lập với ai, một hình thức gián tiếp xác nhận sự hiện diện cùng lúc của một tổ chức thứ hai. Mà nếu tổ chức đó đang còn đó, chưa mất đi, thì không thể là truyền thừa của tổ chức đó được, mà gọi là bức tử.
Luật Sư Chủ Tịch tuyên bố là tổ chức của họ không dính líu gì đến GHPGVNTN. Nếu là độc lập, thì tổ chức họ được độc lập từ khi nào? Từ khi đăng bạ dưới sự chỉ định của Đức Tăng Thống và Hội Đồng Lưỡng Viện? Từ khi Hội Đồng Chỉ Đạo nguyên thủy được bổ sung bởi GH? Từ khi đi mua chùa dưới danh nghĩa của Đức Tăng Thống? Hay từ Đại Hội mà họ tuyên bố là được Đức Tăng Thống ủy thác vai trò pháp lý của GHPGVNTN? Nếu là độc lập như người Chủ Tịch tuyên bố thì tại sao người Phó Chủ Tịch phải dùng Giáo Chỉ 20 của Đức Tăng Thống làm nguyên cớ cho tất cả? Chỉ có khi nào phụ thuộc vào GHPGVNTN thì mới có chuyện phải tuân theo giáo chỉ. Đã là một tổ chức biệt lập thật sự thì có bao nhiêu giáo chỉ đâu có gì quan hệ? Trong cùng một cuộc phỏng vấn, cả hai lập luận tương phản này được nêu lên mà không ai có một phản ứng gì. Độc lập còn mang sắc thái bất biến, bởi vì nếu phụ thuộc nhu cầu cá nhân hay thay đổi theo hoàn cảnh thì ngay trong nghĩa đã không là độc lập nữa.
Dân chủ:
Định nghĩa một cách đơn giản, dân chủ là một hình thức chính trị trong đó người dân một nước hay thành viên một tổ chức, một người một phiếu, được quyền bầu cử những người đại diện. Luật Sư Chủ Tịch có viết “chúng ta quyết chí đồng hành trong việc xây dựng một Giáo-Hội Phật-Giáo thật sự dân chủ. Dân chủ trong tư tưởng, dân chủ trong cơ chế tổ chức, và dân chủ trong hành động và cách đối xử lẫn nhau. Và hơn tất cả, chúng ta đồng tiến trong công cuộc tạo dựng một UBCV thật sự của người dân, cho người dân, và vì người dân.” Như đã dẫn chứng từ trước, khi Luật Sư đăng bạ năm 2014, đối diện với sự chọn lựa là có cho phép thành viên được bầu cử hoặc quyết định hay không, Luật Sư đã quyết định là không trong cái Chứng Chỉ Thành Lập (Certificate of Formation). Một năm sau, khi viết Dự Án Nội Qui, Luật Sư lại có thêm một cơ hội để quyết định phương thức sinh hoạt, một lần nữa Luật Sư lại xác nhận mọi người có thể là thành viên, nhưng không ai có quyền quyết định, ngoại trừ duy nhất Hội Đồng Chỉ Đạo (bây giờ chỉ còn một mình Luật Sư) và các viên chức (“Section 3.1 Non-Voting Membership: The internal affairs and all lawful business and activity shall be the sole responsibility of the Board of Directors of the UBCVN-GHPGVNTN and its officers, as described in the Bylaws.”) Hội Đồng Chỉ Đạo (Board of Directors) là cơ cấu tối cao và duy nhất có giá trị pháp lý. Cái gọi là tam đầu chế chỉ là hỏa mù, vì không được chính thức hóa trong nội qui, và nhân sự cùng như nhiệm kỳ đều hoàn toàn phụ thuộc vào cái tự quyết của một người duy nhất trong Hội Đồng (?) Chỉ Đạo.
Việc một nhóm người thân tín hội họp trong vòng kín đáo, chia chác các chức vụ, không đồng nghĩa với dân chủ, cho dù bất kỳ ở đâu. Chúng ta có thể nhìn trong hành động và cách đối xử của họ với các thành viên đã từng đóng góp công sức và tài vật mà xác quyết rằng, Nhóm Ông Điêu không có dân chủ trong tư tưởng, trong cơ chế tổ chức, hay trong hành động. Dân chủ không thể là tùy nghi. Là những người sinh sống trong một đất nước dân chủ, chúng ta biết thế nào là dân chủ và thế nào là phi dân chủ và bất chính. Câu hỏi đơn giản cho các nhà dân chủ này là chúng tôi đã bầu cho quí vị hồi nào?
Hy Sinh:
Hy sinh là một sự xã thân, chấp nhận thiệt hại, mất mát quyền lợi về vật chất hay tinh thần cho một mục tiêu hay lý tưởng cao đẹp. Trong Gettysburg Address của Abraham Lincoln, Người viết về sự hy sinh cao cả của hàng chục ngàn chiến sĩ để bảo vệ cho sự thống nhất quốc gia và giải thoát cho 4 triệu người nô lệ. Gettysburg là trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, với 51,000 người chết, gần bằng con số 58,000 người lính Mỹ hy sinh trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Luật Sư Chủ Tịch dùng bài diễn văn bất hủ này để làm giàn cho bài viết của mình. Ở đây người viết chỉ xin đề cập đến việc mập mờ đồng hóa sự hy sinh của người khác với sự thiệt thòi của một cá thể. Luật Sư Chủ Tịch viết: “Trong quá trình tranh đấu suốt năm thập niên, đã có biết bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử hy sinh cuộc đời mình cho sự sinh tồn của Giáo-Hội Phật-Giáo. Đã có biết bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử bị vu khống, chụp mũ, miệt thị, và thậm chí bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Giáo-Hội Phật-Giáo, một Giáo-Hội mà họ đã hiến dâng một phần cuộc đời để bảo tồn và phát huy.”
Nếu cho rằng phải nghe lời miệt thị vì bán chùa chiếm tên mà những người trong nhóm ly khai của Luật Sư Chủ Tịch có thể đặt mình ngang vế với những cao tăng đương đại của Phật Giáo Việt Nam đã hiến mình vì đạo thì đó là một sự so sánh đáng xấu hổ. Hy sinh phải đi đôi với một đối thể hay một lý tưởng vị tha. Hy sinh phải có tánh tha nhân, cứu độ cho người khác. Nếu vì một mục tiêu cá nhân, cho dù mục tiêu đó không phương hại người khác, cũng không thể gọi là hy sinh.
Gần 300,000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa chết cho lý tưởng tự do. Đó là hy sinh.
Gần 400,000 thuyền nhân Việt Nam chết trên biển cả đi tìm tự do. Đó là hy sinh.
Hàng ngàn người bỏ mạng trong lao tù cộng sản, trong đó có các cựu quân nhân, các nhà tranh đấu cho nhân quyền hay tự do tôn giáo như Thầy Thích Thiện Minh. Đó là hy sinh.
Hàng chục ngàn người bị giam cầm, quản thúc, lưu đày; vì công lý, vì nước, vì dân và vì đạo như Thầy Thích Quảng Độ. Đó là hy sinh.
Lạm danh, lạm quyền, lạm của, lạm công để bị công luận miệt thị thì đó chỉ là hậu quả tất yếu của việc mình làm. Đó không phải là hy sinh.
Pháp Lý:
Một từ ngữ khác cũng rất phổ biến gần đây là pháp lý, như đăng bạ pháp lý, giá trị pháp lý, tư cách pháp lý … Pháp lý theo Hán Việt Tự Điển là nguyên lý của pháp luật. Nó là một chữ đao to búa lớn, nghe như có tính cách rất chính quyền và trịnh trọng. Hầu như khi tuyên bố ta đây pháp lý thì tự khắc ta có pháp luật đầy mình, như đem ông kẹ ra dọa con nít. Nhìn kỹ hơn thì cái gọi là pháp lý cũng không ghê gớm gì cho lắm. Trước hết, xin được bàn về cái giá trị pháp lý của cái UBCV-GHPGVNTN mà Luật Sư Chủ Tịch đăng bạ. Như chiếc xe, đăng ký là việc đầu tiên nhưng vẫn cần các thủ tục thường xuyên để xe được hợp lệ, như là kiểm tra, bảo quản … Kể từ khi đăng bạ, việc bảo quản cho danh hiệu UBCV-GHPGVNTN hầu như là không có. Việc xin vô vị lợi (non-profit status, 501©3) đã không được thực hiện. Luật pháp tiểu bang đòi hỏi phải có Nội Qui, gần hai năm sau vẫn chưa xong. Pháp lý cũng đòi hỏi phải công khai sổ sách tài chánh cho thành viên mà cũng không làm. Họp đại hội thì không đủ túc số. Hội Đồng Chỉ Đạo thì không được bầu bán đúng luật lệ, khi thì 3, khi thì 9, khi còn lại 1 (Luật Texas đòi phải có tối thiểu là 3). Người trong Hội Đồng Chỉ Đạo như Cư Sĩ Ỷ Lan thì họp không được mời, bán chùa không được báo, bị loại trừ khỏi Hội Đồng lúc nào cũng không được cho hay. Nên nhớ đây là luật lệ, không phải tự giác hay tùy hảo tâm. Luật lệ mà không tôn trọng thì sẽ có hậu quả. Việc đăng bạ chỉ cần một mẫu đơn và ba trăm bạc. Việc chính quyền khai tử một tổ chức vì phạm pháp lại còn dễ hơn gấp mấy lần. Thành thử cái giá trị pháp lý cũng chẳng còn bao nhiêu.
Cái tư cách pháp lý thì lại càng lủng củng hơn. Quay lại chiếc xe làm thí dụ, nếu vì một lý do nào đó, chúng ta nhờ (ủy thác) một người giúp đăng ký chiếc xe, đó không có nghĩa là người đó sẽ có quyền làm chủ chiếc xe của chúng ta. Vì UBCV-GHPGVNTN được thành lập dưới sự ủy thác của Hội Đồng Lưỡng Viện, UBCV-GHPGVNTN vẫn trực thuộc Hội Đồng Lưỡng Viện. Hiến Chương của GHPGVNTN, đặc biệt trong trường hợp không có Nội Qui, theo pháp lý phải là lề luật hoạt động của UBCV-GHPGVNTN. Vì lý do đó, cái Hội Đồng Chỉ Đạo và các hạ tầng cơ sở đương thời của UBCV-GHPGVNTN không được Hội Đồng Lưỡng Viện chấp thuận là trái luật và không có tư cách pháp lý. Giá trị pháp lý thì yếu mà tư cách pháp lý thì không.
Chúng ta đã thấy rõ cái nhóm của Luật Sư Điêu không phải là truyền thừa, không là dân chủ hay độc lập, không hy sinh gì cho ai hay một lý tưởng nào, cũng không có pháp lý gì cả. Nếu có sự tự nhận như vậy thì sai và không đúng sự thật. Thếnào là sự thật? Đảng Cộng Sản Việt Nam là hiểm họa to lớn cho đất nước và dân tộc, đó là sự thật. GHPGVNTN dưới sựlãnh đạo của Đức Tăng Thống đang đối đầu với Đảng Cộng Sản Việt Nam, đó là sự thật. Nếu ai không tin điều này thì xin nghiên cứu các thông báo của Bộ Ngoại Giao Mỹ về Tự Do Tín Ngưỡng ở Việt Nam. Cướp tên của GHPGVNTN là phá hoại GH, đó cũng là sự thật. Không ai có thể thành tâm cho là nỗ lực xoá tên GH là ủng hộ GH và ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo! Xin không tiếp tay cho sự phá hoại GH vì đó cũng là tiếp tay cho Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mấy lời chân thật viết cho những ai bị những từ ngữ hoa mỹ làm rối rắm, xin hãy tĩnh tâm để nhìn rõ đâu là sự thật.
Thành kính,
Minh Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét