Hỏi: - Danh Sắc – hai pháp cần phải biến tri
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 25-3-2013, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Đề tài “Danh và Sắc” mà cả trên phương diện pháp học và pháp hành có rất nhiều chi tiết để chúng ta thảo luận.
Thứ nhất, chữ “biến tri” ở đây có nghĩa là cái gì đó chúng ta phải hiểu tường tận, nắm rất rõ, nắm rất vững. Và thông thường khi Đạo Phật nói đến chữ “biến mãn” hay là “biến tri” thì nó mang tính toàn diện, thí dụ Đức Phật là bậc Chánh Biến Tri tức là bậc biết đúng và biết một cách toàn diện.
Tính toàn diện ở tại đây quan trọng như là, một người lãnh đạo một công ty thì họ mới biết tất cả các công việc của công ty, một ông thầy thuốc không thể chỉ biết một thứ bịnh một thứ thuốc mà không hiểu những biến chứng liên hệ thuốc đó trị bịnh đó nhưng nếu một người bị bịnh tiểu đường hay là người phụ nữ có thai thì nên tránh. Tức là mang tánh cách “biến tri” thì chúng ta nói đến sự tiến thủ, chúng ta nói đến từ trong ra ngoài, chúng ta nói đến từ cái tiểu đích cho đến đại thể là phải biết, biết rõ, biết toàn diện gọi là “biến tri”.
Bây giờ, khi chúng ta đề cập đến “Danh” và “Sắc” thì từ vựng này dễ làm cho chúng ta hiểu lầm. Đối với người đời chữ “Danh” được hiểu như là danh lợi tức là nói về tiếng tăm nói về cái hư danh ở đời chẳng hạn. Còn chữ “Sắc” thì chúng ta thường nghe được hiểu như là bốn sắc hay là ngoại hình, hay ví dụ như sắc đẹp của người nữ đối với người nam chẳng hạn, chúng ta gọi là “Sắc”.
Nhưng chữ “Danh Sắc” mà được hiểu như vậy không liên hệ với ở đây. Ở đây chử “Danh” và “Sắc” được hiểu một cách hoàn toàn khác biệt.
Chữ “Danh” chúng ta hiểu là “Tâm”.
Sở dĩ Phật Pháp gọi nội tâm là “Danh” là bởi vì chữ Nāma có nghĩa là cái gì mà có tên gọi mà không thể thấy được không thể xúc chạm được tức là nói một cách khác chữ Nāma ở đây được hiểu là cái gì rất là trừu tượng.
Và chữ “Sắc” hay là chữ Rūpa ở đây chúng ta hiểu là cái gì thuộc về vật chất. Thí dụ, cái gì mình thấy, mình nghe, mình nếm, mình xúc chạm, cái đó gọi là vật chất, cái gì thuộc về đất, nước, lửa, gió, cái đó thuộc về vật chất.
Khi chúng ta đề cập đến hai pháp cần phải biến tri, chúng ta hiểu rõ là một người tu tập cần biết về bản thân của mình, như một người làm nghề nông phải biết đất của mình, biết cái gì mình gieo trồng, nếu mình không biết đất và không biết cái gì gieo trồng thì thật sự có nhiều khi chúng ta làm thường không thành công. Không có một người tu tập nào tu tập không biết bản thân mình ra sao mà tu tập có kết quả.
Dĩ nhiên, thời nay người ta nghĩ đến chuyện học được một câu thần chú mình đọc mình sẽ có pháp thuật hay là mình làm chuyện gì đó mình tạo phước để đời sau mình hưởng, chúng ta hiểu nôm na là như vậy.
Nhưng trên thực tế, chuyện tu tập có nghĩa là một sự hoán chuyển của thân và tâm của chúng ta, hoán chuyển cuộc sống. Và nếu hoán chuyển cuộc sống thì chúng ta không thể không biết về bản thân của mình. Và khi nói về bản thân của mình thì gọi là biết một cách toàn diện biết một cách biến mãn biết gọi là đủ để chúng ta tu tập thì cái biết đó phải là sự biến tri về “Danh” và “Sắc” tức là biết về “Thân” và “Tâm”. Chúng ta nói nôm na là như vậy.
Thì nói như vậy vẫn còn rất đại khái. Bởi vì ai cũng nghĩ là mình biết về thân và tâm có nghĩa là;
- Mình biết sức khỏe mình như thế nào, mình biết mình có bịnh gì đó là biết về thân
- Biết về tâm của mình là mình biết mình tâm thiện hay tâm ác.
Nhưng, có nhiều điểm rất ư tế nhị mà đối với một hành giả sự hiểu biết về Thân và Tâm và đôi khi sự phân biệt giữa Danh và Sắc (Thân và Tâm) nó lại trở nên cực kỳ quan trọng.
Chúng tôi lấy một ví dụ, nói về việc nghiện thuốc lá, nếu chúng ta hút thuốc và nghiện thuốc lá và chúng ta nghĩ rằng đó là một sự lệ thuộc và hầu như là mình bất lực không thể vượt qua được và nếu vượt qua được thì mình vượt qua rồi. Tuy nhiên, đối với một hành giả tu tập thì chúng ta ý thức rằng cái nghiện thuốc lá mang tính lệ thuộc về thân nhiều hơn tâm.
Chúng tôi lấy ví dụ là cơ thể của chúng quen uống nước Coke, quen uống cafe, quen hút thuốc lá, một chất caffein làm cho chúng ta quen, mà cái quen đó không có thì không được, không có hút thuốc, không uống cafe thì mình cảm thấy thiếu. Thì cái thiếu đó ít nhất là chúng ta nên biết một phương diện nào đó cái nghiện cái ghiền đó thuộc về sự lệ thuộc do hiện tượng vật chất, chất caffein là cái chất làm chúng ta nghiện.
Nhưng, cũng có trường hợp như vầy là, nếu có một người có tánh mơ mộng, cái gì cũng mơ, mơ là mình sẽ được cái này sẽ được cái kia và do sự mơ mộng đó người đó không thể nào trở về với đời sống thực tại mà sống an lạc hoàn toàn với thực tại. Tại vì người ta nói đẹp như mơ, lúc nào cũng sống mơ mộng. Thì điều này thuộc về tâm nhiều hơn là thân.
Một ví dụ khác, chúng ta quen ăn thức ăn VN hay thức ăn Thái Lan, khi chúng ta quen ăn chua, cay, ít dầu không có chất cà ri thì những cái đó có tính thuộc về Thân.
Nhưng, nếu chúng ta nói về một cái gì đẹp, cái đẹp theo chúng ta là phải rất giản dị. Hoặc nói về một bản nhạc hay là bản nhạc rất kích động, rất là sôi động thì sự kích động sự sôi động khi chúng ta nghe bản nhạc thì thuộc về Tâm,
Trong lúc đó nói về thức ăn thuộc về cay về chua thì thuộc về vật chất.
Về điểm này thì tương đối hơi khó phân biệt. Nhưng với một hành giả tu tập thiền định, và ngay trong đời sống của chúng ta thì chúng ta phải có khả năng để hiểu về điều này. Và chẳng những chúng ta phải có khả năng hiểu về điều này mà chúng ta còn phải biết vận dụng làm thế nào để chúng ta lấy bản chất tự nhiên của thân tâm mà thay đổi cuộc sống.
Trong tâm lý học người ta đưa ra một trắc nghiệm về một con chó, mỗi lần muốn cho nó ăn thì người ta gõ một tiếng chuông, khi nghe tiếng chuông thì nó biết tới giờ ăn, thì tự nhiên khi người ta gõ tiếng chuông mà không cho nó ăn thì ở trong cơ thể nó tiết ra một chất cường toan để tiêu hóa, là tại vì sao vậy, tại vì cơ thể làm việc theo tiếng chuông tiếng kẻng chẳng hạn. Điều đó trong kinh Phật hay ở ngoài đời chúng ta gọi là liên tưởng. Liên tưởng tức là mình nghe cái này tự nhiên mình nhớ tới cái kia. Ví dụ, chúng tôi có nghe về một người thích đi khiêu vũ nói rằng khi khiêu vũ quen tự nhiên nghe tiếng nhạc là họ muốn khiêu vũ, chuyện đó dễ hiểu. Hay là có nhiều Phật tử tụng kinh là phải có chuông có mõ, không có chuông mõ họ tụng không được, có chuông mõ là họ thích tụng kinh liền. Điều đó chúng ta gọi là ăn theo, cái này nó lại lệ thuộc cái kia, cái này lại có sức lôi cuốn cái kia.
Thì khi mình hiểu như vậy, mình hiểu đó là cách tồn tại, cách hiện hữu, cách sinh hoạt của Thân và Tâm rất lợi cho sự tu tập. Khi chúng ta đi sâu vào đề tài chúng ta sẽ thấy.
Có nhiều người nói không cần phân biệt thế nào là “Thân”, thế nào là “Tâm” hay nói rõ hơn thế nào là “Danh” thế nào là “Sắc”. Nhưng, thật ra thì sự phân biệt đó rất cần thiết, tại vì những gì thuộc về thân chúng ta cần có đối sách hay phương pháp trị liệu nó khác, mà cái gì thuộc về tâm nó phải có cách trị liệu khác.
Chúng tôi lấy một ví dụ, nếu cơ thể của chúng ta quen ăn một thứ thực phẩm nào đó và những thực phẩm đó làm chúng ta trở nên cáu kỉnh trở nên nóng nảy, thì nếu chúng ta biết được thì bỏ nó và ăn rau nhiều một chút, chúng ta ăn nhiều thức ăn có chất fiber chất sợi chất xanh như rau quả chẳng hạn.
Nhưng nếu đó là vấn đề về tâm thì đôi khi chúng ta cần một không gian thoáng hơn như sống ở nơi núi cao hồ rộng, sống với cảnh thiên nhiên. Cái gì thuộc về tâm đôi khi chúng ta cần ảnh hưởng như là thay vì sống một mình thì chúng ta sống gần một người bạn tốt gọi là thiện hữu hay sống gần một vị Thầy hay sống trong một tu viện. Cái gì thuộc về tâm đôi khi nó cần chúng ta một cái lực rất mạnh ví dụ như việc tụng niệm bái sám hay những sinh hoạt có tánh cách đạo giáo có tánh tín ngưỡng nó có lợi cho tâm của chúng ta rất nhiều.
Nên trong Phật Pháp nói về sự tu thì cũng có phân biệt: có bố thí, có trì giới, có thiền định. Tại vì mỗi một pháp có tác dụng riêng. Có những pháp giúp cho chúng ta về thân về khẩu nhưng về ý thì chúng ta cần phải có một đối sách khác. Và đối với một người tu tập thiền Tứ Niệm Xứ thì sự tu gọi là phân biệt giữa Danh và Sắc giúp cho chúng ta có được một khả năng là nắm được hình địa vật như một vị tướng ra trận, không có vị tướng nào đi đánh trận không nắm được địa vật địa hình, biết ở đâu là sông, đâu là núi, đâu là đường đi, đâu là chướng ngại vật, và ở đâu chúng ta đánh hoả công được, đâu đánh thủy chiến được, chỗ nào là chỗ mình có khả năng tiến, chỗ nào mình dễ bị phục kích, những cái đó chúng ta phải biết đánh địa hình địa vật rất là quan trọng đối với một vị tướng đánh trận, thì riêng đối với một hành giả tu tập vị đó không thể không có biến tri về Danh và Sắc tức là không có am tường hay có một chút căn bản về thân và tâm của mình.
Bây giờ chúng tôi đi vào chi tiết trong sự phân biệt Danh và Sắc.
Chúng ta biết rằng thái độ của chúng ta đối với vật chất và nội tâm có khác nhau. Vật chất thì nó cụ thể, nó hiển nhiên, nó rõ ràng, và do vậy nó gần với chúng ta hơn. Nhưng đối với tâm thì nó trừu tượng, và đôi khi nó trừu tượng đến mức độ mình cảm thấy mơ hồ.
Một ví dụ trong đời sống, cha mẹ là người đại ân đại đức rất thân với chúng ta nhưng nhiều khi chúng ta lại không có bận tâm nhiều, dành nhiều thì giờ tiền bạc cho cha mẹ hơn là cho bạn bè. Có những người Phật tử khi cha mẹ ở Việt Nam mất rồi thì đến chùa gặp chúng tôi khóc và nói rằng hồi cha mẹ còn sống thì lâu lâu gọi điện thoại về thăm lâu lâu gửi tiền về thì cảm thấy nhiều bây giờ ngồi nghĩ lại thì mình qua đây bạn bè không ra gì hết nhưng cuối tuần thì hay gặp nhau ăn uống rồi làm cái này cái kia cho bạn bè giờ nghĩ lại làm cho cha mẹ không bằng. Chuyện đó là chuyện dễ hiểu, vì cha mẹ tuy là thiêng liêng cao trọng nhưng ở xa và tâm lý về tình cảm không gắng bó không thường xuyên qua lại giống như bạn bè cùng sống trong một thành phố, hay sống chung quanh mình, những người chung quanh mình chi phối mình nhiều hơn. Thì trước nhất, một vị hành giả tu tập nên hiểu là chúng ta nặng về vật chất nhiều hơn về nội tâm.
Chúng tôi nói điều này không phải tánh cách đả phá nhưng nó có tánh cách tự nhiên, ví dụ như chúng ta rất quan trọng một pho tượng Phật, chúng ta rất quan trọng bàn thờ Phật, chúng ta rất quan trọng để cất chánh điện rất đẹp, chúng ta sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền rất lớn để tạc một pho tượng đẹp thỉnh một pho tượng lớn nhưng chúng ta lại rất ít khi chịu khó để tìm hiểu Đức Phật là ai, ân đức Phật như thế nào và chúng ta nên cảm nhận Đức Phật ra sao. Điều đó không phải là chúng ta có vấn đề nhưng điều đó là một điều tự nhiên. Thái độ của chúng ta đối với vật chất và đối với tinh thần khác nhau. Thái độ của chúng ta đối với cái gì nó cụ thể thì nó có sức cuốn hút nhiều hơn. Chúng ta phải nhìn nhận như vậy.
Hồi nãy chúng tôi nói với qúi vị là khi chúng ta sống ở gần qua lại thù tạc với bạn bè như cuối tuần nào cũng đi biển đi chơi thì chúng ta bỏ ra rất nhiều thì giờ để lo đủ thứ chuyện nhưng nói cho cùng thì bạn bè không quan trọng bằng cha mẹ của chúng ta, nhưng cha mẹ ở Việt Nam thì xa mà bạn bè gần thì tự nhiên cha mẹ cao trọng thì có cao trọng, thương thì có thương, nhưng chúng ta nghĩ không nhiều như nghĩ tới bạn bè, không phải chúng ta bất hiếu nhưng tại vì nó về vật chất nó cụ thể, nó gần cái độ gần đó lôi kéo chúng ta nhiều hơn. Không phải là chúng ta quá u mê để chúng ta nghĩ tượng Phật là Đức Phật nhưng thường thường chúng ta quan trọng về tượng Phật hơn tại vì tượng Phật thuộc về vật chất. Bởi vậy có nhiều khi trong thiền tông người ta đưa ra những câu chuyện có tánh cách rất là cực đoan, ví dụ một vị Thiền Sư chẻ tượng Phật gỗ ra để đốt lên sưởi ấm hay họ nói phùng Phật sát Phật, tại vì quan niệm của những vị đó là con người hay bị chấp vào vật chất, chúng ta chấp vào tượng Phật chúng ta chấp vào hình Phật hơn là chúng ta thật sự cảm nhận được ân đức của Phật cái thể tánh của Phật.
Thì ở đây, cái tự nhiên của con người mà chúng ta hiểu là chúng ta luôn luôn nặng về vật chất, tại vì vật chất nó cụ thể, còn cái gì thuộc về tâm rất là trừu tượng. Về vật chất chúng ta dễ phân biệt đây là vuông, đây là tròn, đây là trắng, đây là đen, nhưng về nội tâm nhiều khi đối với chúng ta rất là mơ hồ.
Thì bước đầu của hành giả là không phải chúng ta bài bác cái này hay chúng ta lấy cái kia, hay là bây giờ chúng tôi nói qúi vị về nhà dẹp bàn Phật, hay mỗi lần nghe ai kêu gọi cất chùa tạc tượng Phật làm chánh điện thì mình công kích.
Không phải như vậy. Thái độ đó không phải là thái độ của chúng ta. Thái độ của chúng ta đây là chúng ta nên ý thức được bản chất tự nhiên của chúng ta, là chúng ta rất gần với vật chất, chúng ta rất gần với cái gì cụ thể, chúng ta gần vật chất hơn là với tinh thần gần, với cái gì cụ thể hơn là cái trừu tượng.
Từ chỗ đó mình bắt đầu vào sự tu tập. Bắt đầu vào sự tu tập là chúng ta tu tập với cái gì cụ thể, cụ thể nhất là hơi thở.
Trong bài kinh Thân Hành Niệm hay là Nhập Tức Xuất Tức Niệm hay là kinh An Ban Thủ Ý hay là kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật Ngài thường bắt đầu bằng hơi thở. Tại vì hơi thở là một đối tượng, là hiện tượng vật chất, hiện tượng của thân nhẹ nhàng nhất, gần nhất và thường xuyên nhất, liên tục nhất và đơn giản nhất để chúng ta tập trú vào.
Chúng tôi lấy ví dụ, có nhiều Phật tử chỉ thích nghe tụng kinh, nghe tụng kinh hoan hỉ, nhưng đâu ai tụng kinh cho chúng ta hoài, còn nếu chúng ta cả ngày mở kinh tụng ra nghe hoài như nghe bản nhạc thì thật sự chúng ta có vấn đề.
Tại vì sao vậy. Tại vì những âm thanh đó hay những hình ảnh, những cái gì sắc tướng âm thanh nó phải có cái gì tạo thường xuyên cho chúng ta, trong lúc đó thì hơi thở lúc nào cũng có.
Mình còn sống còn hiện hữu tức là mình còn thở, và thở thì chỉ có hai nhịp điệu là nhịp vô và nhịp ra, bởi vì nó là hai nhịp điệu thì nó đơn giản và chúng ta nên bắt đầu từ đó là chúng ta theo dõi hơi thở, làm quen với hơi thở, và cảm thấy dễ dàng để hướng tâm đến hơi thở. Chúng ta làm thế nào đó mà ban đầu chúng ta thấy nó nhạt nhẽo vô vị, không thành vấn đề, cứ tiếp tục, người tu tập là không phải đi tìm cái gì để thoả mãn, qúi vị nhớ một điều rằng chúng ta không phải ngồi xuống và nói mình nhìn vào hơi thở để mình được té vàng té bạc hay mình được cái này được cái kia hay được cảm giác này được cảm giác kia, không, mình nhìn vào hơi thở để dùng nó làm phương tiện để an tâm tịnh ý, đơn giản là như vậy, hơi thở vào biết hơi thở vào hơi thở ra biết hơi thở ra, ban đầu thì chúng ta không thoải mái ban đầu thì chúng ta cảm thấy xa lạ, ban đầu thì chúng ta cảm thấy chán, ban đầu chúng ta cảm thấy không có gì thú vị hết, không thành vấn đề, cứ tiếp tục lẳng lặng nhìn vào hơi thở, hơi thở ra hơi thở vào, đến một giai đoạn mà hành giả tập một lúc rồi vui cũng trở về hơi thở, buồn cũng hướng tâm đến hơi thở, lúc tinh tấn cũng hướng tâm đến hơi thở, lúc làm biếng cũng hướng tâm đến hơi thở, lúc được thoải mái cũng hướng tâm đến hơi thở, và lúc mình bực bội, đau nhức cũng hướng tâm đến hơi thở thì như vậy chúng ta đã có khả năng tập trú.
Khả năng tập trú đó bắt đầu có thì chúng ta tạm đi xa hơn một bước là từ thân chúng ta bước qua tâm.
Chúng ta đọc kinh Tứ Niệm Xứ với câu: “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô, vị ấy thực tập, cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra, vị ấy thực tập”.
Là ban đầu mình chỉ nhìn hơi thở nhưng một lúc nào đó mình nhìn hơi thở là mình nhìn nguyên cả một sự hoạt động của thân của mình.
Chúng tôi lấy ví dụ, như một người có thể cảm được bản nhạc tiết tấu có trầm bổng, có nhanh, có chậm, cái đó chúng ta gọi là cảm nguyên được bản nhạc. Hay là chúng ta có thể nhìn thấy một y sĩ hay một bác sĩ khi họ bắt mạch đo áp huyết qua cái mạch đó họ hiểu được thân thể người đó đang mạnh hay đang yếu, thì chỉ qua cái mạch thôi họ có thể hiểu được toàn bộ người đó. Thì cái đó tương tự như câu chúng ta nói “cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô, cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra”.
Cái này hơi khó một chút nhưng chúng ta tạm hình dung như vầy là khi nào tâm và thân của chúng ta an tịnh thoải mái thì hơi thở chúng ta nó khác, khi nào chúng ta mệt mỏi hơi thở nó khác, khi nào chúng ta có ham muốn nhục dục hơi thở chúng ta nó khác, khi nào chúng ta sân hận hơi thở nó khác.
Và ban đầu thì hành giả chỉ mới làm quen với hơi thở, tập nhẹ nhàng với hơi thở, tập bền bỉ với hơi thở, tập bám sát với hơi thở, đến một lúc bền bỉ thuần thục rồi thì hành giả sẽ bắt đầu qua hơi thở mình cảm giác toàn bộ thân của mình, thân mình đang thở vô thở ra nó trở thành một thứ tiết tấu như âm nhạc nó có nốt nhạc. Thì ở đây khi một hành giả nhìn vào đó cảm giác toàn thân rồi không phải chỉ cảm giác toàn thân mà vị đó còn “an tịnh tâm hành tôi sẽ thở vô, an tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra” thì cũng qua hơi thở chúng ta cảm nhận được hoạt động của đời sống nội tại, nó là một cái cửa sổ rất nhỏ cái cửa sổ đó lần đầu tiên cho phép một hành giả hiểu được thế giới nội tại của mình một cách trực tiếp qua hơi thở.
Khi chúng ta đã làm quen với hơi thở rồi thì mình biết rằng khi mình sợ mình đang lo sợ điều gì thì hơi thở của mình khác, khi mình đang giận hơi thở mình khác, khi mình đang thích thú việc gì đó hơi thở mình khác, khi tâm mình nông nổi hơi thở mình khác, và khi tâm mình dễ dàng hơi thở khác. Hơi thở nó giúp chúng ta bắt mạch hiểu được qua đó nội tâm chúng ta như thế nào.
Thành ra, khi chúng ta đã sống với hơi thở lâu rồi thì chúng ta không có phải cần ai nói với chúng ta là bạn xấu hay bạn tốt hay là bạn là thế này hay là thế kia. Chúng ta thường thích nghe người khác nói nhận xét về mình là thế nào, một người hành giả không cần như vậy, hành giả tu tập quen thuộc thường xuyên thì hành giả có thể cảm nhận được nội tại của mình qua cách thở của mình. Đây là điểm rất là tế nhị. Thì lúc đó chúng ta sẽ thấy rằng quen cái hiện tượng của thân là hơi thở chúng ta có thể cảm nhận được cái hiện tình của tâm, ngược lại chúng ta không thể cảm nhận được.
Chúng tôi nói ngược lại ở đây tức là nếu qúi Phật tử đọc trong phần Thọ Quán Niệm Xứ thì Đức Phật Ngài nói về cảm thọ như là cảm thọ khổ lạc ưu hỉ xả nó có những thứ thưộc về vật chất có những thứ không thuộc về vật chất. Cảm thọ xả cũng vậy, có thứ thuộc vật chất có thứ không thuộc về vật chất. Chúng tôi lấy ví dụ là hành giả đang hành thiền nhưng cơn ghiền thuốc lá ghiền cafe nó bắt chúng ta cứ nghĩ tới thuốc lá hay cafe, mình cảm thấy khó chịu khi không có thuốc lá thì chúng ta nên hiểu đó là một cảm thọ thuộc về vật chất, nói thẳng ra là lúc đó cơ thể mình cần cafein bây giờ không có tự nhiên cơ thể khó chịu, và chuyện đó không chết ai hết, chúng ta ý thức rất rõ là mình đang bị nó hoành hành tại vì mình thiếu cái đó.
Có những thứ cảm thọ không thuộc vật chất. Chúng tôi lấy ví dụ, mình có thói quen làm cái gì đó mình cần có người khác ủng hộ tinh thần mình,cần có người khác khuyến khích khen ngợi bây giờ tự nhiên vào trong rừng hành thiền hành công cũng không ai khen mình, có tiến bộ cũng không ai hoan hỉ, mình có cố gắng tới đâu đi nữa thì cũng không ai ca tụng mình, mình phải sống một mình với chính mình thì tự nhiên hành giả rơi vào cảm giác lạc lõng cảm thấy vô vị. Không phải vì mình hành thiền nó vô vị mà tại vì quen làm cái gì cũng phải có người khen. Lấy ví dụ như một số qúi Phật tử đến chùa nấu thức ăn cho chư tăng mà chư tăng không nói gì hết qúi vị buồn và nếu chư tăng nói bữa nay cô nấu món này ngon quá thì qúi vị cảm thấy vui, thì mình làm mình cần có người nào đó khen mình một câu mình cảm thấy vui, bây giờ mình hành thiền có tiến bộ không ai khen mình câu nào hết tự nhiên mình cảm thấy mình hành thiền không hoan hỉ. Không phải mình hành thiền không hoan hỉ là tại vì pháp thiền đó dở mà tại vì mình quen làm cái gì đó mà cần có người khen mình bây giờ mình sống một mình với chính mình không ai khen mình hết mình vẫn phải làm thôi.
Chúng ta thấy rằng lúc còn nhỏ khi mình đi học làm cái gì bao giờ cũng có người lớn khích lệ mình nhưng một khi mình đã lớn đi vào cuộc đời ngậm đắng cũng một mình mà nuốt cay cũng một mình, làm được cũng một mình mình, làm dở cũng một mình, làm tốt thì người ta ganh tị người ta cũng không khen mà khi làm chuyện gì bị thất bại thì người ta chê chứ người ta không khích lệ thì mình là người trưởng thành thì phải biết sống, biết sống là không cần sự khen chê đó.
Thì một hành giả đi vào sự tu tập cũng tương tự như vậy, trong từng bước đi kinh hành trong từng phút ngồi tập thiền không cần phải ai nói ai khen ai ca tụng ai cho mình cái cảm giác ỷ lại, thì lúc đó chúng ta mới hiểu rằng cảm giác được khen được khuyến khích hoàn toàn thuộc về tâm lý, tại vì nó thuộc về tâm lý nên chi khi nào mình tu tập mà cảm thấy trống vắng qúa thì không thành vấn đề, chỉ là sự thiếu vắng về tâm lý.
Về điểm này nhiều khi khó hiểu. Nhưng có nhiều người chỉ ngồi thiền được khi nào ngồi trước mặt vị Thiền Sư trong một đại chúng cùng ngồi thiền nhưng một mình thì không ngồi thiền được, cũng như có nhiều người học phải đến lớp học phải có bài thi phải có chấm điểm phải có học bạ ghi phải có bằng cấp thì họ học được còn tự học họ không học được. Tại sao tự học họ học không được, tại vì khi học không có ganh đua không ai ghi sổ điểm, không ai cho mình bằng cấp cho chứng chỉ cho bằng tưởng lệ, mình không học được tại mình không có sự khuyến khích. Nhu cầu đó chúng ta gọi là cảm thọ không thuộc vật chất.
Cảm thọ thị dục quyến ngã không thuộc vật chất thì chúng tôi đã nói: như mình quen hút thuốc lá hay quen uống rượu bây giờ vào trong rừng hành thiền mình thấy thiếu cái gì đó và cái thiếu làm cho mình bực bội thì hành giả lúc đó hiểu rằng đây là thọ ưu thuộc vật chất. Nhưng nếu trong lúc hành thiền mình cảm thấy rằng đang có cái gì trống trải buồn quá muốn bỏ hành thiền đi về thì lúc đó mình hiểu rằng cảm thọ này không thuộc vật chất, điều này quan trọng, tại vì sao, tại vì đối với cái gì thuộc vật chất sự trị liệu khác và đối với không thuộc vật chất trị liệu khác. Không có một hành giả nào khi đi học thiếu bài học sơ đẳng về phân biệt Danh Sắc mà người đó có thể đi tới, chúng ta phải phân biệt.
Chúng tôi kỳ rồi đi Miến Điện, đến một nơi chuyên tạc tượng đá, chúng tôi đặt tháp cho Ngài HT thì chúng tôi nhận ra ngay là người ta có hai khâu một bên là kỹ thuật một bên là nghệ thuật, người chuyên về nghệ thuật khác người chuyên về kỹ thuật, việc kỹ thuật thì nó nặng về tánh cách vật chất nhiều nhưng nghệ thuật thì nặng về trừu tượng (chúng tôi nói như vậy không biết là khó hiểu hay không nhưng nếu người công xưởng làm tượng họ phải có một khâu chuyên về kỹ thuật một khâu chuyên về nghệ thuật). Thì một hành giả tu tập cũng phải hiểu rằng cuộc sống của chúng ta nó có một phần thuộc về Tâm một phần thuộc về Thân (một phần thuộc về Danh một phần thuộc về Sắc) và điều đóchúng ta phải hiểu, nếu chúng ta không hiểu thì chúng ta không có đi tới được.
Thì nãy giờ chúng ta nói đến sự phân biệt cái gì thuộc về Danh cái gì thuộc về Sắc do sự phân biệt đó chúng ta có đối sách khác biệt có một phương pháp trị liệu khác biệt giữa những vấn đề liên quan đến Danh Sắc.
Bây giờ, chúng tôi nói đến một sự kiện khác đó là trong sự phân biệt giữa Danh và Sắc thì chúng ta cũng thấy được tánh cách gọi là kết hợp và tương tác. Chúng tôi dùng chữ kết hợp và tương tác có lẽ khó hiểu nhưng ở ngoài đời người ta có một chữ rất hay đó là chữ “phối ngẫu”, ví dụ như anh A là con người như vậy nhưng khi anh cưới cô B làm vợ thì cô B là người phối ngẫu, thì anh A trước kia anh là một con người như vậy là một con người khác nhưng do sự kết hợp với cô B thì anh trở thành một con người khác do sự phối ngẫu đó. Thì hành giả trong sự tu tập hành giả hiểu rằng đây là Danh đây là Sắc đây là Thân và đây là Tâm, nhưng khi Thân và Tâm kêt hợp với nhau rồi thì nó lại tạo ra những hiện tượng khác.
Chúng tôi lấy một cái ví dụ, một ở trong những sự việc làm cho tu tập bị trở ngại đó là buồn ngủ dã dượi. Sự buồn ngủ dã dượi đến từ một việc rất đơn giản là thiếu ngủ. Ở trong trường thiền thì mình đi ngủ lúc 10 giờ tối và thức dạy lúc 3:30 sáng rửa mặt xong 4:00 tụng kinh, thì chúng ta quen ngủ là từ 10 giờ cho đến 5 hoặc 6 giờ sáng bây giờ 10 giờ ngủ đến 3:30 sáng thức dậy nó làm cho chúng ta mệt. Hay bình thường buổi sáng chúng ta có ly cafe hay tách trà bây giờ tại trường thiền buổi sáng không có cafe không có trà thì tự nhiên mình có trạng thái uể oải buồn ngủ thì sự uể oải buồn ngủ đó trong cái nhìn của một vị hành giả mang thuần cái hiện tượng của Sắc của vật chất hiện tượng của Thân.
Thân thiếu cafe, thiếu trà, thiếu ngủ thì dĩ nhiên mình buồn ngủ nhưng bên cạnh đó thì chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều là chúng ta thiếu “Pháp Hỉ” thiếu một chất liệu làm cho chúng ta phấn khởi vì vậy thời gian đầu thông thường một người tu hay lệ thuộc vào vị thầy tuy rằng mình buồn ngủ nhưng tại vì mình rất kính qúi rất sợ vị Thiền Sư do vậy mình ngồi trước mặt vị Thiền Sư mình có cố gắng cái đó gọi là mình biết vận dụng ví dụ như vị Thiền Sư buổi sáng lên tụng kinh xong thì vị đó quay mặt xuống nhìn đại chúng và mình ngồi trước mặt Thiền Sư mình ráng tinh tấn thì điều đó là mình vận dụng một sức mạnh tinh thần để áp chế phiền não.
Là một hành giả biết khéo tu thì sẽ biết lựa trong ngày là giờ nào là giờ tương đối mình tỉnh táo nhất. Thường ở trong trường thiền người ta bắt chúng ta ngủ ít đi, cái ngủ ít đi nó là một cách để chúng ta giảm thiểu sự gọi là chúng tôi tạm gọi chữ nghe hơi kỳ gọi là sung sức, sung sức là ví dụ như qúi vị thấy con nít nhỏ ăn đồ ngọt nhiều quá nó bị hiber nó lăng xăng láu táu thành ra người ta cho nó giảm lượng ngọt xuống cho nó bớt sung sức. Thì hành giả như chúng ta thường hàng ngày chúng ta phải đi làm việc hay là chúng ta sử dụng năng lực nhiều thì những giờ phút thư giãn mình chỉ ngồi xuống thư giãn nhưng với một hành giả hành thiền nếu hành giả không có làm việc không có bận rộn mà cứ ăn rồi ngồi thiền thì chúng ta sẽ rơi vào trong tình trạng gọi là dư thừa năng lực và sự dư thừa năng lực dễ sanh ra phiền não. Ví dụ như khi mình dư thừa năng lực quá thì mình suy nghĩ gì mình suy nghĩ nhiều lắm gọi là nghĩ rất mông lung, khi mình giận cái gì thì mình giận dữ lắm, tại vì mình cũng dư thừa năng lực. Hay hành giả nghĩ đến sự ham muốn về nhục dục thì sự ham muốn đó cũng rất là nặng là tại vì dư thừa năng lực. Và do vậy một cách ở trong trường thiền là người ta cho chúng ta bớt ăn và bớt ngủ. Bớt ăn ví dụ như một ngày ăn một bữa và bớt ngủ là mình ngủ lúc 10 giờ và thức dạy sớm lúc 3:30 sáng. Thì sự bớt ăn bớt ngủ nó giảm thiểu một số phiền não nhưng ngược lại thì nó khiến cho chúng ta dễ buồn ngủ. Và lúc chúng ta dễ hôn trầm dễ buồn ngủ thì mình hiểu rằng sự buồn ngủ là hiện tượng thuộc về Thân thuộc về Sắc. Nhưng mình phải biết lợi dụng thời gian nào mình tỉnh táo nhất.
Chúng tôi lấy ví dụ, khi chúng tôi còn ở bên trường thiền Wat Nongpapong thì thời gian mà cảm thấy an lạc nhất tỉnh táo nhất là thời gian đi khất thực về, buổi sáng sớm lên tụng kinh cũng hơi dật dừ bởi vì mình thiếu ngủ rồi buổi sáng đi vào trong làng khất thực thì mình cũng nghĩ đến chuyện là đi để lấy thực phẩm như thế nào, sau khi đã đầy bình bát rồi thì từ trong làng đi về chùa thường là ba bốn cây số thì chúng tôi hay để ý là những nhà sư ngoại quốc thường cầm theo cuốn kinh tụng họ học kinh tụng trong thời gian đó tại vì thời gian đó là thời gian tỉnh táo nhất dễ nhớ nhất. Chư tăng trong chùa bắt tụng giới bồn Pātimokkha như giới của Tỳ kheo 227 giới tụng bằng Phạn ngữ đó là một bài kinh tụng rất là dài có thể là tụng cả gần một tiếng rưỡi đồng hồ nhưng mình phải thuộc lòng hết nên chúng tôi thấy một số những nhà sư ngoại quốc hay cầm cuốn giới bổn tụng học thì chúng tôi phải nghĩ một điều là có lẽ thời giờ đó là thời giờ tốt nhất để mà mình tu tập.
Thì khi mà mình nghĩ đó là thì giờ tốt nhất thì mình đem tất cả cái sự tinh tấn và chánh niệm vào bước đi của mình và lúc đó mình để ý một cách rất tinh tế, thí dụ như,chân mặt bước chân trái bước mình để ý là đến chỗ nào mình muốn ghẹo, đi chỗ nào muốn dừng, với con đường làng dài hai ba cây số mà mình để ý vào bước chân của mình giữa đồng ruộng mênh mông giữa một nơi thanh tịnh và mình không có chuyện gì phải lo, mình lo mình ăn thế nào ở thế nào lo trả bill lo điện thoại, lo này kia tự nhiên mình có pháp hỉ và pháp hỉ đó cho mình có sự phấn chấn là mình muốn tiếp tục. Đó là cái quan trọng tại vì nếu mình có được sự tinh tấn ở trong một hai cây số đi bộ mà mình cảm thấy rằng mình có được sự hoan hỉ mình phấn khởi thì tự nhiên mình muốn tiếp tục. Về tới chùa rồi giao bình bát thực phẩm lại cho nhà bếp rồi sau đó mình lên ngồi trong pháp xá để thọ trai, thọ trai xong rồi thì tự nhiên mình lại muốn hành thiền, lúc đó lạ lắm, thời gian đầu thì mình không muốn nhưng thời gian sau tự nhiên mình lại muốn hành thiền là tại vì khi mình có trớn thì mình làm.
Và hành giả phải thấy được chỗ đó, mình thấy được chỗ là tại sao mình buồn ngủ, tại mình thiếu ngủ cái thiếu ngủ thuộc về vật chất. Nhưng tại sao mình phấn chấn là tại vì nó có niềm vui tinh thần, nếu cái niềm vui tinh thần phát huy đúng chỗ thì nó sẽ áp đảo được cơn buồn ngủ. Hễ mình vui thì mình sẽ không buồn ngủ. Giống như người ghiền coi phim chẳng hạn, thường thường bắt mình thức thì tự nhiên rất khó chịu ai biểu mình thức nhất là thức làm việc thì mình khó chịu nhưng mà ghiền coi phim tự nhiên niềm vui làm cho mình xô đi cơn buồn ngủ thì một hành giả mà có được một pháp hỉ có được sự phấn chấn rồi có thể áp đảo được sự buồn ngủ, nhưng để có được pháp hỉ đó mình phải biết cái thời điểm nào, lúc nào thích hợp lúc nào mình phát huy được pháp hỉ đó và phải có tiến bộ cái tiến bộ đó là sự thành tựu rất là nhỏ nhoi nhưng cái tiến bộ đó nó giúp cho chúng ta đẩy lui được trạng thái buồn ngủ của thân. Ở đây ý chúng tôi muốn nói như vầy là sự phấn chấn đó nó thuộc về Tâm và sự buồn ngủ do thiếu ngủ thuộc về Thân thì nếu chúng ta khéo bù qua đắp lại thì chúng ta vẫn thấy được, chúng ta vẫn dùng sức mạnh của pháp hỉ đẩy lui sự buồn ngủ tức là lấy tính mệnh của Tâm đẩy lui cái khó chịu của Thân chưa kể những lúc chúng ta bị bệnh chưa kể những lúc chúng ta đang đói, thí dụ buổi chiều không ăn chúng ta đói hay chưa kể những lúc chúng ta làm việc nhiều quá chúng ta mệt mỏi thì những điều đó đều cần đến chất liệu của Tâm của Pháp Hỉ để mà vượt qua những thứ đó.
Và bây giờ chúng tôi tạm gọi đó là một sự “Phối Ngẫu” tức là sự kết hợp giữa Thân và Tâm, và trong sự kết hợp đó giúp cho hành giả có được sự gọi là lèo lách qua những trở ngại những cửa ải khó.
Bây giờ chúng tôi muốn nói đến một chuyện khác, khi chúng ta phân biệt Danh và Sắc đó là khi nào chúng ta thấy được rõ Danh và Sắc thì chúng ta sẽ đủ sự tinh tế để nhận ra rằng tất cả những thay đổi đều khởi đầu bằng ý định và ý định đó gọi là Danh và việc thực hiện ý định đó là Sắc.
Thí dụ, một người không có chánh niệm:
- Họ đang nằm rồi họ ưng ngồi họ ngồi bật dậy nhưng khi một hành giả có chánh niệm thì đang nằm mình muốn ngồi dậy thì mình không bật dậy ngồi như cái lò xo mà lúc đó mình để ý đến cái ý muốn ngồi, mình nhìn cái ý muốn ngồi đó cho thật là rõ ràng rồi mình hãy ngồi.
- Mình đang đi kinh hành đi tới mình muốn dừng lại mình thấy được ý muốn dừng lại cái ý muốn dừng lại đó, cái đó gọi là danh và cái chân đứng lại gọi là Sắc.
- Mình muốn quay trở lại thì mình nhìn thấy được cái ý định đó cái ý định hay ý muốn đó nó là Danh và việc gì thể hiện để thực hiện ý định đó tùy thuộc về Sắc.
Thì bây giờ qúi vị hỏi là tại sao chúng ta cần phân biệt như vậy? Tại vì trong sự phân biệt đó cho chúng ta một hình ảnh rõ nét hơn về sự hoạt động giữa Thân và Tâm của mình.
Chúng tôi lấy một ví dụ là một người đang ngồi thiền chúng ta phải ngồi một giờ đồng hồ nhưng ngồi mới 40 phút tự nhiên cứ nhìn đồng hồ làm sao cho mau hết giờ làm sao cho nghe tiếng chuông, sao lâu quá chưa thấy vị Thiền Sư gõ chuông. Qúi vị xả thiền.
Thì thật sự mà nói nếu thuần về thân chúng ta có thể ngồi yên một tiếng đồng hồ nếu chỉ là cái Thân thôi không chết, không ai ngồi yên một tiếng mà chết. Có thể bây giờ qúi vị nghĩ qúi vị tin chúng tôi nói nhưng mà lúc qúi vị đang ngồi thiền qúi vị thấy rằng nếu bắt qúi vị ngồi yên một tiếng qúi vị sẽ chết được nhưng thật sự không chết nhưng cái tâm của chúng ta lại muốn mau hết giờ.
Con người mình có sự mâu thuẫn như vậy. Mình ở ngoài đời mình phiền não thì mình muốn vô trong trường thiền mình tu thiền nhưng khi vào trường thiền tu thiền thì lại muốn kết thúc giờ ngồi thiền cho mau sớm không muốn tu thiền. Thì một hành giả có đủ chánh niệm đủ sự tinh tế thì vị đó hiểu rằng cái ý muốn xả thiền sớm cái ý mà muốn chờ đợi tiếng chuông cái ý mà muốn làm sao cho kết thúc buổi ngồi thiền nó hoàn toàn là một hiện tượng mang tánh cách tâm lý, và đôi khi mình phải lỳ, đôi khi mình phải làm ngơ. Qúi vị có khi nào ở gần một đứa con nít mà con nít nó hay láu táu nó đòi cái này cái kia mà nó đòi cái gì mà chìu nó riết tự nhiên nó càng lúc nó càng làm tới thì nếu chúng ta hiểu chúng ta tập làm ngơ nó đi nó đòi thì đòi kệ nó mình đừng quan tâm đến nó thì dần dà nó sẽ bớt.
Thì khi một hành giả mà bắt đầu ngồi thiền mà khi tâm muốn kiều này kiểu khác cứ làm ngơ nó mình cứ lì với nó, kệ nó muốn làm gì thì làm nó tê nó nhức nó đòi cứ tiếp tục. Cái khả năng mà trở lại với hơi thở cái khả năng mà tiếp tục ở trong thiền tông gọi là bản lãnh đặc biệt tu tập của hành giả tu tập. Cái bản lãnh đó cho phép mình vượt lên trên thói quen bình thường của mình, vượt lên trên cái đau cái nhức cái tê nó vượt lên cái mà chúng ta gọi là chúng ta muốn xoay trở.
Những vị Thiền Sư hay nói con người ở trong bốn cái tư thế là đi đứng nằm ngồi, nó luôn luôn là một cuộc chạy trốn, mình ngồi một lúc tự nhiên mình đứng dậy, đứng một lúc rồi đi, đi rồi ngồi rồi nằm, mình thay đổi đi đứng nằm ngồi là vì mình ngồi lâu mình chán ngồi lâu mình tê nhức, trước khi nó tê nhức thì mình đã chạy trốn rồi bây giờ mình tu tập thì mình làm ngược lại, nó muốn đi, mình không đi mình đứng lại, nó muốn nằm, mình không nằm mình cứ ngồi, mình phải có khả năng để nhìn thấy những ý định sanh khởi và khi mình thấy được ý định đó mình không quá chìu nó. Thật ra thì điều này hơi tế nhị tại vì chúng ta quen chìu chuộng chính cái sự chìu chuộng đó là chúng ta không phân biệt được cái gì là cái nhu cầu thật sự và cái gì là cái phù phiếm. Chúng tôi nói phù phiếm ở đây có nghĩa là chuyện đó không cần mình cũng phải làm ví dụ như tự nhiên mình không ngồi thiền mình chỉ muốn đi bộ đi lang thang đi bộ để làm gì để suy nghĩ vẩn vơ không làm gì hết chỉ đi bộ để suy nghĩ vẩn vơ có đôi khi một vài hành giả có một cái nhìn về thiền định rất lãng mạn chúng tôi tạm dùng chữ lãng mạn đó là mình thiền định mình đến một khu rừng đến một chỗ nào cây cao bóng mát cảnh đẹp thiên nhiên rồi đi bách bộ chầm chậm rồi thở ra thở vô với không khí thiên nhiên tươi mát trong lành ở chung quanh. Thật ra đó là cái nhìn lãng mạn thiền định. Mình thử đi ngang qua một công viên rất đẹp một khu rừng cây cao bóng mát để thư giãn thì tạm gọi là được nhưng mà để ngồi thiền chúng ta không có làm kiểu đó được, ngồi thiền tự nhiên là chúng ta phải tự phấn đấu chính mình chúng ta phải vật lộn với nó chúng ta phải tranh đấu với nó đôi khi nó muốn không chịu ngồi nó chỉ muốn đi thôi, đi lang thang để ngó trời ngó đất nghĩ vẩn vơ lúc đó mình phải nói với chính mình là không đi, ngồi lại. Có nhiều lần chúng tôi đi một vài nơi như Anuradhapura chỗ Ngài Mahinda vị thánh Tăng Ngài từng ở thì chúng tôi nhìn thấy rằng ở trên một ngọn đồi gió mát có động đá Ngài ngồi thiền, cái hình ảnh đó rất là thơ mộng nhưng mà thật sự khi chúng ta hành thiền nó không có thơ mộng như vậy, khi chúng ta hành thiền là khả năng trở về với hơi thở cái khả năng để không làm theo cái nhu cầu của thân cái khả năng đi ngược lại thói quen của mình là một thứ bản lãnh mà không có một hành giả nào thiếu mà có thể tiếp tục được, chúng ta phải có bản lãnh đó và điều đó nó giúp cho chúng ta rất là nhiều thì
Bây giờ, chúng tôi nói tóm lại ở trong phần này, ở đây chúng ta nói hai pháp cần phải biến tri, chữ biến tri ở đây có nghĩa là phải hiểu rõ hiểu một cách tường tận gọi là Biến Tri, hiểu rõ ở đây là Danh và Sắc.
Chữ Danh ở đây chỉ cho Tâm
và Sắc ở đây chỉ cho Thân
và ở Thân và Tâm là cái địa bàn,
Thân và Tâm là cảnh giới,
Thân và Tâm ở đây là một thực tại mà tất cả mọi người tu tập cần phải đối diện.
Không ai nói mình tu mình có thể quán chuyển được Thân Tâm mà mình không hiểu Thân Tâm của mình. Nhưng khi mình nói mình hiểu Thân Tâm của mình thì trước nhất mình phải phân biệt thế nào là Thân, thế nào là Tâm. Và khi có những trường hợp nào nó thuộc về vật chất có những trường hợp không thuộc về vật chất .Khi hai cái vật chất và tinh thần nó tương tác nó phối ngẫu với nhau thì chúng ta phải hiểu rằng nó lại sản sinh ra cái gì và cái đó chúng ta có nắm được nó hay không và đồng thời sự phân biệt của Danh Sắc càng rõ thì chúng ta càng có nhiều khả năng hơn ở trong việc điều tiết khả năng tự chủ đối với thân tâm của chúng ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét