Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

THÔNG CÁO BÁO CHÍ (ngày 16-3-2016) Quyết định cung thỉnh Hoà thượng Thích Toàn Lạc làm Tân Trú trì chùa Kim Quang, Huế — Câu Chuyện Cuối Tuần về Mười Hai Nhân duyên


PARIS, ngày 16.3.2016 (PTTPGQT) - Viện Hoá Đạo vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến Quyết Định số 03.16 ký ngày 12-3-2016 về vệc miễn nhiệm chức vụ trú trì của Hoà thượng Thích Thiện Hạnh và cung thỉnh Hoà thượng Thích Toàn Lạc lên ngôi vị Tân Trú trì chùa Kim Quang, Huế.
 
Sau đây là toàn văn bản Quyết định :
 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN HOÁ ĐẠO
Tu Viện Long Quang, Phương Tứ Hạ, Thị Xã Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên – Huế
Phật lịch 2559
Số 03.16/VHĐ/QĐ
 

QUYẾT ĐỊNH
MIỄN NHIỆM CHỨC VỤ TRÚ TRÌ
VÀ CUNG THỈNH TÂN TRÚ TRÌ CHÙA KIM QUANG HUẾ

 
 
- Căn cứ Điều Thứ 37 Chương thứ X của Hiến Chương GHPGVNTN quy định tài sản của Giáo Hội gồm :
 
*Động Sản và bất động sản do Giáo Hội tự tạo
 
*Động sản và bất động sản hiến cúng.
 
- Căn cứ Điều Thứ 5 Chương Thứ Nhất của Nội Quy Viện Hóa Đạo :
 
* Viện Trưởng Viện Hóa Đạo thay mặt GHPGVNTN trên phương diện Pháp Lý liên quan đến sự hoạt động của GHPGVNTN :
 
….Thâu nhận tất cả mọi số tiền hoặc tài sản, bất động sản hỷ cúng hay tặng cho Giáo Hội không hạn định….
 
….Viện Trưởng Viện Hóa Đạo bổ nhiệm nhân viên Văn Phòng VHĐ, tất cả chức vụ quan trọng thuộc phạm vi các Tổng Vụ….
 
- Căn cứ  vào GIẤY CÚNG CHÙA của Thượng Tọa Thích Toàn Lạc theo di huấn của Cố Trưởng Lão Bổn Sư Thích Diệu Hoằng ký ngày 24 tháng 10 năm 2004 đã được Ban Đại Diện GHPGVNTN Tỉnh Thừa Thiên Huế thay mặt Viện Hóa Đạo thọ nhận ngày 18 tháng 12 năm 2004.
 
- Căn cứ THƯ THỈNH NGUYỆN ghi rõ mục đích hiến cúng của Cố Trưởng Lão Thích Diệu Hoằng và Thượng Tọa Thích Toàn Lạc ký ngày 15 tháng 10 năm 2004 : “Chùa cúng chỉ dùng trong việc làm Công Ích Giáo Hội như : Phật Học Viện, Trung Tâm Xã Hội.. chứ không giao cho vị nào làm chùa riêng của vị đó”.
 
- Căn cứ vào BIÊN BẢN LIỆT KÊ DANH SÁCH ĐỘNG SẢN VÀ BẤT ĐỘNG SẢN bàn giao giữa Thượng Tọa Thích Toàn Lạc và Ban Đại Diện GHPGVNTN ngày 18 tháng 12 năm 2004,công việc cúng chùa gặp nhiều trở ngại từ năm 2004 cho đến năm 2009 mới được thực hiện.
 
- Căn cứ BIÊN BẢN BÀN GIAO CHÍNH THỨC do Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh nhân danh Chánh Đại Diện GHPGVNTN Tỉnh Thừa Thiên Huế và Thượng Tọa Thích Toàn Lạc, Trú Trì Chùa Kim Quang ký ngày 15 tháng 6 năm 2009.
 
- Căn cứ BIÊN BẢN PHIÊN HỌP SỐ 2 ký ngày 16 tháng 6 năm 2009 ở điều số 5 Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh được ban Đại Diện GHPGVNTN Tỉnh Thừa Thiên Huế cung thỉnh Trú Trì Chùa Kim Quang.
  

XÉT RẰNG :

  
1/. Kể từ khi được cung thỉnh làm Trú Trì Chùa Kim Quang 2009 đến nay Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh không có mặt trực tiếp tại Chùa Kim Quang để thực hiện nhiệm vụ của mình được giao phó.
 
2/. Ngược lại, Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh đã giao cho người khác quản trị Chùa Kim Quang, đã biến ngôi Tam Bảo nầy thành nơi cúng bái lấy tiền, không làm đúng di nguyện của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Diệu Hoằng cũng như tâm nguyện của Thượng Tọa Thích Toàn Lạc, lại còn tự ý phá hoại cây cối trong chùa làm mất cảnh quang của Ngôi Cổ Tự.
 
3/. Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh đã giải tán Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tỉnh Thừa Thiên Huế, bản thân Hòa Thượng không còn sinh hoạt trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nên không còn tư cách để Trụ Trì Kim Quang Tự.
  

NAY QUYẾT ĐỊNH

  
ĐIỀU I : Miễn nhiệm vĩnh viễn chức vụ Trú Trì Chùa Kim Quang của Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh
 
ĐIỀU II : Cung thỉnh Hòa Thượng Thích Toàn Lạc, Chủ Sở Hửu chùa Kim Quang đồng thời Chủ Hộ Chùa Kim Quang vào ngôi vị Trú Trì Kim Quang Tự để thực hiện đúng ý nguyện của Cố Trưởng Lão Bổn Sư và Tâm Nguyện của Hòa Thượng.
 
ĐIỀU III : Các Đương Sự có tên dẫn thượng thực hiện bàn giao và đệ trình Viện Hóa Đạo trong thời hạn sớm nhất.
 
ĐIỀU IV : Quyết Định nầy có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Văn kiện trái với Quyết Định nầy đều vô hiệu lực.
 
Phật Lịch 2559, Tu Viện Long Quang
ngày 12 tháng 3 năm 2016
Viện trưởng Viện Hoá Đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)Sa Môn THÍCH THANH QUANG
 
 
 
BẢN SAO :
- Thượng Trình Đức Tăng Thống GHPGVNTN kính thẩm tường
- Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Lưỡng Viện kính tường.
- Ủy Ban Nhân Dân Phường An Cựu kính tường
- Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Huế kính tường
- Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Thừa Thiên Huế kính tường
- Lưu./.
 
 
Câu Chuyện Cuối Tuần  

Câu Chuyện Cuối Tuần Về “Mười Hai Nhân Duyên”

 
 
“Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận phát thanh mỗi thứ sáu hàng tuần, do ký giả Triều Thanh phụ trách.
 
Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn Cư sĩ Võ Văn Ái về “Mười Hai Nhân Duyên”chép lại từ cuộc phỏng vấn trong chương trình Đài thứ sáu 3 tháng 3 dương lịch 2016 :
 

Về Mười hai Nhân Duyên

 
Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, vừa qua chúng tôi rất lý thú nghe ông giải thích về Năm Thừa trong Phật giáo. Dù rằng nhiều sách giải thích, nhưng lắm khi người đọc bị rối trí với các thuật ngữ lạ lẫm, cao kỳ, gây khó khăn cho việc thâm nhập Phật Pháp ?
 
Võ Văn Ái : Tôi xin lỗi ngắt lời ở đây để nêu chút ý kiến. Việc học Phật giống như học một ngoại ngữ. Mới đầu ta nghe đâu hiểu gì, lạ tai, vô nghĩa. Thế nhưng từ từ học cách đọc, cách phát âm, nghĩa bóng nghĩa đen của từng chữ, rồi câu kéo… tất có ngày nói năng và hiểu song suốt thứ tiếng ấy để thâm hiểu con người, xã hội, văn hóa của quốc gia này.
 
Học Phật Pháp cũng vậy thôi. Giải thích con đường giải phóng, giác ngộ, cách tu học, cách định tâm, thức trí, đâu dễ dãi như chuyện mở hàng, bán quán, hay thay chậu trồng cây cảnh. Ngay hai việc này cũng cần đến một số kỹ thuật, và tâm lý mới thành công.
 
Bởi thế học Phật cần biết mình học để làm gì ? Để khoe sự hiểu biết, để lòe chuyện lạ với người đời ? Hay học Phật để giác ngộ bản thân, diệt khổ, chấm dứt luân hồi, và giải phóng nhân sinh ? Đi theo lý tưởng giác ngộ, thì không thể bỏ qua giai đoạn tu luyện, khổ công học hỏi một giáo lý cao cả tồn tại gần ba nghìn năm. Thuật ngữ chỉ là vấn đề sơ đẳng. Nó là chìa khóa để mở vào ngôi nhà trí tuệ.
 
Triều Thanh : Ông nhận xét đúng lắm. Trong đời có nghề nghiệp gì mà không phải lao tâm khổ tứ mới thành nghề. Đến như môn thể dục đá banh, mà những tay chơi banh thượng thặng cũng phải hằng ngày tập luyện tám giờ, chín, mười giờ, chứ đâu phải biết chạy là biết đá. Nay xin hỏi ông với Năm Thừa trong đạo Phật. Nói chung, có phải là người học Phật thấy mình ở cõi nào thì tu theo cõi ấy ? Chẳng hạn chúng ta ở cõi người trên trái đất, mà thuật ngữ gọi là cõi Diêm Phù Đề, thì theo Nhân thừa, cứ thế mà tu theo dần dần đến Bồ Tát thừa phải không, thưa ông ?
 
Võ Văn Ái : Trình bày Năm Thừa trong Phật giáo tôi muốn phân chia cấp bậc, trình tự, mà nói tới năm lối tu hành tùy theo căn cơ của người tu học. Ta nói cõi Trời, nhưng cõi trời ở đâu ? Hàng triệu năm qua, người ta tưởng chỉ có trái đất là hành tinh sống duy nhất giữa vũ trụ bao la. Hai năm qua, giới khoa học vũ trụ cho biết đã tìm ra 2000 hành tinh có thể có sự sống ngoài Thái dương hệ của chúng ta. Họ còn báo hiệu năm 2030, tức 14 năm nữa, sự khám phá các hành tinh có thể có sự sống ở ngoài Thái dương hệ của chúng ta sẽ lên tới con số hai mươi nghìn.
 
Đọc kinh sách ta nghe đức Phật quán chiếu một vũ trụ của Tam thiên đại thiên thế giới có sự sống cho mọi loài chúng sinh. Tính ra là một tỉ hành tinh có sự sống. Đâu phải chỉ là số trăm, số chục nghìn đang nói hiện nay ? Ai ngờ khoa học đang từ từ xác nhận thị kiến của đức Phật từ gần ba nghìn năm trước về vũ trụ vô cùng, và sự sống vô biên.
 
Và cõi Trời có xa đâu ? Nó hiện hữu trên trái đất này. Tôi nghĩ rằng một người dân bình thường ở miền Trung nghèo khốn, mà được đưa thẳng tới Mỹ, chắc chắn họ không nói gì hơn để thốt lên : Đây là cõi thiên đàng ! Đây là Bắc Cu lô châu ! Ít cũng trên mặt vật chất và an cư lạc nghiệp. Chẳng xa chi mấy với cảnh tả trong Tây phương Cưc Lạc. Thiếu chăng là thiếu pháp âm của đời sống đạo hạnh như kinh viết.
 
Vấn đề chia Năm Thừa, chỉ là vấn đề căn cơ tiếp cận chân lý giác ngộ của người tu học.
 
Sơ thời Phật giáo trong sáu, bảy thế kỷ đầu tiên cho ta thấy căn cơ hiểu biết Phật Pháp của chư Tăng thời đó cũng đã hạn chế so với bây giờ. Khởi từ Phật giáo Tiểu thừa Nguyên thủy cho đến sự hỗn tạp chia thành các bộ phái tranh cãi một thế kỷ sau Phật Niết bàn, mà ta thấy qua Thượng tọa bộ, Nhất Thế Hữu bộ và Đại chúng bộ, để cuối cùng xuất hiện sự hưng khởi của Phật giáo Đại thừa.
 
Giáo lý thời Tiểu thừa giới hạn trong Ba pháp ấn (Vô thường, Khổ, và Vô Ngã), lý Duyên Khởi, Bát Chánh đạo. Phương pháp tu hành giới hạn trong 37 pháp trợ đạo được chia thành ba Vô lậu học, là Giới, Định, Tuệ. Mục đích của đời sống Tăng sĩ nhắm đạt quả A La Hán. Dù rằng A La Hán vẫn còn Vô minh nghi, vì không biết những vấn đề về Phật giới. Đặc biệt là không bao giờ công nhận có Phật quả.
 
Văn hệ Bát Nhã chưa xuất hiện ở thời kỳ đầu này, các hạnh Ba La Mật cũng chưa được biết đến. Đặc biệt là đời sống của Bồ Tát với các hạnh Ba la mật chưa được đề cập.
 
Có thể nói, cho tới một thế kỷ trước Tây lịch, sự tiến triển của Phật giáo xẩy ra bằng sự phân tán và phân hóa thành các tông phái. Tuy rằng tông phái nào cũng không rời giáo lý nhất thống của sự diệt khổ, chỉ khác nhau ở quan niệm giáo lý và phương cách tu hành.
 
Nhờ những Luận sư siêu việt, từ thế kỷ trước Tây lịch cho đến ba thế kỷ sau Tây lịch, như các ngài Buddhaghosa, Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, v.v… hai quan niệm Pháp Không và Pháp Thânxuất hiện, Đại thừa mới chính thức khai mở như bước ngoặt cách mạng trong giáo lý đạo Phật. Từ đó, đồng thời với sự phát triển của Đại thừa, con người lý tưởng xuất hiện cho giới cư sĩ là Bồ Tát. Nhờ các Luận sư nói trên mà cũng nhờ sự phát triển của nền văn học Bản sinh Jākata và Avadāna. Nói một cách tổng quát, khác với Tiểu thừa nguyên thuỷ, Đại thừa liên hệ với :
 
Quan niệm Bồ Tát
Sự thực hành các hạnh Ba la mật
Sự phát triển Phật tâm
Mười bậc (hay Thập địa) của sự tu hành chứng quả
Mục tiêu Phật quả, và
Quan điểm Ba Thân (Hóa thân, Thọ dụng thân và Pháp thân), quan điểm về Pháp Không, và quan điểm về Chân Như.
 
Triều Thanh : Qua cách trình bày như vậy, thì người Phật tử có thể chọn lựa một trong Năm Thừa theo khả năng và trình độ của mình ?
 
Võ Văn Ái : Đúng vậy. Với truyền thống Phật giáo Đại Thừa du nhập Việt Nam hơn hai nghìn năm qua, cũng như trước hiện tình khủng hoảng lý tưởng của nhân loại, tôi nghĩ rằng Bồ Tát thừa rất thích hợp với tâm tư và ước vọng của người Phật tử Việt Nam, cùng lúc đáp ứng khát vọng con người thế kỷ XXI. Tuy nhiên có những vấn đề cơ bản về giáo lý phải nhất thiết nắm vững ?
 
Triều Thanh : Là những vấn đề gì ?
 
Võ Văn Ái :  Những vấn đề mà chúng ta đề cập tổng quát trong mấy kỳ qua. Đó là, Tam quy, Ngũ giới, Tứ Điệu đế, lý Duyên khởi, Bát chánh đạo, Mười hai Nhân duyên, vân, vân…
 
Triều Thanh : Xin ông cho nghe vấn đề Mười hai Nhân duyên mà chúng tôi biết, nhưng chưa nắm vững lắm ?
 
Võ Văn Ái : Mười hai Nhân duyên, còn gọi là Thập nhị Nhân duyên, là phép tu hành của Duyên giác thừa, nhưng cũng là vấn đề quán chiếu cơ bản cho mọi giới Phật tử.
 
Khi quan sát sự vật, ta thấy con người, sự sống sự chết, tất cả đều do nhân duyên mà phát khởi. Khi các nhân cùng duyên với nhau thì mọi sự hình thành. Khi các nhân và các duyên tan rã, gọi là diệt. Vậy điều rõ ràng không có cái gì sinh, không có cái gì diệt. Tất cả đều nhờ các nhân với các duyên kết hợp mà còn hay mất. Mọi sự đối đãi nhau mà hiện có, nhưng không thật. Chúng không có tự tính.
 
Chén trà mà ta đang uống đây là sự hợp thành của đất sét, nước, bàn tay người thủ công, với lò đúc tạo ra. Bỏ đi lò đúc, hay đất, nước, bỏ bàn tay người thủ công thì chẳng còn gì gọi là chén trà. Chén trà là tổng thể của nhân và duyên mà hợp thành. Quan sát và phân tích như thế, ta nhận chân ra quy luật, là mọi sắc tướng trong sự vật là giả dối, không có thực, vì chúng theo duyên mà phát hiện, theo duyên mà đổi thay. Từ đó ta chứng ngộ các pháp (tức sự sự vật vật) đều Vô ngã, không có tự tính.
 
Đức Phật giải thích mười hai Nhân duyên của luân hồi là một chuỗi dây liên tục trong một đời người hay trong nhiều kiếp. Gồm có, vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.
 
Khởi từ vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ralục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên rahữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.
 
Nhận rõ hành tướng của từng nhân duyên, tác động của nhân duyên trong sự nẩy sinh nhân duyên khác, gọi là quán duyên khởi, tức quán sát sự lập thành do nhân và duyên tác động, chứ không là sự vật bất biến và độc lập tồn tại. Quán sát duyên khởi như thế mà người tu học diệt trừ các khâu chính trong chuỗi dây liên tục mười hai Nhân duyên để phá vỡ luân hồi, chứng được đạo quả của Duyên giác thừa. Ta thử tìm hiểu từng khâu một trong chuỗi 12 Nhân duyên :
 
1. Vô minh, là không sáng suốt, mê lầm. Vì vậy không nhận chân ra bản tính duyên khởi của sự vật, nên  nhận có cái ta, có cái thân, có những hòan cảnh, để phân biệt cái này với cái kia, cái kia đối chõi cái nọ, lôi kéo ta vào những tranh chấp, những ý niệm sinh diệt, biến chuyển lao lung.
 
2. Hành, là tâm niệm sinh diệt, chuyển biến không ngừng của vô minh, làm cho con người nhận lầm ra cái tâm riêng, cái ta riêng. Từ tâm riêng, ta riêng ấy mà gây ra những ác nghiệp để phải chịu quả báo.
 
3. Thức, là tâm niệm sinh diệt tiếp tục của hành theo từng nghiệp báo mà duyên ra cái thức tâm của đời người, đắm chìm trong khốn khó, đau thương qua bao nhiêu hình thức, cảnh trạng.
 
4. Danh sắc, là cái thức chịu nghiệp báo mà duyên ra danh sắc. Sắc bao gồm những chi có hình tướng, như thân, như cảnh. Danh bao gồm những cái không có hình tướng như sự hay biết, nghĩa là thức tâm thuộc nghiệp nào thì hiện ra thân tâm và cảnh giới của nghiệp ấy.
 
5. Lục nhập, là sáu cái thấy biết. Khi thân tâm đối diện với cảnh giới thì khởi ra sự thấy biết. Mắt đối với cảnh sinh ra sắc trần, tai đối với âm thanh nghe ra thanh trần, mũi đối với mùi vị sinh ra hương trần, lưỡi đối với thức ăn sinh ra vị trần, thân đối với vật thể sinh ra xúc trần, ý đối với sự hiểu biết sinh ra pháp trần.
 
6. Xúc, do sự tiếp cận và thấy biết như thế mà các trần ảnh hưởng đến tâm thấy biết sinh ra quan hệ với nhau gọi là xúc.
 
7. Thọ, do các quan hệ giữa tâm và cảnh nói trên mà sinh ra các thọ, là khổ thọ (chịu khổ), lạc thọ (được vui), hỉ thọ (khoan khoái), ưu thọ (ưu lo), và xả thọ (ruồng bỏ sự bám víu).
 
8. Ái, do các thọ mà sinh ra sự thương ghét. Ưa thích lạc thọ và hỉ thọ, nhưng lại ghét khổ thọ và ưu thọ.
 
9. Thủ, do ưa ghét nên tâm gắn bó với thân và cảnh, không thấy ra giả tướng, hư huyễn của sư vật, sinh lòng chấp trước, bám víu, trầm đắm trong ảo vọng.
 
10. Hữu, do tâm chấp trước, bám víu vào hư tưởng, lấy cái giả làm thật, lấy cái không làm có, gây nên nghiệp chướng phải chịu quả báo, cảnh trạng này gọi là hữu.
 
11. Sinh, hễ có sống tức có sinh, và nhận lầm rằng có sinh sống, vì không biết đạo lý Duyên khởi.
 
12. Lão tử, tức già và chết. Vì cái gì có sinh thì có già và chết.
 
Qua chuỗi dây mười hai Nhân duyên, ta thấy hễ có sinh tức có gây nghiệp. Nghiệp là hành động. Hành động tốt thì sự nghiệp cao qúy, thêm phần tu chứng, giác ngộ, con người sẽ đạt Phật quả. Còn gây nghiệp ác tất phải chịu quả báo. Nghiệp ác đến từ khâu thứ nhất trong chuỗi 12 Nhân quyên, là Vô minh. Quả báo hiện tiền trong cuộc sống trăm năm. Nhưng khi hết thân này, nghiệp báo dẫn dắt vào một thân khác trong kiếp khác ở vị lai, đó là khâu Sinh. Có Sinh, tất có Lão Tử. 12 khâu từ Vô minh đến Lão Tử, nhưng kỳ thật các khâu khác như Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh cũng đều thuộc vô minh cả. Sai một ly đi một dặm là thế. Chính vì vậy mới có luân hồi. Mười hai Nhân duyên cứ chuyển mãi, khâu này sang khâu khác trong sự lầm lạc, rồi từ quá khứ ra tới hiện tại và vị lai, chúng sinh bị trôi lăn, chìm đắm mãi trên đường vòng bất tận của luân hồi.
 
Nguyên nhân căn bản của luân hồi là vô minh và nguyên nhân của tất cả sự chuyển biến là hành. Người học Phật chỉ giác ngộ khi chấm dứt được vô minh, chỉ chấm dứt sinh diệt khi trừ khử được hành.
 
Triều Thanh : Như vậy thì lấy gì để tu phép Mười hai Nhân duyên, thưa ông ?
 
Võ Văn Ái : Tu hành phép Mười hai Nhân duyên là theo đạo lý Duyên khởi để quán tất cả các sự vật duyên sinh hư huyễn, không có tự tính. Nhờ quán như thế mà phát ra trí tuệ, Lúc đó trí tuệ trừ diệt vô minh. Vô minh diệt, thì tất cả Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh. Lão Tử đều tiêu diệt theo. Tất nhiên luân hồi cũng không còn.
 
Nhờ phép Mười hai Nhân duyên mà chứng được đạo lý Duyên khởi. Nên phạm vi hoá độ chúng sinh rộng hơn Thanh văn thừa, và sự giác ngộ cũng gần với Bồ Tát thừa hơn. Vì thế mà có kinh gọi Duyên giác thừa là Trung thừa. tức cỗ xe nằm giữa Tiểu thừa và Đại thừa.
 
Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét