Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

THÔNG CÁO BÁO CHÍ [ngày 12.2.2016] Lễ Tiểu tường Cố Đạo lão Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo Thích Như Đạt


PARIS, ngày 12.2.2016 (PTTPGQT) - Cố Đại lão Hoà thượng Thích Như Đạt ra đi vào ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch Ất Mùi, 2015, để lại muôn vàn tiếc thương cho chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Môn đồ pháp quyến, hàng đệ tử cùng Phật giáo đồ trong và ngoài nước đối với bậc cao tăng lãnh đạo Viện Hoá Đạo trong thời kỳ cực kỳ khốn khó dưới chế độ không xem tôn giáo như đời sống tinh thần của đại đa số quần chúng có tín ngưỡng, đặc biệt đối với Phật giáo hiện hữu trên Hai Nghìn năm nơi quốc thổ Việt Nam.
 
Một năm đã qua, chỉ vài hôm nữa là đến lễ Tiểu tường đang được chư tôn túc và môn đồ pháp quyến tổ chức tại Tu viện Long Quang, Huế.
 
Để đền đáp công hạnh Ngài nhân lễ Tiểu tường, chúng tôi xin đăng tải dưới đây bài viết “Nhớ Ôn Long Quang” để ôn lại những ngày tháng cuối đời chống chỏi với cơn bệnh trầm kha, Ngài vẫn một lòng một dạ chí thành ưu tư cho vận mệnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
 
Bài viết này trích từ Kỷ Yếu thực hiện nhân lễ Chung thất Ngài tháng Tư dương lịch năm ngoái 2015. Do yêu cầu của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo thời bấy giờ, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế soạn thảo với 12 tư liệu bao quanh cuộc dấn thân vì Chánh pháp của Ngài để ấn hành nhân kỳ Chung Thất tại chùa Phật Quang thành phố Huntington Beach, California, Hoa Kỳ. Nhưng chẳng hiểu vì cớ gì, Sư Giác Đẳng, (nguyên Quyền Chủ tịch Văn phòng II Viện Hoá Đạo), đã không cho in, không cho phổ biến tập Kỷ yếu này dịp Chung thất.
 
Nhân Lễ Tiểu tường giáp năm, cùng với bài “Nhớ Ôn Long Quang”, chúng tôi cho phát hành tập Kỷ Yếu ấy như một nén hương lòng tưởng niệm. Xin xem Kỷ yếu ở đây :http://tinyurl.com/z4dxvkv
 
 
 
Nhân Lễ Tiểu tường Cố Đại lão Hoà thượng Viện trưởng
Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN

NHỚ ÔN LONG QUANG

Võ Văn Ái
 
Ôn Long Quang, tức Đại lão Hoà thượng Thích Như Đạt, cố Viện trưởng Viện Hoá Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viên tịch tại Tu viện Long Quang, Huế, ngày mồng 8 tháng Giêng Ất Mùi. Thế thọ 87 năm, Lạp thọ 58 năm.
 
Khi biết rõ bệnh tình Ôn, chúng tôi xin phép ra thông cáo báo chí loan tải để chư Tăng Ni và Phật tử hải ngoại thiết lễ cầu an. Nhưng Ôn gạt đi và nói rằng không nên. Chuyện sinh hoạt, phát huy Giáo hội thì nên loan tải thường xuyên. Còn chuyện cá nhân không đáng kể. Mình theo đạo Vô Ngã lại đem cái ngã ra khoe thì bất tiện lắm.
 
Đau một tháng hơn nhưng Ôn không chịu vào bệnh viện. Bảo rằng, cái gương Đức Đệ tứ Tăng Thống bị hại ở nhà thương tôi chứng kiến, nên dại chi giao trứng cho ác. Chư Tăng Long Quang và các ngài trong Ban chỉ đạo Viện Hoá Đạo bó tay, tiến thoái lưỡng nan. Tôi gửi thư riêng về Ôn thỉnh cầu Ôn nhập viện, viết rằng thân tứ đại quan trọng chi đâu. Nhưng trong tình thế hiện tại, sinh mệnh Ôn là sinh mệnh Giáo hội. Xin Ôn nghĩ tới việc chung mà chữa trị. Ôn chấp nhận vào Bệnh viện Quốc tế Huế.
 
Từ tháng 12 năm 2014 đến tháng giêng 2015, thân thể tiều tụỵ. Không ăn uống gì được, sữa cũng không dùng, chỉ uống vài muỗng nước yến mỗi ngày. Ai cũng tưởng bệnh cúm dây dưa.
 
Vào bệnh viện Huế khám nghiệm. Khoảng 21-1-2015, Bác sĩ nội khoa cho biết dạ dày của Ôn bị hư toàn diện, nên không thể cắt bỏ từng phần. Cổ vào bao tử thắt lại, lý do khiến Ôn không thể ăn bất cứ gì, uống nước chỉ nhỏ giọt từng muỗng cà phê. Đồng thời di căn vào tới phổi, gan. Mạch vành tim bị thắt. Các bác sĩ Huế bó tay đầu hàng. Trị liệu cuối cùng là chích thuốc bổ và chuyền dịch để nuôi cơ thể một thời gian. Đến khi cơ thể không dung nạp thì coi như bó tay. Các bác sĩ tiên đoán thời gian kéo dài không quá 3 tháng.
 
Ôn đòi xuất viện về Tu viện Long Quang tịnh dưỡng. Tôi lại biên thư xin Ôn đi Saigon vào bệnh viện Pháp Việt có đủ trang bị và nhiều bác sĩ chuyên khoa ngoại quốc. May mắn Ôn chấp nhận. Hai Thầy ở Long Quang cùng Đạo hữu Lê Công Cầu, Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo, tháp tùng máy bay đưa Ôn vào Saigon.
 
Chút hy vọng của tôi với bệnh viện này cũng tan tành sau mấy ngày theo dõi và khám nghiệm. Hội chẩn ở đây cho biết Ôn bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Sức khoẻ và di căn ở phổi và gan không cho phép giải phẫu bằng bất cứ phương án nào.
 
Ai ai cũng lấy làm lạ, bệnh tình như thế, mà không nghe một tiếng than rên. Ôn luôn vui vẻ tiếp khách đến thăm. Gặp ai dù chư Tăng hay Phật tử đều thuyết pháp cho họ nghe, khuyên họ gắng tu để đền ơn Tam Bảo.
 
Trong những ngày bệnh kịch liệt như thế, tôi thỉnh cầu bất cứ gì Ôn cũng chấp nhận và thực hiện ngay. Tôi nghĩ dại không biết Ôn ra đi lúc nào, có qua được Tết không. Nên xin trước Thông điệp Xuân. Lễ An vị Phật chùa Phật Quang ở Nam California sắp tới, tôi xin Ôn Huấn từ cho cuộc lễ, và Điệp từ chào mừng nhân sự mới, Ôn hoan hỉ thực hiện. Những ngày nằm bệnh tại nhà thương Pháp Việt ở Saigon, tôi đã xin thu băng Huấn từ và Điệp từ để phát cho đại chúng nghe trong ngày An vị Phật chùa Phật Quang. Đau như thế, mà tiếng Ôn vẫn khẳng khái, ân cần và trong lành.
 
Dù chẳng ai nói ra sự thật về bệnh lý, Ôn cũng tự thấu hiểu, nên lấy quyết định rời Saigon về Huế.
 
Ngoài những lúc quá mệt phải nằm nghỉ. Nhưng mỗi 3 giờ sáng dậy ngồi thiền. Ngày ngày vào Chánh điện rồi dạo quanh vườn chùa. Thỉnh thoảng triệu tập các chú giảng kinh Di giáo hay kinh Pháp Hoa. Ngó như người không bệnh, tuy thân xác từng lúc từng rã rời. Đã ba lần Đạo hữu Cầu báo cho tôi biết Ôn sắp đi… Mỗi lần tôi điện về hầu thăm bệnh tình, lần nào Ôn cũng nói một lời trấn an chắc nịch “Khoẻ”, rồi hỏi thăm Phật sự hải ngoại.
 
Mấy năm liền, Ôn hay gọi qua Paris thăm tôi, nhất là những lúc tôi nhập viện hay gặp khó khăn, Ôn an uỷ rất nhiều. Có lẽ ngại với hệ thống điện thoại kiểm duyệt, Ôn không gọi tên thật của tôi, mà gọi bằng hai tiếng, khi thì “Pa-Ri”, khi thì “Tình Thương”. Tiếng Ôn sang sảng. Nói ít mà tôi cảm nghiệm nhiều, như thần giao cách cảm. Tình Ôn đối với tôi hiếm thấy nơi ai khác.
 
Giữa năm ngoái, do tuổi cao, nhiều bệnh, thường xuyên nhập viện, khi thì giải phẫu tim… tôi biên thư chính thức gửi Ngài Viện trưởng, xin Ôn trong 6 tháng tới, kiếm người thay thế tôi trong vai trò truyền thông của Viện Hoá Đạo và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế. Tôi hẹn giúp Giáo hội hải ngoại cho xong Đại hội Thường niên của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo vào tháng 10, sau đó sẽ nghỉ.
 
Không ngờ một việc rất tự nhiên như thế trong xã hội Tây phương lại khiến Ôn không vui và lo lắng. Ôn gọi điện hằng chục lần sách tấn, hoặc biên thư qua Email nhắc nhở chớ quên vận nước, vận đạo đang hồi nghiêng ngửa, thiếu người đương đầu. Cảm được đức lớn và tình nghĩa Ôn dành cho tôi, mà tôi còn trù trừ cho đến nay. Năm 1992, tôi tham gia giúp Giáo hội để trả ơn chư Tăng Ni, Phật tử đã đổ máu xương cho Phật Pháp trường tồn, và đền đáp ơn tri ngộ với Ngài Huyền Quang. Năm 1974 ngài Huyền Quang cùng ngài Thiện Minh ghé Paris thăm tôi trên chuyến đi dự hội nghị quốc tế, và mời tôi về giúp Giáo hội. Tôi hứa, nhưng năm sau đó bộ đội Bắc Việt cưỡng chiếm Saigon. Bây giờ tạm còn đây chỉ vì cảm cái đức lớn và tình đạo của Ôn Long Quang.
 
Mấy chục năm qua, tôi tiếp được nhiều thư của chư Tăng Ni trong nước, đa phần là những thư bị ức chế, sách nhiễu, đàn áp nhờ tôi can thiệp. Nhưng từ mười năm trước, duy nhất thư của Ôn Long Quang chỉ viết về kinh sách thâm sâu, chẳng đả động gì thế sự, dù con người Ôn đương đầu với thế sự.
 
Môn đồ Pháp quyến ở tu viện Long Quang đã xây Bảo tháp trước cho Ôn. Nhưng Ôn di chúc nhường Bảo tháp cho Đức Đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống ngày nào Ngài ra đi về cõi Phật. Căn dặn địa táng cạnh Bảo tháp để tiếp tục phục vụ Ngài Tăng Thống. Đạo tình như thế có thể nào tìm thấy trong xã hội vong thân, phụ rẫy và bạc tình ngày nay trên đất nước này ?!
 
Ôn Long Quang là người lớn tuổi nhất trong các thành viên Viện Hoá Đạo xưa nay, nhưng chưa một lần so đo với bất cứ ai về hạ lạp, chức vụ hay tuổi tác. Ôn đã đạt cái vô hành, âm thầm và chăm chỉ làm việc để phát huy giáo hội và tuân thủ cương lĩnh, lập trường mà tam vị Tăng Thống vạch ra, Đức cố Đệ tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, và Đức Đương kim Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ.
 
Trong trường kỳ lịch sử Việt Nam chưa có triều đại nào như triều đại nhà Hồ, có khối lượng Tăng sĩ và Phật tử, tính tới số chục hay trăm nghìn, phải đi tù hay bị quản chế tại gia.
 
Chủ trương tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) của Nhà nước Cộng sản bằng sách lược “vừa đánh vừa kéo”. “Vừa đánh” là sử dụng trấn áp, khủng bố, bắt, giết, quản chế, lưu đày. “Vừa kéo” là dụ dỗ bằng món mồi lợi dưỡng, hăm doạ, hay tiết lộ đời sống vô hạnh của một số tăng sĩ.
 
“Vừa đánh” nên chủ trương bức tử GHPGVNTN. “Vừa kéo” khi cho thành lập tổ chức Phật giáo làm công cụ chính trị cho Đảng và Nhà nước mệnh danh là Hội Phật giáo Việt Nam ra đời tại Hà Nội năm 1981.
 
Trong một tài liệu Tuyệt Mật của Bộ Nội vụ viết ngày 18-8-1992, số tham chiếu 106/PA 15-16, dưới đề mục “Báo cáo tình hình và kế hoạch đấu tranh với số đối tượng cực đoan âm mưu phục hồi Phật giáo” có đoạn chỉ thị rằng : “Phân hoá hàng ngũ giáo sỹ, tranh thủ số có xu hướng tiến bộ, lôi kéo số lưng chừng ; răn đe những đối tượng có biểu hiện tiêu cực ; đối với số cực đoan chống đối phải cắt đứt tay chân, lấy giáo luật, pháp luật đấu tranh, không cho chúng co cụm chống phá ta”.
 
Sau này chủ trương “Vừa đánh vừa kéo” còn làm xáo trộn GHPGVNTN hai lần trong năm 2007, khiến Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang phải ra Giáo chỉ số 9 cứu nguy ; và cuối năm 2013 khiến Đức Đương kim Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ phải ban hành Giáo chỉ số 10, ngày 9-12-2013, để thanh lọc hàng ngũ và chấn chỉnh Giáo hội.
 
Kinh qua những giai đoạn khốc liệt trong giai đoạn lịch sử Phật giáo tối tăm thời Cộng sản, Ôn Long Quang luôn vững tâm bền chí phục vụ GHPGVNTN, từ khi không có chức vụ gì cho đến khi mang nhiều trọng trách trong Viện Hoá Đạo. Không vì danh lợi, quyền thế mà bỏ Đạo ra đi theo thế quyền như một số Tăng sĩ qua hai biến cố năm 2007 và 2013.
 
Sự xuất hiện lãnh đạo của Ôn Long Quang sau Giáo chỉ số 10, không vì chức vụ Viện trưởng Viện Hoá Đạo, mà vì tâm đạo cốt xoay ngược thế cờ do những kẻ hung hăng phá đạo gây ra. Cạnh kề Đức Tăng Thống bằng những chuyến đi Huế - Saigon liên tục để giải vây thế kẹt do giới phá hoại giăng ra nhằm cô lập Đức Tăng Thống, giới này phụ tay với chế độ gây cho tình trạng quản chế càng thêm bức thiết.
 
Lãnh chức Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Ôn Long Quang mở ra công trình phát triển nhân sự, chỉnh lý cơ cấu Giáo hối thù ứng với tình thế mới. Ôn không ngừng quan tâm ngày đêm cho vận mệnh Văn Phòng II Viện Hoá Đạo. Đặc biệt trong việc tạo mãi ngôi chùa Phật Quang.
 
Tiếc thay trong cương vị Viện trưởng, Ôn Long Quang chỉ phục vụ được một năm. Thế nhưng sắc thái Giáo hội đã lấy lại phẩm chất của nền Phật giáo dân tộc, tách xa nền Phật giáo lai căng.
 
Một bậc Cao tăng nói ít, làm nhiều.
 
Năm ngày trước khi ra đi, Ôn còn dồn tất cả tịnh tài do chư Tăng, Phật tử cúng dường cho Ôn trị bệnh, thỉnh tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni tại Huế gửi bằng đường hoả tốc máy bay sang cho kịp Lễ An vị Phật Chùa Phật Quang ở thị trấn Huntington Beach, miền Nam California. Ngày nào Ôn cũng hỏi tôi tượng tới chưa ?
 
Hôm tôi thông báo về Ôn tượng đã tới hôm thứ sáu, một ngày trước cuộc lễ An vị Phật hôm 7-2-2015. Đạo hữu Cầu cho tôi biết, Ôn thoáng nét vui toại nguyện qua làn môi, rồi một dòng nước mắt lăn dần trên má Ôn…
 
Paris, 13-4-2015
Võ Văn Ái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét