Ông có lòng viết thư cho tôi đưa lên mạng, tôi xin cám ơn.
Trong thư ông cũng đang dạy tôi chữ « Lễ », tôi cũng xin cám ơn lời dạy dỗ của ông. Tục ngữ nước ta bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn. Một bức thư có thể chứa đựng một sàng khôn lắm. Tính tôi thích học để tiến thân, từ nhỏ cho đến nay đã già vẫn chưa thay.
Cho nên thư ông gửi được tôi lưu tâm, dù rằng tôi lấy làm lạ về sự thiếu lễ nghi sơ đẳng. Thư viết gửi cho một người có tên, nhưng người ấy không nhận được bằng đường bưu điện hay đường truyền mạng, vì đưa thẳng lên mạng cho mọi người khác đọc. Âu cũng là cách cư xử hiện đại của thời điện tử Âu Mỹ.
Nếu không nhờ có người chuyển cho tôi xem, chắc gì tôi đọc được. Loại thư như thế tôi không trả lời. Song tôi thấy có mấy điều không đúng, nếu giữ im lặng, sẽ gây ngộ nhận cho những người ở xa. Chúng ta đã chứng kiến nhận định và tác động của ông Trùm Tuyên truyền Đức Quốc xã Joseph Goebbels : “If you tell a lie big enough and keep repeating it, people will eventually come to believe it — Một lời nói dối khổng lồ được lập đi lập lại trăm lần sẽ làm cho người ta tưởng là sự thực. Lý do khiến tối chấp bút.
Hiển nhiên cái gì hay ta phải học. Mặt khác, phải phục thiện trước các lời phê phán. Khi phê phán đúng.
Đọc thư ông viết, tôi chưa cảm hết điều hay lẽ thiệt. Nên tôi mạn phép trình bày ý kiến tôi.
Dù ông thích và phục như ông viết : « Nhóm của TT Thích Giác Đẳng ăn nói lịch sự mềm mõng, có giáo dục dù đang chỉ trích hành động của Ông thì họ vẫn gọi Ông một cách lịch sự là Giáo Sư Võ Văn Ái. Đối với chúng tôi thì cách hành xử của nhóm TT Thích Giác Đẳng dễ thuyết phục cử tọa hơn ».
Viết vậy, song tiếc thay ông lại không đi theo hướng ấy. Hướng của « mềm mỏng », « lịch sự », « có giáo dục ».
Mời ông đọc lại thư ông viết cho tôi với nhiều nộ khí, khi gán cho chúng tôi : « cái Thông Cáo của một tổ chức tôn giáo lớn mà cách hành văn như thế tục (nếu không nói là tệ hơn) », (…) « cái đoạn đầu của lá thư gởi cho bà Trần Thị Bạch Vân, Thượng Tọa Thích Giác Đẳng và Luật Sư Steven Diêu từ văn phòng Luật Sư Tammy Tran được mở đầu như sau “ Thưa Bà Trần, Sư Đẳng và Ông Điêu”. Thư viết bằng Việt ngữ nhưng cách hành văn sao mà …vô giáo dục đến thế! ».
Tôi e sợ ông đã mất bình tĩnh để quá nặng lời. Viết như vậy có còn chút « Lễ » nào không, thưa ông ?
Đoạn đầu lá thư gởi cho bà Trần Thị Bạch Vân, chúng tôi chỉ dịch lá thư Cease and Desist của Tổ hợp Luật sư The Trammy Tran Law Firm. Vào đầu thư họ viết : «Dear Ms Tran, Rev Dang, Mr Dieu », chúng tôi dịch ra tiếng Việt « Thưa Bà Trần, Sư Đẳng, Ông Điêu », thì sao gọi là« cách hành văn vô giáo dục đến thế » ? Mong được ông giải thích cái gọi là « vô giáo dục » trong cách hành văn ? Mà đây là dịch chứ đâu phải hành văn. Hai điều này khác biệt lắm ông ạ. Khi ông dịch một văn bản ngoại ngữ, ông không có quyền dịch sai nguyên ý. Có như thế mới tránh nạn dịch là diệt.
Thông cáo báo chí do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, là Cơ quan Ngôn luận và Phát ngôn của Viện Hoá Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, phát hành ngày 11-11-2015, chúng tôi chỉ làm việc duy nhất, là trả lời thắc mắc độc giả về hai Uỷ ban. Một gọi là « Uỷ ban Thanh lý Tài sản Chùa Phật Quang ». Một gọi là « Uỷ ban Thanh tra Tài chánh chùa Phật Quang ».
Để trả lời, chúng tôi tham vấn Tổ hợp Luật sư The Tammy Tran Law Firm ở Houston để hiểu rõ luật pháp Hoa Kỳ mà chúng tôi không rành.
Việc hồi đáp của chúng tôi thu gọn vào phiên dịch các luật pháp Hoa Kỳ do Tổ hợp Luật sư cung cấp, đối ứng với trường hợp của hai Uỷ ban.
Thiển kiến tôi, ông có thể phê bình chuyện dịch sai. Hoặc là ông cho luật pháp Hoa Kỳ hành văn « vô giáo dục » thì đấy là nhận định cá nhân ông khi thấy luật pháp ấy chẳng hợp với biên kiến của ông và nhóm ông. Nhưng từ chỗ không nêu được những điểm sai lầm khi chuyển dịch hay luật pháp Hoa Kỳ sai, ông giáng xuống một lời mà chúng tôi cho là võ đoán, chẳng hạn như ông viết : « Vì thế cho nên khi đọc cái Thông Cáo của một tổ chức tôn giáo lớn mà cách hành văn như thế tục (nếu không nói là tệ hơn) chúng tôi không chấp nhận được ». Tôi có cảm tưởng giáo trình dạy chữ « Lễ » cho tôi, dường như ông hay quên, để thiên trọng với những từ không mấy lễ nghi hay giao tế « vô giáo dục », « thế tục », « nếu không nói là tệ hơn ». Tệ hơn thế tục là gì thưa ông Nguyễn Kim Luân ?
Tôi đồng ý với ông, là Sư Giác Đẳng « ăn nói lịch sự, mềm mỏng ». Hiển nhiên. Nếu không thì làm sao có thể lôi kéo chừng non một trăm (100) người về dự Đại hội tháng Mười vừa qua tại thành phố San Jose trong số hai nghìn (2000) thí chủ cúng dường hay cho vay để tạo mãi chùa Phật Quang ?
Nhưng thưa ông, lâu nay ông chuyên sinh hoạt chính trị trong Cộng đồng đấu tranh của người Việt, nên ông có cách ăn nói, lập luận, nhận xét theo nền văn hoá chính trị. Vào lĩnh vực Phật giáo hay GHPGVNTN cần có thời gian sinh hoạt để thấm nhuần nền văn hoá Phật giáo. Nhờ vậy ăn nói, lập luận, nhận xét sẽ mang sắc thái hiền hoà Phật giáo. Mà chuyện chúng ta đang bàn nằm trong lĩnh vực tôn giáo. Tuy nhiên, tôi thông cảm, vì biết ông chưa hiểu gì nhiều về văn hoá Phật giáo, về GHPGVNTN là tổ chức mà tôi phục vụ từ cuối thập niên 40 tới nay.
Đạo Phật không chú ý chuyện ăn nói, khi không ăn nói cho chánh pháp. Trái lại còn khinh thường ăn nói, vì tất cả chỉ là hý luận, nhất là đối với Trung quán tông. Người mình gọi nôm na đa ngôn đa quá. Trái lại phải giữ mình cùng lúc trên ba phương diện Thân, Khẩu, Ý. Các cử chỉ hành động của thân xác luôn cầu gọi sự thanh tịnh. Khẩu là lời nói không vọng ngữ, không ác ngữ. Nào đâu chỉ thân và khẩu, mà còn cả cái ý phát sinh trong đầu, trong tâm thức, làm cho thân và khẩu hại xác phàm mình đồng thời gây đau khổ cho tha nhân.
Đấy là nói chung sự tu thân thường nhật của người Phật tử. Đối với chư tăng còn phải gìn giữ tinh cần hơn. Do thuyết giới tự tứ của đạo Phật đặt căn bản trên chữ Hòa, tức tránh tranh cãi : Ngôn tránh,tránh tranh cãi về pháp tướng ; Mích tránh, tránh tìm lỗi người khác ;Phạm tránh, tránh bình luận về phạm giới của nhau ; và Sự tránh, tránh tranh cãi về Yết ma (tức cách biểu quyết xử lý mọi việc).
Cho nên, nói riêng tính cách ăn nói của Sư Giác Đẳng chưa đủ đâu ông Nguyễn Kim Luân. Ăn nói « lịch sự, mềm mỏng » nhưng để thể hiện cái gì ? Cái Đạo ? Bọn Mafia ăn nói khi giao tiếp cũng lịch sự lắm chứ. Vào các sòng bài ở Las Vegas, ai dám bảo không lịch sự, mềm mỏng, có giáo dục ?
Tôi chỉ nghe và nhìn 3 cuộc họp báo tại California, Houston và Dallas của Sư Giác Đẳng tôi thấy Sư vọng ngữ về tôi, về các ngài lãnh đạo nhiều lần và nhiều chuyện.
Tôi chỉ nghe 3 cuộc họp báo tại California, Houston và Dallas của Luật sư Steven Điêu cũng như cuộc phỏng vấn gần đây trên đài ông Hoàng Bách, thì tôi phải nói là ông ấy điêu ngoa và tán tận lương tâm. Ông Luân còn nhớ cuộc họp báo tại xứ nhà của ông ở Dallas hôm 5 tháng 9 không ? Khi giải thích về chuyện tiền bạc lôi thôi, ông Điêu đã cầm gậy chỉ vào sơ đồ Giáo hội rồi nói « lôi thôi tiền bạc không là Sư Giác Đẳng mà là Đức Tăng Thống ». Cây gậy ông Điêu gõ gõ vào tên Đức Tăng Thống một cách đắc thắng. Thế mà những người có giáo dục, ăn nói lịch sự, mềm mỏng, ở hội trường bỗng cười rang, tán thánh và vỗ tay ! Ông có thấy trong cái lịch sự, mềm mỏng, và dường như « có giáo dục » ấy, đạo phong đã xuống cấp ? Tình cảm người Phật tử đối với bậc cao tăng lãnh đạo như thế ư ? Thảo nào có người mười năm đoeo đuổi học Phật pháp qua Paltalk vẫn quên hai chữ từ bi, trí tuệ, để hạ bút viết « Giáo hội chỉ là ba ông già sắp xuống lỗ » ! Tuy người ấy chẳng thấy, chẳng nói ra nguyên nhân nào, và từ đâu đến, khiến một Giáo hội tự do, đông đảo trước 1975, nay từng người phải âm thầm và lẩy bẩy trong Mồ Sống ?!
Làm sao có thể chấp nhận việc đưa một người không biết gì về Đạo Phật, chưa là thành viên của Giáo hội một ngày nào, là ông Steven Điêu, bỗng được Sư Giác Đẳng bồng lên chức Chủ tịch Văn phòng II VHĐ – UBCV với 5 người không hề có chức vụ gì trong Văn phòng 2 VHĐ, như Hiến chưng quy định, vào làm thành viên Hội đồng Quản trị UBCV – VP2 VHĐ. Để rồi, gần hai tháng sau, không kèn không trống, các vị này ngồi chưa nóng ghế đã được mời đi chỗ khác chơi, để Hội đồng Quản trị leo heo một người duy nhất, vừa làm Chủ tịch vừa làm thành viên. Mọi quyết định về vận mệnh một tôn giáo nay thành sự độc diễn, cái mà Sư Giác Đẳng thường tự hào gọi là « dân chủ » — Dân chủ tập trung ? Lập Đảng, lập Hội đoàn xã hội theo thế cách ấy may ra còn được. Chứ việc của một tôn giáo lớn như GHPGVNTN làm kiểu này bất tiện quá, tín đồ ai chịu theo.
Vì là thư hồi đáp ông, tôi không thể dài dòng chứng liệu. Chỉ xin đưa một ví dụ tiêu biểu, là Giáo chỉ số 12. Tôi mang Giáo chỉ số 12 đưa tận tay Sư Giác Đẳng tối ngày 23-3 năm nay tại khách sạn Best Western Plaza Hotel ở Houston. Đức Tăng Thống gửi sang nhờ tôi chuyển cho vị Quyền Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo. Có chị Ỷ Lan chứng kiến. Trước khi rời Paris, tôi nhờ chị ấy in ra giúp. Nên chị biết rõ rằng Giáo chỉ có 2 điều 5 và 6 quy định sự duy trì vĩnh viễn 2 cơ cấu của Giáo hội là Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và Phòng Liên Lạc Quốc tế. Vậy mà, Sư Gíac Đẳng đã cắt đi 2 điều đó đem giải thích với tay chân bộ hạ của Sư việc dẹp bỏ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, khứng hợp lối giải thích méo mó của Sư về băng thu điện đàm với Đức Tăng Thống hồi tháng 3 đầu năm. Khiến tại cuộc họp báo của Sư tại Dallas có người phải chất vấn về « hai » Giáo chỉ số 12 là thế nào.
Hiển nhiên, điều này Sư Giác Đẳng biết, lương tâm tôi và lương tâm chị Ỷ Lan biết. Những người khác không ai có thể biết, hoặc chỉ tin theo người mình chọn để tin. Như thế là thoát ly sự thật. Tôi khẳng định Sư Giác Đẳng vọng ngữ. Vọng ngữ là dối láo, cùng với việc trộm cắp tài sản của Tam Bảo qua việc bán lén chùa Phật Quang — Đạo và Vọng — thuộc nhóm tội tứ trọng, nguyên nhân của sự tẫn xuất khỏi tăng đoàn để hoàn tục. Khi nói về hai Giáo Chỉ 12 “thật” và “giả”, tại Đại Học Hè ở Pháp Luân, tại các cuộc họp báo, hoặc các nơi hội họp riêng của Sư Giác Đẳng dù với những lời “mềm mỏng, lịch sự, có giáo dục“, nhưng trong thâm tâm mình, Sư Giác Đẳng dư biết mình đang nói láo.
Cách ăn nói “lịch sự, mềm mỏng, có giáo dục“ của hai vị Giác Đẳng, Steven Điêu ứng vào hai câu Kiều của cụ Nguyễn Du :
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao
Tôi gọi Sư Giác Đẳng mà không gọi Thượng toạ, vì tôi nhìn Sư trong tư thế Nam tông nguyên thuỷ của Sư. Phật tử Nam tông gọi các Tăng sĩ là Sư. Chữ Sư là danh từ Hán chỉ một vị Thầy, như Sư Phụ. Trước kia tôi xưng Thượng toạ là vì Sư có chức vụ cao trong Giáo hội Hải ngoại, mặt khác tôi nghe các ngài trong Giáo hội hải ngoại gọi là Thượng toạ từ lúc Sư Giác Đẳng chưa được có chức này, nên quen miệng gọi theo. Hiến chương GHPGVNTN quy định ở Điều 13 : “Thượng toạ là những vị có 50 tuổi đời, trong đó có 20 tuổi đạo”. Chúng tôi đã gọi Sư là Thượng toạ từ những năm Sư chưa tới 50 tuổi đời (Sư sinh năm 1963), chỉ vì không muốn làm buồn lòng các ngài.
Nói để hiểu, chẳng cố ý so đo chức vị cao thấp.
Từ khi có Hiến chương năm 1964 mới quy định các chức vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức. Hằng bao nhiêu thế kỷ trước nhân dân miền Bắc gọi chư tăng qua ba danh từ Sư Bác, Sư Ông, Sư Cụ, tương đương với miền Trung là Chú, Thầy, Ôn (Ôn là tiếng Chàm của ôông chỉ những người lớn tuổi, trưởng lão, như Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm, Ôn Từ Đàm… hay Ôn nội, Ôn ngoại). Còn trong Nam dường như gọi chung ba giới là thầy — thầy chùa, thầy tu, thầy cúng. Thầy cúng chỉ cho những người có gia đình, hàng tháng tụng kinh thuê tại các nhà Phật tử hai kỳ rằm và mồng một, cũng còn gọi là thầy nhang bông.
Hoà thượng nay là chức cố định, chứ ngày xưa chỉ là chức của một ngày trong thời gian Giới đàn làm Đường đầu Hoà thượng trong tam sư, thất chứng. Hết giới đàn không còn chức ấy nữa, song quần chúng tiếp tục gọi để tỏ lòng tôn kính. Chữ Thượng toạ vốn chỉ là người thủ chúng ngồi đầu bàn trong các bữa ăn tại chùa.
Đạo Phật lấy đức, lấy đạo hạnh làm đầu. Đạo Phật là đạo Vô Ngã thì đâu còn lấy chức tước làm phẩm hạnh như một số người ngày nay ? Người Phật tử nhìn đức và phẩm hạnh của một vị tăng mà kính ngưỡng, chứ không nhìn vào chức tước phân chia, lại càng không thể gần gũi những vị tăng phạm hai nhóm tội Tứ trọng và Ngũ nghịch trong 250 giới. Kinh dạy như thế chứ không là chủ kiến tôi.
Khi một vị Tăng khoác lên người 3 tấm y (ba nẹp, năm nẹp, 9 điều) là khoác lên thân mình 250 giới, khác với quần áo của người Phật tử tại gia.
Tôi gọi Sư Giác Đẳng vì Sư hết chức vụ tại Văn phòng II VHĐ, đồng thời Sư bị khai trừ khỏi GHPGVNTN chiếu Quyết Định số 21 của Đức Tăng Thống. Cho nên tôi xem Sư là một ông tăng thuộc Giáo hội Nam Tông, mà truyền thống Nam tông gọi tăng sĩ là Sư.
Mặt khác, tôi gọi Nhóm Giác Đẳng-Steven Điêu-Trần Bạch Vân là có lý do. Trong các văn kiện của Tổ hợp Luật sư The Tammy Tran Law Firm, thường viết “The Giac Dang team” để chỉ nhóm bị đơn. Chỉ là vấn đề “dịch lại” trong không khí một vụ kiện mà chẳng ai muốn xẩy ra, nếu Sư Giác Đẳng thi hành những gì Sư hứa hẹn trong Thư Từ chức, hay bài viết công bố cho mọi người về sự từ chức.
Tuy nhiên còn lý cớ khác. Nhìn các sự kiện, hành xử cùng lý luận đã qua của Sư Giác Đẳng, thì quả thật có sự vi phạm Hiến Chương GHPGVNTN trầm trọng, cách trìng bày qua 3 buổi họp báo, hay dựng cả một Đại hội ba ngày để đấu tố người đồng đạo, tất phải xem như Sư Giác Đẳng và nhóm ông ly khai GHPGVNTN. Ở đây tôi đặt vấn đề một Giáo hội dân lập có truyền thống lịch sử. Và Phật tử là con người tự do, chứ không là kẻ thừa sai hay nô lệ bè phái.
Về quần chúng ly khai Giáo hội của Sư Giác Đẳng chúng tôi nhìn vào hình chụp các vị đưa ra, đếm không quá trăm người. Số trăm mà so với số hàng triệu thành viên GHPGVNTN trong nước và ngoài nước, chỉ có thể gọi là nhóm. Không có từ nào khác hơn. Nếu rồi đây Sư Giác Đẳng tuyên giáo, thì cũng chỉ có thể gọi là Giáo phái (Sect) chứ chưa thể gọi là Giáo hội.
Khi ông viết Nhóm HT Huyền Việt và Nhóm TT Giác Đẳng, để chơi chữ hay đối vế bên bấc bên chì, tạm xem như được. Nhưng trật về nội dung. Vì HT Huyền Việt đại diện cho GHPGVNTN trong nước ở cương vị Xử lý Thường vụ nhằm giải quyết vấn đề lủng củng ở Văn Phòng II VHĐ, không thể gọi là nhóm. Gọi Nhóm HT Huyền Việt khác gì ông gọi Đại sứ Hoa Kỳ tại Paris là Nhóm Mỹ?! Ông Đại sứ dù chỉ một người, song ông đại diện cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một quốc gia. Còn trường hợp Sư Giác Đẳng cùng với các ông gọi nhóm là đúng và vừa vặn.
Mong rằng 2, 3 năm nữa, số trăm của các ông được nâng cấp lên số trăm ngàn hay triệu, với thương hiệu một Giáo phái mới. Lúc ấy chúng tôi sẽ thôi dùng chữ Nhóm như Nhóm Sư Giác Đẳng mà chúng tôi dùng một cách có ý thức hiện nay.
Kính thư,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét