THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI GENÈVE NGÀY 3.2.2014
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi các Quốc gia thành viên LHQ áp lực Hà Nội phải cam kết thực thì nhân quyền tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát ngày 5.2.2014
GENEVA, ngày 3.2.2014 (UBBVQLNVN) – Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi các Quốc gia thành viên LHQ áp lực Việt Nam cam kết cụ thể việc thực thi nhân quyền trong kỳ Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát (UPR, Universal Periodic Review) lần thứ hai trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 5.2.2014.
Cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát tổ chức mỗi bốn năm một lần cho các quốc gia thành viên đến phúc trình về tình trạng thực thi nhân quyền tại nước mình. Cuộc Kiểm điểm này bao gồm những thông tin đến từ 3 nguồn cung cấp : a. Phúc trình của Việt Nam, b. Bản đúc kết thông tin của LHQ thu tập từ những cơ cấu liên hệ và của các Báo cáo viên Đặc biệt, và c. các Phúc trình của các tổ chức Phi chính phủ hay Xã hội dân sự (Stakeholders’ Report), qua phúc trình này còn có cuộc thảo luận liên ngành để cho các thành viên LHQ chất vấn nhằm đưa tới các khuyến nghị thù ứng để thăng tiến nhân quyền tại Việt Nam.
Bình luận về cuộc Kiểm điểm lần này, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nói : “Tiến trình Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát là cơ hội hiếm hoi thúc đẩy Việt Nam chấp nhận tự phê và đối thoại xây dựng về kỷ lục nhân quyền của họ. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại Việt Nam sử dụng cuộc Kiểm điểm như một vỡ diễn trắng trợn trước Cộng đồng quốc tế để che giấu những vi phạm nhân quyền trầm trọng”.Thật đúng vậy, tại cuộc Kiểm điểm lần thứ nhất năm 2009, Việt Nam đã khẳng quyết hứa hẹn thực thi nhân quyền khi chấp nhận 93 lời khuyến nghị của các quốc gia thành viên LHQ. Nhưng than ôi, trong thực tế, không những Việt Nam chẳng làm tròn nghĩa vụ quốc tế, mà trái lại còn hạ thủ những đòn đàn áp khốc liệt chống tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp trong mấy năm qua.
Trong bản Phúc trình chung của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đệ nạp Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi tháng 6.2013 theo thủ tục, đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ đưa lên Trang nhà LHQ, và được trích dẫn 12 lần trong Bản đúc kết thông tin của LHQ làm tài liệu cơ bản cho cuộc chất vấn về những chứng liệu Hà Nội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã nêu trường hợp của 160 người bị kết án tổng cộng 1052 năm tù giam giữa tháng 5.2009 đến tháng 6.2013 với những án lệnh mơ hồ về “an ninh quốc gia” trong bộ Luật Hình sự. Những điều luật này vi phạm các tiêu chuẩn luật quốc tế, vì không phân biệt giữa tội bạo động với các hành xử tự do ngôn luận ôn hòa.
Lý do khiến ông Võ Văn Ái lên án : “Ngày nay ở Việt Nam đặt bom hay gửi Email ra nước ngoài đều phạm tội như nhau. Chúng tôi yêu cầu các Quốc gia thành viên LHQ lật tẩy một thảm trạng không thể nào chấp nhận như thế, nhất là đối với một thành viên có chân trong Hội đồng Nhân quyền LHQ như Việt Nam”.
Trong cùng thời điểm nói trên, các nhà hoạt động ôn hòa và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền đã bị công an hành hung, đánh đập, vi phạm thân thể phụ nữ, sách nhiễu, bắt giam tùy tiện, và “giam giữ hành chính” trong các trại lao động, cải huấn hay nhà thương điên. Việt Nam cũng ban hành những sắc luật hạn chế nhân quyền, như Nghị định 72 về Innternet, và Nghị định 92 về tôn giáo.
Hai tháng gần đây, Việt Nam mở cuộc đàn áp tới tấp vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhằm ngăn chận cuộc lễ tại Tu viện Long Quang ở Huế hôm 10.1.2014. Công an ngăn chận, sách nhiễu chư Tăng, Ni, Phật tử trên toàn quốc, kiểm soát chặt chẽ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Hiện đã có trên 100 Huynh trưởng Gia Đình Phật tử bị quản chế không lý do, kể cả vị lãnh đạo tổ chức là Huynh trưởng Lê Công Cầu.
Trong bản Phúc trình chung nói trên, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đã trình bày chi tiết các cuộc bắt bớ tùy tiện, đàn áp tôn giáo, khủng bố các bloggers, công dân mạng và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, sự kiểm duyệt báo chí và Internet, đối xử tồi tệ với công nhân, điều kiện giam giữ bất nhân với tù nhân chính trị, cưỡng chiếm đất đai nông dân, và sử dụng bừa bãi án tử hình. Bản Phúc trình cũng nhắc tới quyền phụ nữ với những tệ nạn bán dâm, từ khước quyền thừa kế đất đai của người phụ nữ, hay cưỡng bức hạn chế sinh đẻ.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền kêu gọi các Quốc gia thành viên LHQ nêu bật những điều quan ngại khẩn cấp trên đây tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát hôm 5.2 và yêu sách việc cải cách cũng như bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Chẳng hạn như :
- Hủy bỏ các điều luật an ninh quốc gia trong bộ Luật Hình sự, đưa các điều luật quốc gia lên ngang tầm tiêu chuẩn luật quốc tế ; trả tự do cho các tù nhân chính trị, tù nhân vì lương thức bị giam cầm vì những điều luật “an ninh quốc gia” hoàn toàn trái chống với Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chình trị ;
- Hủy bỏ Pháp lệnh 44 về giam giữ hành chính, tức dùng hình thức quản chế tại gia, đưa vào trại cải huấn hay nhà thương điên để pháp luật hóa việc giam cầm không thông qua tòa án ;
- Trả lại quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các tôn giáo khác không được thừa nhận ; giải chế và trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ ;
- Chấm dứt việc công an sách nhiễu, hành hung và theo dõi những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, bloggers, các nhà hoạt động ôn hòa tham gia các cuộc biểu tình hoặc thực hiện chính đáng quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp ôn hòa của họ ;
- Chấm dứt kiểm duyệt báo chí, Internet và các Blogs ; cho phép ấn hành báo chí độc lập ; trả tự do cho các nhà báo bị giam cầm bất công vì hoạt động nghề nghiệp của họ ;
- Hủy bỏ điều 4 trên Hiến Pháp quy định Đảng Cộng sản độc quyền ; cho phép ra đời các Đảng chính trị độc lập, cũng như Công đoàn tự do và các Xã hội dân sự ;
- Thực thi Quyền phụ nữ bằng cách ban hành những sắc luật chống buôn bán phụ nữ, chấm dứt việc cưỡng bách hạn chế sinh đẻ, và ban hành các điều luật Đất đai để người phụ nữ hưởng quyền thừa kế đất đai ;
- Hợp tác với các cơ cấu nhân quyền quốc tế bằng cách mở rộng và sẵn sàng thỉnh mời các Báo cáo viên đặc nhiệm LHQ về bảo vệ người đấu tranh cho nhân quyền, về Tự do ngôn luận, và Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ, cũng như ấn định thời điểm Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng đến Việt Nam.
Nhân dịp Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, với sự hậu thuẫn của Ân Xá Quốc tế và Human Rights Watch, tổ chức cuộc Hội luận về : “Tiếng nói của các xã hội dân sự bị ngăn cấm” tại Phòng XXIV, Điện Quốc Liên, ngày 4.2.2014 từ 13 giờ đến 14 giờ 30. Tham gia phát biểu tại hội luận sẽ có ông Võ Văn Ái và Thượng tọa Thích Giác Đẳng, và hai băng thu âm từ Việt Nam của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và Huynh trưởng Lê Công Cầu, hai nhân chứng bị quản thúc và mất quyền đi lại ngay trên chính quê hương họ.
*****************************************************************************************************************
Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
& Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : queme.democracy@gmail.com
Web : http://www.queme.net - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
*****************************************************************************************************************
Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
& Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail : queme.democracy@gmail.com
Web : http://www.queme.net - Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
*****************************************************************************************************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét