Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

(Huệ Lộc) Nhân Quả Ba Đời


Huệ Lộc kính lời thăm hỏi Cư- Sĩ Nhật Liên Dũng.  Tôi  tự nghĩ mình không là gì hết, tuy nhiên cảm kích trước lời thành thật của Cư-Sĩ đã nói lên ý kiến của chính mình trong những ngày qua với sự dè dặt thân khẩu ý nghiệp. Thật là điều đáng cho tôi học hỏi.  Theo Kinh Hoa Nghiêm, thật ra tất cả mọi chúng sanh đã là "Phật", nhưng họ không tự nhận ra được.  Do thân khẩu ý nghiệp mà họ như mê dại lao vào chốn sinh tử luân hồi như một giấc mộng dài, chưa bao giờ thức. Như người trong giấc mơ, thấy có cha, mẹ, anh, em, thân bằng quyến thuộc, bạn, thù, yêu thương, hận thù... trong một thế giới mộng mênh mông rộng lớn không cùng mà trong đó chỉ tìm thấy đau thương và nước mắt mà thôi.  Nay dựa theo lời dạy ngài Ấn Quang Đại Sư, tôi có vài lời diễn đạt với những ai thích nghe:
            Kinh Pháp Hoa có nói: "Ba cõi không an, dường như nhà lửa, sự khổ đầy rất đáng sợ hãi."  Nhiều khi cảnh ngộ đến với ta bằng những giai đoạn như hoạ, phước , nghịch, thuận, khổ, vui... không nhất định.  Tuy nhiên nếu biết quyền biến, an theo số phận, thì cảnh hoạ, nghịch, khổ nào mà không biến thành phước, thuận, vui?
            Trong kinh Dịch có câu "cùng bỉ tất thông; vật cùng tất biến", kẻ học đạo phải nên thiểu dục tri túc, biết số mạng do nơi nghiệp xưa gây tạo nên không oán trời trách người, dù gặp cảnh ngộ nào cũng vẫn an nhàn bình thản.  Có những người tuy có lòng ưa thích điều lành, nhưng chưa rõ chổ chí lý của Phật Đạo, nên khi gặp cảnh nghịch đã bối rối kinh cuồng.  Tôi xin đưa ra một số câu chuyện để nhận rõ:
            1. Chổ nương tựa của thế gian không gì sánh hơn mặt trời và mặt trăng.  Nhưng khi mặt trời đứng bóng thì cũng phải xế chiều; mặt trăng tròn đầy thì cũng đến hồi khuyết giảm, cho đến gò cao thành vực thẳm, biển cả hoá thành nương dâu.  Cuộc đời như thế hết trẻ tới già, hết thạnh tời suy là lẽ thường tình không ai tránh khỏi.  Nếu cứ vì sự thay đổi tuần hoàn mà tâm ta sợ hãi điên cuồng chạy đông chạy tây tìm vói cái đã qua, tức là chúng ta đã đánh mất cái bình an đã có sẵn trong ta tự xưa nay, cái mà nhà Thiền gọi là  "Bản Lai Diện Mục". 
            2. Lịch sử còn ghi những sự thăng trầm của những cao nhân thuở trước.  Xưa nay đạo đức nhân đạo không ai hơn Ngài Khổng Tử, tuy vậy mà Ngài Khổng Tử còn phải bị vây ở đất Khuông, tuyệt lương ở đất Trần hơn ba tháng.  Ngài bỏ công đi chu du liệt quốc kết cuộc không được gì, chỉ có một người con là ông Bá Ngu được năm mươi tuổi rồi cũng chết mất.  Thầy Nhan Hồi là bậc chẳng phạm lỗi hai lần "bất quá nhị" mà mạng sống chỉ ở tuổi ba mươi.  Thầy Tử Hạ, Tả Kỳ Minh thì bị mù loà.  Đại thi hào Khuất nguyên thì chết chìm. Thầy Tử Lộ thì bị chúng giặc giết chết bầm nát ra làm mắm gởi ngài Khổng Tử.  Những vị ấy là các bậc đại Thánh, đại hiền mà cũng không tránh được những nghịch cảnh đau lòng hà huống chi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hay các Đức Tăng Thống sanh ra từ cộng nghiệp của người dân Việt Nam thì làm sao tránh được những bước thăng trầm? Tuy nhiên các vị ấy biết thuận theo số mạng, tuỳ thuận an vui.  Mấy điều nói vậy tợ hồ như không phước, nhưng tấm gương đạo đức của các Ngài mãi thiên thu từ vua đến dân không ai không kính ngưỡng.  Thế thì phước đức còn chi hơn? 
            3. Trong đời sống, con người toan tính đủ điều, làm đủ việc, xét lại chẳng qua vì vấn đề ăn mặc và tiền bạc của cải dành dụm lại tuổi già hay cho con cái mà thôi. Thật ra có tiền nhiều tiêu xài ăn uống thoả mãn cũng gây ra bịnh tật nạn tai, và tạo ra thêm nhiều chướng duyên nghịch cảnh.  Như thế ăn canh rau có thể qua bữa, cần gì hải vị sơn hào; mặc vải bô cũng đủ che thân, lựa là quần tốt áo sang.  Còn con cháu thì học hành ra nghề hoặc bán buôn hay ruộng đồng đều tự nuôi sống được, cần gì phải giàu có trăm vạn.  Xưa nay kẻ tính xa cho con cháu hưởng vinh muôn đời, thì đâu có ai sánh bằng bạo chúa Tần Thỉ Hoàng người từng ban ra chính sách ngu dân đốt sách thánh hiền, chôn sống học trò, bản ý muốn dân ngu yếu không làm loạn.  Nhưng khi Trần Thiệp, Lưu Bang, Hạng Võ đứng lên, anh hùng nổi dậy, cơ đồ thống nhất lục quốc của vua Tần không đầy mười ba năm bỗng tiêu tan, con cháu cũng bị tận diệt không còn.  Tào Tháo uy quyền ngang như vua, làm điều soán nghịch, danh lớn che khắp nước, không ngờ đến khi chết vì chứng bướu não, thi hài chưa kịp liệm, Tào Phi đã soán nghịch, bắt thiếp của cha mình để làm cung phi.  Tháo chết rồi bị đoạ vào ác đạo trải hơn một ngàn bốn trăm năm đến thời Càn Long nhà Thanh, ở Tô Châu có người giết heo, khi mổ ra trên là phổi có hai chữ "Tào Tháo".  Một người láng giềng mục kích cảnh tượng ấy rất sợ hãi liền xuất gia tu hành, pháp danh là Phật An chuyên tâm niệm Phật sau vãng sanh về Tây Phương. 
            4.  Giàu sang như vua chúa còn không bảo đảm được tông- tộc hưởng phước lâu dài, huống chi là những kẻ phàm thường từ vô lượng kiếp đến nay gây tạo nhân duyên nghiệp quả dẫy đầy, mà lại muốn nhà cửa thường hưng thạnh, chỉ có phước mà không hoạ ư?  Phải biết sự vật giữa đời đều giả dối như mộng huyễn, bóng, bọt, sương, chớp, như trăng đáy nước, như hoa trong gương không có gì là chân thật. Duy có một niệm tâm tánh của ta vẫn hằng còn trùm suốt xưa nay, không biến đổi, không hư hoại.  Cái niệm đầu đó tuy không biến hoại mà thường tuỳ duyên: Theo duyên ngộ tánh thì thành các bậc Tam Hiền Thập Thánh, do công đức sâu cạn mà phẩm vị có cao thấp khác nhau; còn nếu như theo duyên mê nhiễm huân tập ác nghiệp theo thân khẩu ý thì lạc vào ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục rất nhanh.  Có người không tin Phật pháp đã đành, nhưng có những người đã từng qui y Tam Bảo và thọ trì Ngũ Giới xem như đã sùng tín Phật Đạo, sao chẳng nhân cảnh nghịch ấy mà nhìn rõ cuộc đời, bỏ mê theo ngộ, một lòng tu Niệm Phật cầu về Tây Phương, vượt nẻo luân hồi, lên ngôi Tứ Thánh.  Đó có phải là nhân hoạ nhỏ mà hưởng phước to chăng? Đường lối thoát ra là thế, tại sao lại bối rối mơ màng như ngây như dại?
            5. Chúng sanh thường gây nhân ác lại muốn khỏi quả khổ, có khác nào uống độc dược mà lại muốn bình an?   Nhiều người làm lành chút ít đã mong được phước lớn, khi gặp cảnh nghịch liền than:"làm lành mắc hoạ, không có nhân quả" từ đó lui sụt sơ tâm, trở lại chê bai Phật Pháp.  Những kẻ ấy không hiểu lý nhân quả thông cả ba đời và cũng không hiểu được tâm mình có thể cải tạo hoàn cảnh. 
            Thế nào là "lý nhân quả thông cả ba đời".  Đời nầy làm lành được thiện quả, làm dữ lãnh ác báo thì gọi là Hiện Báo.  Đời nầy gây nghiệp lành hay dữ, đời sau mới chiêu cảm quả phước hay tội thì gọi là Sanh Báo.  Còn như đời nầy làm lành hay dữ mà mãi tới nhiều kiếp về sau mới chịu quả thiện hay ác thì gọi là Hậu Báo. Hậu báo thì sớm hay muộn không định, nhưng nếu đã gây nhân tất phải nhận quả, đó là lẽ tự nhiên.  Giống như đã gieo hạt giống xuống đất, khi đã đầy đủ nhân duyên thì giống  nào sẽ trổ ra quả nấy.
            Thế nào là "tâm mình có thể cải tạo hoàn cảnh".  Ví như có người gây nghiệp ác sẽ phải vĩnh viễn bị đoạ vào địa ngục, nhiều kiếp chịu nhiều thống khổ, người ấy bỗng sanh tâm sợ hãi, hổ thẹn, phát lòng Bồ Đề, đổi dữ làm lành, tụng kinh niệm Phật, tự tu và khuyên người cầu sanh về Cực Lạc.  Do sự hối cải ấy, nghiệp địa ngục trước kia lần tiêu trừ, đổi thành quả khổ nhẹ trong hiện đời như: hoặc bị người chưởi mắng, khinh chê, hoặc bị đau bịnh, nghèo nàn, cũng gặp những việc không vừa ý.  Sau khi nhẫn chịu những khinh báo ấy xong, người ấy có thể thoát đường sanh tử, siêu phàm nhập thánh như Kinh Kim Cang, Đức Phật có nói:
            "Nếu có người nào trì tụng kinh nầy (Kinh Kim Cang Bát Nhã) mà bị kẻ khác khinh chê, người đó đời trước gây tội, nghiệp đáng đoạ vào ác đạo, do đời nầy bị sự khinh chê nên tội trước liền được tiêu diệt, sẽ chứng quả Vô Thượng Bồ Đề." 
            Đây chính là nghĩa "tâm mình có thể cải tạo hoàn cảnh."
            Người đời khi gặp nạn tai, nếu không oán trời, tất cũng trách người, ít ai nghĩ đến sự trả nghiệp mà sanh lòng ăn năn hối cải.  Phải biết "trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu" là lẽ đương nhiên.  Đã gieo giống độc đừng mong đến mùa gặt hái được trái lành.  Làm dữ mà vẫn hưởng phước là đời trước vun trồng cội phước đã nhiều, nếu không làm dữ thì phước nọ lại gia tăng lớn hơn.  Ví như con nhà giàu ăn chơi bài bạc, xem tiền như cỏ rác tuông xài như nước chảy.  Nếu cứ như thế thì không bao lâu dù cho gia nghiệp trăm vạn, tất cũng phải tiêu tan.  Còn làm lành mà hay bị tai nạn, nghèo hèn là do đời trước trồng gốc tội đã sâu, nếu không làm điều lành thì hoạ còn lớn hơn nữa.  Ví như người phạm tội nặng chưa kịp hành hình, lại lập được công nhỏ.  Vì công nhỏ nên chưa thể hoàn toàn ân xá, nhưng cũng có thể cải tội lớn thành nhỏ. Nếu lập công mãi đến khi công to, không những trừ hết tội trước mà lại dư phước hưởng tận vị lai.
            6.  Người đời phần đông không tin quả báo, buông lung theo nghiệp thân , khẩu ý nói bậy làm càng, quên điều nhân nghĩa luân thường nên mang nhiều điều bất hạnh xảy ra cho mình mà vẫn không tự biết.  Sau đây viết lại câu chuyện CON CÁ TRĂM ĐẦU dưới thời Đức Phật như sau, hy vọng cho người vướng khẩu nghiệp có đường cứu thoát.                                               
            Trong Đại Tạng Kinh có một quyển Nhân Duyên Kinh tên gọi là kinh Hiền Ngu.  Trong kinh Hiền Ngu có một câu chuyện quả báo luân hồi đáng sợ gọi là Con Cá Trăm Đầu.  Câu chuyện này được ngài A-Nan tuyên đọc lên trong kỳ kiết tập kinh lần thứ nhất, trong núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá.  Suốt thời gian kiết tập, trong một ngàn vị Đại A La Hán, ngài Đại Ca Diếp được cử làm vị thượng thủ.  Vua A Xà Thế cúng dường cung cấp thức ăn mỗi ngày cho một ngàn vị này trong suốt thời gian ba tháng để sự kiết tập kinh tạng được hoàn mãn.
                       
                                     Câu chuyện Con Cá Trăm Đầu
            Chính tôi (A-nan) được nghe:
            Một thời gian đức Phật ở nước Ma Kiệt Đà, vườn Trúc (Trúc Lâm).  Một hôm đức Thế Tôn và các vị Tỳ Khưu sang nước Tỳ Xá Ly, ngồi nghỉ mát bên bờ sông Lê Việt.  Trên bờ có năm trăm người chăn trâu và năm trăm người đánh cá.  Những người đánh cá này có ba thứ lưới:  Một thứ lưới hai trăm người kéo, một thứ ba trăm người kéo, và một thứ năm trăm người kéo.
            Khi đó đức Như Lai và các Tỳ Khưu ngồi cách họ cũng không xa, một lát thấy năm trăm người đánh cá kéo hết sức cũng không nổi, sau họ gọi bọn năm trăm người chăn trâu đến phụ kéo lưới.  Một lúc sau lôi lên một con cá rất lớn.  Trên mình cá có đủ một trăm đầu thú:  đầu ngựa, đầu lạc đà, đầu cọp, đầu chó, đầu heo...vân  vân.  Mọi người thấy lạ xúm nhau chạy lại xem.
            Thấy thế, đức Phật sai tôi (A-nan) đến quan sát.  Tôi vâng lời, đến đó nhìn thấy có một con cá rất lớn trên mình có đủ trăm đầu thú khác nhau, tôi lại trở về bạch Ngài, và xin cho biết rõ nhân duyên.
            Ngài cùng đại chúng đi lại xem, khi đến nơi, Ngài mới hỏi cá rằng:
            - Cá, ngươi có phải là Ca Tỳ Lê không?
            Cá đáp:
            - Thưa phải
            Ngài hỏi tiếp:
            - Kiếp này làm cá, kiếp sau ngươi biết về đâu không?
            Cá đáp;
            - Thưa ngài, kiếp sau tôi về địa ngục A Tỳ
            Tôi và đại chúng không rõ tại sao, bèn hỏi Phật:
            _ Bạch Thế Tôn!  Ngài gọi con cá này là Ca Tỳ Lê là do nhân duyên nào?
            Phật dạy:
            - Các ông hãy lắng nghe ta nói nhân duyên của con cá này.  Trước đây lâu lắm, vào thời Phật Ca Diếp có một người Bà La Môn sinh được cậu con trai, đặt tên là Ca Tỳ Lê.  Cậu này rất thông minh tài trí, đối với hàng văn khoa trí thức thời đó thì anh ta giỏi nhất.  Tuy thế nhưng khi đối với trí tuệ học vấn của các đệ tử Phật, nhất là các vị Sa Môn có tu học thì anh ta kém đặc.
            Khi cha anh chết có dặn anh rằng:
            - Con chớ đàm luận với các đệ tử Phật Ca Diếp nhất là các vị Sa Môn có tu học vì các vị này có trí tuệ sâu rộng, con không thể bì kịp. 
            Sau khi cha chết, anh vẫn tiếp tục đi học khắp nước, và anh được tiếng khen trong nước là người có tài biện luận, nhưng không bao giờ anh ngồi đàm luận tranh thua với các đệ tử Phật hay vị Sa Môn có tu học.  Thấy sự biện luận của con mình có chổ chưa hoàn toàn, mẹ anh một hôm mới hỏi anh ta rằng:
            - Con vốn là người cao minh học vấn, vậy đời nay có ai hơn được con không?
            Anh ta đáp:
            - Thưa mẹ, có các đệ tử Phật và các vị Sa Môn tu học hơn con nhiều lắm.
            Người mẹ nói:
            - Họ hơn con như thế nào?
            Anh trả lời:
            - Thưa mẹ!  Nếu con có chổ nào không biết đến hỏi thì họ giải đáp rõ ràng dễ hiểu.  Còn nếu các vị hỏi lại thì con không đáp nổi, bởi vậy con mới biết mình kém hơn họ.
            Người mẹ mới nói:
            - Nếu vậy thì tại sao con không học pháp biện luận của Sa Môn đệ tử Phật?
            Anh đáp:
            - Thưa mẹ!  Nếu học pháp biện luận của Sa Môn thì phải làm Sa Môn mới có thầy truyền dạy.  Con là kẻ thế tục thì làm sao học được?
            Bấy giờ người mẹ mới bày kế:
            -  Vậy con sẽ giả làm Sa Môn, len lõi vào Tăng đoàn, học tập cho giỏi, rồi lại trở về với mẹ có hại gì!
            Đứa con nghe nói hay lắm, bèn vâng lời mẹ mình mà giả ra Sa Môn đệ tử Phật.          Qua một thời gian, anh mang áo cà sa cầm bát, giả làm Sa Môn, lẫn lộn trong tăng chúng để được truyền dạy và nghiên cứu pháp Phật.  Vì anh có sẳn trí thông minh sẵn, chỉ một thời gian ngắn, anh đã quán thông tam tạng.  Một hôm về nhà chơi, mẹ anh mới hỏi:
            - Con đã giỏi hơn các đệ tử Phật hay các vị Sa Môn chưa?
            Anh đáp:
            - Thưa mẹ!  Về học vấn con giỏi ngang, nhưng về mặt toạ thiền thì con còn kém lắm.
            Mẹ anh hỏi:
            - Tại sao con biết kém?
            Anh nói:
            - Thưa mẹ!  Vì phép toạ thiền rất khó, lý thú cao xa, khác hẳn đạo mình, con tập mãi cũng không nhập thiền được, vì thế dù có đàm luận cách nào cũng bị thua các thầy Sa Môn chân chính.
            Người mẹ tức giận mới nói:
            - Vậy thì từ nay trở đi, có đàm luận nếu thua, thì con cứ la mắng sỉ nhục thậm tệ họ là xong!
            Người con mới nói:
            - Thưa mẹ!  Các đệ tử Phật và các Sa Môn tu đạo Từ Bi, họ có tội gì mà mẹ bảo con la mắng sỉ nhục họ thậm tệ đến như thế?
            Người mẹ trả lời:
            - Vì con có mắng nhiếc họ thì con mới thắng được!
            Ca Tỳ Lê nghe lời người mẹ dạy nghiệp bất lành, cứ mỗi khi đàm luận với các đệ tử Phật hay các bậc Sa Môn khi bị thua, liền lớn tiếng quát mắng sỉ nhục: Ngươi là kẻ ngu.  Ngươi là súc sanh chẳng hiểu biết gì.  Rồi lại cứ thế chưởi mắng đệ tử Phật nào đầu chó, đầu trâu, đầu heo, đầu bò..,vân vân , tổng cộng cả trăm thứ đầu được đưa ra để chưởi bới mắng nhiếc đệ tử Phật.
            Nói tới đây, đức Phật nhắc lại rằng:
            - A-nan!  Ông nên biết Ca Tỳ Lê vì ác tâm mắng các vị đệ tử Phật tu hành thuở đó, nay phải chịu quả báo làm con cá trăm đầu.
            Tôi (A-nan) mới hỏi:
            - Bạch Thế Tôn!  Ca Tỳ Lê bao giờ được thoát khỏi thân cá?
            Phật nói:
            - Anan!  Ta lấy Phật nhãn mà quan sát, hãy còn lâu lắm, trong đời hiền kiếp, một ngàn đức Phật đã qua rồi mà kiếp cá cũng chưa xong.
            Khi đó tôi (A-nan) và các vị Tỳ Khưu nghe Phật nói xong, ai nấy đều rùng mình rởn gáy, bi thương xúc động!  Đồng thanh nói:
            - Tất cả chúng sanh thân, miệng, ý phải nên cẩn thận!
            Thấy Phật và đại chúng hỏi đáp như thế, năm trăm người đánh cá và năm trăm người chăn trâu đều chấp tay bái Phật, đồng xin Phật cho xuất gia tu hành giải thoát.
            Phật khen họ tốt và nói:
            - Thiện Lai Tỳ Khưu !
            Ngài nói vừa dứt lời, râu tóc của một ngàn người này rụng hết, thân tướng biến thành các Sa Môn phạm hạnh.  Cả nhóm theo Phật tu học hành thiền không bao lâu đồng chứng quả A La Hán.
(Trích trong Kinh Hiền Ngu, Quyển Thứ Tư, Phẩm Cá Trăm Đầu)
            Luật nhân quả trả báo xưa nay không bao giờ sai trật.  Người khôn ngoan cần cẩn thận phòng chừng.  Bậc trượng phu phải vượt hẳng thường tình, đừng để cho ngoại vật như ngũ dục hay những lời khích bác khinh chê làm luỵ đến thân.  Xem lời khen tặng cũng như tiếng chê bai đồng như hư vọng.  Sự tu hành cốt sao giữ được tâm mình "sáng nhất và mạnh nhất" thì không lo gì không làm được bất cứ chuyện gì.  Vậy thế nào là giữ tâm mình "sáng nhất và mạnh nhất".  Trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương, Chương Thứ Mười Lăm:
            "Một vị Sa Môn hỏi Phật :" Cái gì là mạnh nhất, cái gì là sáng nhất?"
Đức Phật mới dạy rằng :"Đức nhẫn nhục mạnh nhất.  Nhẫn nhục thì không có ác tâm, lại có tâm yên vui bền vững.  Người có đức tính nhẫn nhục đã là người không có ác tâm thì thế nào cũng được người ta tôn quí.
            Bỏ lòng ham muốn là rửa sạch được cấu ghét trong tâm.  Tâm trong sạch không có vết bợn là sáng nhất.  Có thể trông thấy, hiểu biết nghe thấy tất cả các thứ trong mười phương từ khi chưa có trời đất đến ngày nay. Thế là có được trí tuệ hiểu biết khắp, hiểu biết đúng, cái trí tuệ ấy có thể cho là sáng nhất được."
            "Ngày xưa ông Lão Tử có nói trong quyển Đạo Đức Kinh: "Biết người là người khôn, biết mình là người sáng."  Tuy nhiên một hôm, có người hỏi ông rằng:
            - Người khôn và người ngu, ai là người sống lâu? 
            Lão Tử trả lời:
            - Người ngu chết trước, người khôn chết sau, cả hai đều chết, không ai sống lâu.
            Người kia mới hỏi thêm:
            - Vậy ai là kẻ sống lâu?
            Lão Tử mới trả lời:
            - Người biết mới sống lâu. "
            Tại sao vậy?  Người ngu vì không biết, không sáng nên ăn càng nói bậy mà mang hoạ vào thân nên chết sớm.  Kẻ khôn thường hay tráo trở dối gian nên không thoát ra ngoài nhân quả nên cũng phải lãnh phần hoạ hoạn mà chết.  Duy chỉ có người biết tức là người sáng là kẻ đã rửa sạch những cấu bợn trong tâm, tâm tánh thường hay tự điều phục, do đó từ ngôn ngữ đến hành động đều thuận theo lẽ Đạo.  Vì vậy mà huệ mạng của họ ngang như Trời và Đất vậy.
            Vài lời gởi khắp bậc Hiền Nhân,
            Pháp Phật cao sâu Bát Đạo Phần.
            Chiêm nghiệm tâm mình thong thả niệm,
            Hằng sa chư Phật hoá Tam Thân.
            Lối về quê cũ sen vàng nở,
            Du bước Ta Bà độ quốc dân.
            Ai đó bạn hiền vai sánh bước?
            Cùng nhau ra mắt đức Kim Thân.
                                                 (Huệ Lộc)
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
6/7/2106

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét