PARIS, ngày 7.3.2017 (PTTPGQT) - Nhân “Tuần lễ Dũng” của Gia Đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN), Gia Đình Phật tử Vụ thuộc Viện Hoá Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bài tham luận “Ý Nghĩa Ngày Dũng” của Huynh trưởng Quảng Kiệt Nguyễn Anh Tuấn. Toàn văn bài viết như sau :
Ý NGHĨA NGÀY DŨNG
------<0>------
Kính gởi : Anh Em Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Ngành Nam Gia Đình Phật Tử Việt Nam thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hiện đang sinh hoạt trên các Tỉnh, Thành trong và ngoài Nước.
Kính thưa quý anh chị em :
Là Đoàn viên của Gia Đình Phật Tử Việt Nam chúng ta phải ý thức sâu sắc rằng : Nhân sinh vì ngã chấp kiến thủ nên tạo nghiệp chẵng lành, dẫn đến thọ nghiệp báo thân. Tùy theo y báo và chánh báo mà sanh cùng mỗi quốc độ trong lục đạo luân hồi chịu khổ đau vô cùng tận. Những trạng huống đau thương ấy của Nhân sinh bao giờ cũng là căn do gần gũi nhất cho những giòng tư tưởng lớn mạnh, những cơn thức dậy của con người. Nếu năm xưa tại Ấn Độ, con người không đớn đau dưới giai cấp, thần quyền thì giòng họ Thích Ca có thêm một minh quân Tất Đạt Đa mà chẵng bao giờ Nhân sinh được tắm gội Ánh Đạo Vàng tỏa sáng từ Kim thân của Đức Từ Bi rộng lớn.
Cách đây hơn 25 thế kỷ, hình ảnh một vị Hoàng Thái Tử vừa tròn 19 tuổi xuân, văn võ song toàn và vô địch bậc nhất trước các nhà bác học uyên thâm, các vỏ sư nổi tiếng đương thời, và trong tương lai Ngài sẽ là một Chuyễn Luân Thánh Vương Thống trị tất cả các Vương quốc tại xứ Ấn Độ. Nhưng vị Vương tử sớm nhận ra “Chơn Tướng Sự Thật Của Cuộc Đời”, Ngài buôn bỏ tất cả sự nghiệp cao quý, cha già sang trọng và vợ đẹp con yêu vượt hoàng thành Ca Tỳ La Vệ ra đi làm vị Sa môn. Hai năm hỏi đạo với các đạo sĩ danh tiếng, sáu năm khổ hạnh với nhóm tu sĩ Kiều Trần Như, cuối cùng tự tu, tự đắc nhập Thánh quả nắm được quy luật vận hành của Vũ trụ, nhân sinh, trở thành Bậc Đại Giác Vô Thượng Bồ Đề - Hiệu là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Và nhờ sự buôn bỏ nghiệp thế, Thái Tử Tất Đạt Đa đã trỡ thành một nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử Nhân Loại hơn 2500 năm qua. Ngài là kiết tinh của muôn ngàn hương hoa BI – TRÍ – DŨNG, đầy đủ, sâu sắc và đúng đắn nhất. Nhân loại đã suy tôn Ngài là Đấng Đại Hùng – Đại Lực – Đại Từ Bi.
-Bằng tuệ giác siêu việt tuyệt thế, Đức Phật Thích Ca của chúng ta trãi gót khắp xứ Ấn Độ, đem hạt giống Bồ Đề gieo rắc khắp nơi. Làm cho cây Bồ Đề Tâm của chúng sanh nỡ rộ, tạo thành vườn hoa đạo lý hiện diện sinh động giữa cuộc đời và được liên tục phát triển khắp Thế giới cho đến ngày nay. Lại nữa, bằng Ánh Đạo Vàng Từ Bi rộng lớn, Đấng cha lành tôn qúy của chúng ta đã giãi phóng cho con người thoát khỏi vô minh, thoát khỏi sự sợ hải và nô lệ thần linh, các luồng ý thức hệ cuồn tín, các thể chế tôn quân độc tài toàn trị.
-Vào thời Đức Phật còn tại thế, với đạo lý Tứ Thánh Đế : tiến trình nhận thức (Khổ Đế) truy tầm nhận xét (Tập Đế) hạ thủ công phu (Diệt Đế) chứng nhập thánh quả (Đạo Đế), đã đánh đổ mọi học phái thần quyền, chủ nghĩa hư vô, duy vật, hoài nghi và định mệnh. Phật hóa hằng vạn hằng triệu tín đồ ngoại đạo tà giáo, đưa tất cả con người vào vị trí trung tâm giữa trời và đất để giãi thoát tự thân - giãi phóng tha nhân, hình thành một tôn giáo lớn mạnh có đầy đủ màu sắc nhân bản (tôn trọng hòa bình – phản đối giai cấp và bạo động).
- Từ lâu Đạo Phật không những đi vào các nước Á Đông mà hiện nay đã mỡ rộng đến Phương Tây và lan rộng đến các nước trên Thế Giới. Bằng đạo lý thực dụng đầy tình thương và trí tuệ, Đạo Phật cảm hóa nhẹ nhàng theo đường hướng tự nguyện, tự giác giác tha, đã xây dựng cho một số Dân tộc có được một Quốc gia trong sáng, hòa bình, tự do, bình đẳng, hạnh phúc chân thật và đoàn kết thăng tiến lẫn nhau trong mọi lãnh vực sinh hoạt, kể cả mọi hệ thống cai trị xã hội. Tiếc thay đất nước chúng ta chưa có cơ duyên đó trong hiện tại.
Đối với đất nước Việt Nam của chúng ta, Đạo Phật đã lồng vào lịch sử dân tộc trên hai nghìn năm qua. Trên hai nghìn năm dựng văn giữ nước, lịch sử Phật giáo Dân tộc đã phát triển rất nhiều nhân tố tích cực dấn thân bảo vệ chủ quyền và văn hóa Dân tộc. Đã bao lần lịch sử Dân tộc Việt Nam minh chứng rằng : “Chỉ có Đạo Phật mới xác định được vị trí tối thượng của nền văn minh truyền thống Việt đã khởi phát từ thời đại các Vua Hùng, một nền văn minh biết tiếp thu và dung hóa tinh hoa của các luồng văn hóa Nhân loại”.
Sự kiện nổi bậc nhất của Phật Giáo Dân Tộc Việt Nam là trong bốn triều đại Đinh – Lê - Lý – Trần. Vua Quan đã xây dựng nhà nước Đại Việt theo bản chất văn minh của Phật giáo :
- BI : Vua, Quan thấm nhuần đạo lý Từ Bi nên thương dân như con đẻ của mình.
- Trí : Những người trong hàng ngũ lãnh đạo điều hành từ trung ương cho đến địa phương hằng ngày lo tu tâm dưỡng tánh để phát huy khả năng đạo đức và trí tuệ nhằm phục vụ xã hội đúng với tinh thần của Phật giáo. Xứng đáng là những trụ cột của đất nước.
- Dũng : Bằng tất cả tâm nguyện và chí hướng cao cả, nổ lực tài bồi hạt giống Bồ Đề Tâm để phát triển đạo đức và khả năng trí tuệ. Quân dân còn dũng mãnh, cương quyết không chùn bước trước các thế lực hùng mạnh, cuồng bạo của quân xâm lược phương bắc. Dương cao ngọn cờ Đại Việt chống đuỗi quân Nguyên Mông giữ yên bỡ cõi.
Bản chất đạo đức trên của Phật giáo Dân tộc Việt Nam là nền tảng đưa con người lên trên những ham muốn dục vọng của thế tục tầm thường.
Thế nhưng có một điều đáng tiếc là từ thế kỷ thứ 16 – 17, trước đà văn hóa vật chất của Phương tây. Triều đình phong kiến An Nam cấu kết với thực dân phong kiến đã biến tướng nền văn hóa và chủ quyền của Dân tộc Việt trỡ thành một luồng ý thức ngoại lai cuồng tín đưa nước nhà trở thành thuộc địa của thực Pháp. Theo chân sự giao thoa của hai thể chế chính trị độc tài toàn trị nầy, các học phái thần quyền cũng “mỡ mang nước chúa tại đất Việt”. Phật Giáo Việt Nam bị đẩy lùi vào thiền cốc. Đa số Tăng sĩ tìm nơi ẩn tu, để mặc cho một ý thức hệ mới múa gậy rừng hoang. Trong Tăng đồ như vậy thì ngoài tín đồ, Cư sĩ đương nhiên phải ngu muội tin bướn theo càn, chẵng mấy ai hiểu đạo. Tình trạng ấy đã gây nên nạn lớn cho Phật Giáo Việt Nam suốt chiều dài lịch sử hơn một thế kỷ qua.
Nhưng Phật Pháp là chân lý, Phật Pháp bất ly thế gian pháp, những bậc Cao Tăng không để Dân Tộc đắm chìm trong vô minh của các thế lực chính trị, và những ngọn đuốc soi sáng cho đêm dài Việt Nam tăm tối đã bừng dậy, uy dũng vươn lên trước điêu tàn của giang sơn gấm vóc :
Năm 1920, ở Bắc có các cụ Tổ Vĩnh Nghiêm, sư cụ Tế Cát, sư cụ Bằng Sở. Trung có quý Ngài Tâm Tịnh, Huệ Pháp và Ngài Phước Huệ. Ở Nam có Ngài Khánh Anh và Ngài Khánh Hòa giữ được cốt cánh phong đạo và mỡ trường giảng dạy giáo lý, thường xuyên liên kết Phật sự mật thiết trên ba miền. Và cũng nhờ sự chấn hưng Phật giáo có tính cách địa phương nầy, năm 1930 phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt trên mỗi Miền trỗi dậy một cách phi thường tiến đến sự Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam năm 1951 ra đời Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, tiền thân của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được hình thành năm 1964 thống nhất hai hệ phái Nam và Bắc Tông, đó là Giáo Hội Chính Danh, Chính Thống và Chính Truyền mà hôm nay Anh Em Huynh trưởng và Đoàn sinh chúng ta đang hiến thân phục vụ.
Nương vào đó Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) cũng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh lịch sử tang thương, ngấm đầy máu lệ nầy. 10 năm hình thành trong hoàn cảnh nước mất nhà tan - 25 năm phát triển giữa cảnh chiến tranh khói lửa bỡi do thân nước cắt đôi - 42 năm không có nhân quyền và tự do tôn giáo bỡi do Đảng Cọng Sản đặt ra ngoài vòng Pháp luật cả cha lẫn con, cả thầy lẫn trò.
Như vậy Gia Đình Phật Tử Việt Nam có mặt trên đất nước đau thương nầy đã ngót 77 năm. 77 năm sống giữa làn sóng giáo dục đang xuống dốc với trụy lạc, với điếm đàn gây nên bởi một nền giáo dục phi nhân Xã Hội Chủ Nghĩa.
Gia Đình Phật Tử Việt Nam chỉ có hai bàn tay trắng và những khối óc với một niềm tin theo đuổi vai trò lịch sử và trách nhiệm xã hội của mình, chưa hề hổ thẹn với Đạo Pháp và Dân Tộc và cũng không đánh mất niềm tin đối với lớp trẽ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Do vậy, không một ai trong chúng ta có tâm thành, có chí hướng mà không nhìn nhận và không đặt Tổ chức Gia Đình Phật Tử đúng vào vị trí lịch sử chính đáng của xã hội. Chỉ có những người mê muội mới xem tổ chức GĐPT như một nét phù hoa hay một công cụ giai đoạn mới mang Tổ chức nầy đi làm công cụ chính trị cho Đảng và Nhà Nước Việt Nam để được vinh thân phì da.
Trên đường đi tới, số người xã bỏ thân mạng bỡi do chiến tranh và sự kỳ thị của các hệ thống cai trị xã hội, cũng có nhiều kẻ bỏ cuộc do sự cuốn hút bỡi danh lợi và quyền lực cho nên vấn đề nhân sự đôi khi cũng trỡ nên nguy cập. Tuy nhiên, nếu quá khứ bảo đảm cho hiện tại thì chúng ta cũng có quyền nhìn hiện tại mà tin ở tương lai. Nhất là với nhu cầu lịch sử , GHPGVNTN đã và đang đi vào cuộc đời, Chư Tôn Giáo Phẩm lãnh đạo của GHPGVNTN vẫn canh cánh bên lòng việc hiện đại hóa nền Văn Hiến Việt trên tinh thần văn minh của Phật giáo, không chấp nhận một nền độc tài toàn trị đang đưa cả một thế hệ thanh thiếu niên xuống hố thẳm đạo đức, vì thế mà trên lãnh vực giáo dục tuổi trẽ Phật Giáo, Anh Chị Huynh Trưởng lãnh đạo từ Trung Ương cho đến địa phương của Gia Đình Phật Tử Việt Nam cũng kham nhẫn chịu đựng bao ách nạn, áp bức của nội ma ngoại chướng, nỗ lực thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của mình đúng tinh thần Nội Quy – Quy Chế Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam được Viện Hóa Đạo duyệt y để cho tinh thần, tính chất truyền thống Gia Đình Phật Tử luôn luôn thể nhập vào tâm hồn Thanh Thiếu Đồng Niên Việt Nam, toát ra sức hút, tạo chất keo gắn bó những cá nhân sinh hoạt trong cộng đồng Phật đạo nhằm giãi thoát khổ đau cho chính mình và tất cả quần sinh.
Nhân kỷ niệm ngày Dũng Truyền Thống của Huynh Trưởng Nam, Ngành Thanh Thiếu Nam Gia Đình Phật Tử Việt Nam 08 – 2 ÂL , Phật lịch 2560 năm 2017. Chúng tôi hy vọng rằng : Huynh Trưởng Ngành Nam nói riêng, toàn thể Huynh Trưởng GĐPT Việt Nam hiện sinh hoạt tại các Tỉnh Thành, chúng ta hảy :
-Tưởng niệm sâu sắc về hình ảnh năm xưa của Thái Tử Tất Đạt Đa. Đặc biệt là kết quả tuyệt diệu đạt được trong sự buôn bỏ nghiệp thế để xây dựng cho tất cả quần sinh một bứt phá thoát ly sinh tử trong lục đạo luân hồi. Sự kiện lịch sử vĩ đại ấy đã giáo dục cho nhân loại hiện nay biết tôn trọng hòa bình, phản đối chiến tranh, hóa giãi mọi mâu thuẩn, xung đột và hận thù để thăng hoa cuộc sống tạo nên một nhân gian Tịnh Độ.
-Tưởng niệm về hình ảnh Chư Lịch Đại Tổ Sư - Chư Vị Tiền Bối hửu công đã hy sinh, cống hiến trọn vẹn tất cả đời mình, tất cả sở hửu của mình để dựng văn, giử nước, làm tỏa rạng ánh sáng của ngọn hải đăng trên khắp nẽo đường Giang Sơn Đất Việt trong suốt chiều dài lịch sử hơn 20 thế kỷ qua chúng ta phải cố gắng tiến tu để được làm người truyền thừa có đạo tâm kiên cố, có năng lực lôi cuốn thế hệ trẽ của Phật giáo và những người có cảm tình với Đạo Phật trên hành trình tìm về hòn đảo an toàn của hạnh phúc chân thật.
-Cảm niệm sâu sắc về hình ảnh Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư vị Cư Sĩ lãnh đạo, điều hành của GHPGVNTN đang vươn mình giữa làn sóng thô bạo của ma quỷ và thời đại, để giữ vững Pháp Lý lịch sử Giáo Hội nhằm bảo lưu nền tảng hình thành GHPGVNTN. Đồng thời hoài niệm những nét chính về lịch sử hình thành, phát triển của Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, mà thẩm định lại nhận thức của chính mình và có tinh thần trách nhiệm với sự tồn vong của Đạo pháp và sự tồn vong của Dân tộc.
Bước vào Phật Đản 2561 nầy. Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã tròn 77 tuổi đạo : Chúng tôi hy vọng rằng : Toàn thể đoàn viên GĐPTVN thuộc GHPGVNTN đang sinh hoạt tại các Tỉnh Thành, nêu cao tinh thần hòa hợp, thương yêu, đặt mình trong kỷ cương của tổ chức, vận dụng châm ngôn Bi - Trí - Dũng trong nếp sống và hành động tu học, sinh hoạt đúng mạng mạch Chánh Pháp, đúng tinh thần và tính chất truyền thống GĐPTVN. Có được như vậy mới thiết thực báo đền sự ra đi đầy ý nghĩa của Thái Tử Tất Đạt Đa, người cha lành tôn quý của chúng ta. Đồng thời biến hậu phương tu học sinh hoạt GĐPT của mình thành lực lượng hậu thuẩn cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam trong giai kỳ giãi trừ Pháp nạn, để lá cờ sen trắng của tổ chức được tự do tung bay trên bầu trời Đất Việt và trên khắp các Quốc gia, Châu lục. Có được như vậy mới thiết thực báo đền sự hy sinh cao cả, đầy ý nghĩa của Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư vị Cư Sĩ lãnh đạo của GHPGVNTN, và không hổ thẹn với sự ra đi về chốn vĩnh hằng của nhiều thế hệ Huynh Trưởng để Tổ chức Gia Đình Phật Tử được luôn luôn tồn tại như ngọn Vô Tận Đăng mà chúng ta đã dâng lời thề nguyện trước Tam Bảo.
Kính thưa Quý Anh Chị Em.
Cảm kích Thông Điệp Xuân Đinh Dậu 2017 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống nêu cao tinh thần Vô Úy của người con Phật , tinh thần ấy đã được Giáo Sư Võ Văn Ái, Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế phân tích cụ thể trên Thông Cáo Báo Chí và trên Đài Phát Thanh Phật Giáo Việt Nam là động lực to lớn cho bài viết của tôi hôm nay :
TINH THẦN VÔ ÚY LÀ TINH THẦN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT.
TINH THẦN VÔ ÚY CHÍNH LÀ TINH THẦN NGÀY DŨNG CỦA GĐPTVN
Bài viết nầy kính xin trình lên Huynh Trưởng Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ GĐPTVN Việt Nam, kính xin Huynh Trưởng Vụ Trưởng trình lên Chư Tôn Đức Lãnh Đạo Giáo Hội và kính mong được Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế phổ biến như một lời tâm tình của em đến các Anh Chị Áo Lam khắp nơi trên tinh thần VÔ ÚY.
NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA HA TÁT
TUẦN LỄ DŨNG GĐPTVN, Phật lịch 2560 :
Ngày 01 tháng 3 Đinh Dậu (2017)
Huynh trưởng Quảng Kiệt NGUYỄN ANH TUẤN
(Ban Hướng Dẫn GĐPT Khánh Hoà - Nhatrang)
Ngày 01 tháng 3 Đinh Dậu (2017)
Huynh trưởng Quảng Kiệt NGUYỄN ANH TUẤN
(Ban Hướng Dẫn GĐPT Khánh Hoà - Nhatrang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét