Hỏi: Một người tu thiền cần biết 5 đặc điểm của con voi.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 11-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Ngày xưa chúng tôi có ở với Ngài Taungpulu một thời gian, Ngài là vị Thầy tế độ cho chúng tôi tu Tỳ kheo và đồng thời Ngài cũng là một vị dạy thiền. Ngài hay nói về năm pháp của con voi.
- Đặc tính thứ nhất. Ngài dạy người tu thiền thì nên có thái độ tương đối rất nặng tay đối với phiền não.
Ở đây, chúng ta có cảm tưởng con voi những cái chân của nó rất mạnh, con voi nó đi dẵm đạp lên cỏ thì cỏ rạp xuống, chỗ nào nó đạp thì cỏ lún xuống tại vì cái thân nó nặng. Thì thái độ mạnh tay ở đây Ngài nói: ở trong kinh nói rằng khi niệm bất thiện khởi lên thì mình phải dẹp bỏ liền nếu mình chần chừ để thì nó sẽ lan rất nhanh. Ngài nói thái độ của người tu thiền phải mạnh mẽ phải mạnh tay đối với phiền não. Thí dụ như là mình có sự nghi ngờ ai hay trong lúc hành thiền tâm mình nó nhớ nghĩ hay giải đãi hay nói chung là cái gì phiền não thì mình phải xóa nó đi liền, mình đừng có nói chuyện với nó, đừng có vuốt ve nó, đừng có chiều chuộng nó, đừng để cho phiền não nó làm tới. Ngài nói thái độ này là thái độ con voi dẵm lên cỏ thì cỏ bị đè bẹp. Thì điều đó nói lên cái quyết định tánh của hành giả rất là mạnh mẽ đối với phiền não.- Và đặt tính thứ hai. Ngài có đề cập con voi khi nó nhìn thì nhìn bằng nguyên cả thân hình của nó chứ không phải là liếc qua liếc lại. Chuyện này mình hiểu, ở trong sinh vật học vì con voi luôn nhìn bằng hai con mắt và hai con mắt của nó thì khi nó tập trú thì nó phải hướng nguyên cả cái đầu nó chứ không phải nó liếc qua con mắt tại vì cái sóng ở giữa của nó dài hai con mắt hai bên thành ra khi nó tập trung thị lực của nó bắt buột nó phải nhìn bằng toàn thân.
Thì ở đây, Ngài Taungpulu Ngài cũng đề cập đến, đối với hành giả những cái nhìn, những cái khuynh hướng cái chủ chương của đời sống phải mang tính gọi là toàn bộ.
Lấy một ví dụ như mình ngồi ăn cơm, vừa ăn cơm vừa coi báo thì cái đó gọi là vừa làm cái này vừa làm cái kia, thì như vậy không có tập trung toàn bộ cuộc sống của mình. Hay hoặc giả có nhiều người đang nói chuyện với người này mà vừa nói chuyện vừa lấy điện thoại để text chat với người khác thì có nghĩa là mình ngồi đây mà tâm mình ở kia. Ngài nói; con voi khi nhìn cái gì nó nhìn bằng nguyên cả thân của nó hay ít nhất nguyên cả cái đầu của nó. Như qúi vị biết con voi không ngẩn đầu được nhiều.
Thành ra, Ngài dạy rằng ở trong cuộc sống khi mình tập trú thì phải toàn thân của mình, khi mình đi đại tiện, tiểu tiện, khi mình ăn, khi mình nói, khi mình có mặt ở nơi nào thì mình có mặt ở đó bằng tất cả con người của mình, chứ không phải khi mình làm việc này lại nghĩ sang chuyện khác, như trường hợp mình đang lái xe vừa nói điện thoại vừa lái xe vừa nghĩ chuyện này chuyện kia.
Nên cái nhìn của hành giả rất quan trọng. Tập trung nghĩa là tất cả mọi thứ đều phải hướng về cũng như con voi nó nhìn cái gì thì toàn thân của nó phải hướng về cái đó. Đây là cái bí quyết rất quan trọng của hành giả.
Chúng tôi nói bí quyết đầu tiên của một người ngồi thiền đó là phải mạnh tay đối với phiền não. Thứ hai là phải tập trung toàn bộ cuộc sống ở trong cái gì mà mình đang làm hoặc là mình ăn hoặc là mình nói hoặc là làm gì đó chứ không có mình nói làm bộp chộp hay nói lời rộn ràng đang làm cái này nghĩ sang chuyện kia đó là điều thứ hai.
3. Và điều thứ ba, con voi không dính mắc với chỗ ngủ của nó. Thường thường người nào ở trong rừng biết con voi ở trong rừng sâu và đặc biệt là chúng ta quan sát những loài voi ở tại Phi Châu thì con voi có một điểm rất linh động về cuộc sống, nó biết thời tiết thay đổi, mùa mưa khác, mùa lạnh khác, những lúc khô hạn khác, do đó, người ta nói rằng con voi sống cả cuộc đời thì nó là một hành trình cái hành trình đó là nó luôn luôn đi mà nó không bao giờ nghĩ rằng có một chỗ nào đó là cái chỗ nó sẽ dừng chân vĩnh viễn, có những con voi đi nguyên một đàn hay cả một gia đình của nó hai ba thế hệ đi chung một nhóm và cuộc sống của con voi là một hành trình chứ nó không nằm một chỗ.
Thì hành giả tu tập cũng vậy, ở trong sự tu tập hành giả phải hiểu rằng cuộc sống vốn là một hành trình và không nên để cho mình bị vướng mắc bị kẹt mình cưu mang cái gì đó. Chúng tôi lấy ví dụ, qúi Phật tử sống ở đời thì qúi vị nghĩ đến việc lập gia đình tức là muốn dừng chân một chỗ hay là qúi vị muốn lập sự nghiệp ở nơi nào đó là quí vị muốn an cư lạc nghiệp. Nhưng tư thế của một hành giả tu tập là hiểu rằng cuộc đời vốn biến thiên, vốn vô định, và từ lúc sinh ra cho đến phút cuối cùng đó là một hành trình và hành giả không có dính mắc. Riêng với một người tu tập thì về điểm này Ngài Taungpulu có đề cập là: Cho dù một cái am thất cho dù một nơi nào sống rất tiện nghi hay là có một vị thí chủ hộ trì hay là chổ ở đó là chỗ thoải mái đi nữa thì cũng không nên vì vậy mà hành giả nghĩ rằng chỗ này sẽ là chỗ dừng chân của mình, chỗ này sẽ là chỗ mình định cư. Tại vì nghĩ như vậy là mình sẽ bị vướng mắc vào ngoại cảnh, chúng ta không có tiếp tục sự tu tập cho chính mình.
Như con voi thì cuộc đời là một hành trình thì hành giả phải tiếp tục lên đường và không bao giờ dính mắc vào nơi mình sống dó là bí quyết thứ ba mà một vị hành giả khi tu tập cần để ý.
4. – Bí quyết thứ tư. Nếu chúng ta xem những cuốn phim về sự sinh sống của loài voi, thì con voi có những đặc tính là nó thích giỡn trong nước nhưng mà cái giỡn trong nước của con voi có phong thái đặc biệt là con voi không vui ở trong nước đục, nó rất sợ nước đục, những hồ nước trong thì con voi xuống thường là nó lấy cái vòi múc nước và nó tự tắm lấy. Chúng tôi nghĩ rằng qúi Phật tử cũng có nhiều lúc xem hình ảnh con voi là nó rất thưởng thức hồ nước mát hồ nước trong và trong hồ nước mát hồ nước trong mà có những thứ như là đóa sen thì thật sự con voi lại càng rất thích.
Thì đối với một hành giả người tu tập phải biết tìm được cảnh giới an lạc ở trong giáo pháp. Con người của chúng ta một khi nào đó mà mình ngồi một nơi yên tịnh đọc một trang kinh hay đàm đạo với một vị pháp lữ mình cảm thấy hoan hỉ lúc đó mình cảm thấy chí cả nó bừng bừng trong người mình. Hay là mình cảm thấy thật sự giáo pháp đó là một cảnh giới mênh mông mà mình sống được hoan hỉ. Thì lúc đó mình thật sự là mình thâm nhập với Phật Pháp. Cái niềm hoan hỉ đó quan trọng, cảnh giới quan trọng.
Thành ra người tu là phải hiểu rằng nó có một nơi mà nơi đó là nơi mang cho mình những pháp hỉ pháp lạc rất là cần thiết.
5. – Sau cùng, trong kinh nói con voi tại vì nó to lớn và trong bước đi của con voi bao giờ những bước đi cũng cân nhắc tại vì thật ra thân của nó rất nặng nếu nó đặt bàn chân không đúng chỗ thì nó sẽ tạo nên cái phiền cho nó như bị lún v.v… Thành ra trong kinh thường nói con voi có chánh niệm với bước chân của nó, nó bước chân ở đâu thì sự chú ý để ý ở đó, cái bước chân con voi khoan thai.
Thì cách sống của hành giả là ở trong tất cả những sở hành trong tất cả những nơi mình lui tới trong tất cả nơi đi hành giả đều giữ chánh niệm. Giữ chánh niệm tức là đặt sự chú ý vào thân vào tâm vào cử chỉ của mình. Mình đang làm gì, đang nói gì, đang đi đâu, đang bước tới, đang bước lui.
Thật ra, chúng ta bàn về 5 đặt tính của con voi ở trên hai phương diện một phương diện là cuộc sống hàng ngày và điều đó đã được Chư Tăng trình bày.
Nhưng riêng trong phần đúc kết này thì chúng tôi muốn nói đến một điểm có tánh cách giới hạn hơn, đó là lời của Ngài Taungpulu Sayadaw, Ngài đã từng đề cập đến là:
- Một người tu tập tu thiền quán nên bắt chước năm đặc tính của con voi là có một thái độ rất mạnh rất dứt khoát đối với phiền não là một thái độ mà một người tu thiền tất cả người tu thiền đều cần có nó giống như con voi khi nó đi dẵm đạp cái gì độ nặng của nó dẵm đạp.
- Và cái thứ hai là hành giả khi tập trung thì tập trung toàn bộ, điều kỵ nhất của người hành thiền là vừa làm cái này vừa làm cái kia. Con voi khi nó hướng tâm nhìn cái gì thì nó nhìn bằng nguyên cả thân mình của nó,thì hành giả cũng vậy khi tập trú là phải đem tất cả sự tập trung của mình vào một đối tượng mà thôi chứ không tản tâm bằng cách là vừa làm cái này vừa làm cái kia.
- Và con voi không dính mắc vào chỗ ngủ chỗ ở của nó, thì hành giả luôn luôn ở trong tư thế là tiếp tục lên đường không dính mắc với trú xứ và không bao giờ phải tìm một chốn bình yên hay là mình tìm một chỗ định cư hay là mình tìm một chỗ mà mình sẽ sống vĩnh viễn suốt đời, tại vì mình hiểu rằng cuộc sống nó là một hành trình đó là bí quyết thứ ba của hành giả.
- Và chúng ta cũng nhắc lại là hành giả con voi thì vui ở trong những cái hồ nước lớn, hồ nước trong mát thì hành giả cũng phải có cảnh giới ở trong giáo pháp mà thật sự mang cho mình sự an lạc và sau cùng thì bước đi khoan thai của con voi là tại vì con voi có chánh niệm nó có sự để ý đến bước chân của nó tại vì nó to thành ra nó không thể nào nhanh nhẹn như con khi truyền từ cành này qua cành kia như những con vật khác mà nó phải đi đứng đàng hoàng khoan thai. Thì hành giả nên sống ở trong chánh niệm tức là luôn luôn có sự ghi nhớ và tỉnh giác về sở hành của thân tâm mình .
Đó là năm đặc tính của con voi qua lời giảng của Ngài Taungpulu Ngài nói đặc biệt riêng cho các vị hành thiền
Phóng viên Hoàng Bách, Đài Truyền Hình VIETV phỏng vấn TT Giác Đẳng về Giáo Chỉ Số 10 ngày 15 tháng 02
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét