Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam & Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam B.P. 60063 – 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) – Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85 Fax : Paris (331) 45 98 32 61 – E-mail : queme.democracy@gmail.com Web : http://www.queme.net – Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 6.3.2014
Thông cáo chung của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam : Hãy trả tự do cho trên 200 tù nhân bất đồng chính kiến !
PARIS, ngày 6.3.2014 (FIDH & UBBVQLNVN) – Việt Nam phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho trên 200 tù nhân chính trị đang mòn mỏi trong các trại tù trên toàn quốc, Liên Đòan Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) lên tiếng hôm nay. Kèm theo lời kêu gọi này, FIDH và VCHR công bố chân dung của 17 tù nhân chính trị là những trường hợp cần quan tâm.
Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, ông Karim Lahidj nói rằng : “Việt Nam bắt giam số lượng tù nhân chính trị cao nhất tại các nước Đông Nam Á. Thật đáng trách cho một quốc gia hiện đang làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ”. Và ông Lahidj kêu gọi : “Một chuỗi những cuộc xử án, tấn công, sách nhiễu gần đây đối với các bloggers, nhà báo, và các nhà hoạt động nhân quyền cho thấy Nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến. Đã đến lúc Cộng đồng thế giới phải huy động và yêu sách Hà Nội chấm dứt cuộc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến bất bạo động và trả tự do cho tù nhân chính trị”. Hiện có ít nhất 212 tù nhân chính trị nằm sau chấn song tại Việt Nam, và nhiều hơn nữa lâm tình trạng quản chế tại gia. Những người bị cầm tù có cả các luật sư, bloggers, dân oan, Tăng sĩ Phật giáo, nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, công nhân công đoàn, những người vận động dân chủ, và thành viên dân tộc thiểu số hay các giáo phái, như Phật tử Khmer Krom, người Hmong và người Thượng Thiên chúa giáo.
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi chính quyền Việt Nam xem xét lại các điều luật đã được sử dụng để bắt giam các nhà hoạt động mà hành xử của họ chỉ sử dụng các quyền cơ bản của nhân quyền.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nói rằng : “Việt Nam phải tức khắc hủy bỏ các điều luật khắc nghiệt đang hạn chế tự do ngôn luận”. Ông cũng nói thêm : “Lời tuyên bố tôn trọng và bảo vệ nhân quyền của một chính quyền chỉ là lời tuyên truyền sáo rỗng, bao lâu Việt Nam chưa tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế để thực thi điều 19 trong Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ”.
Hôm 5.2 vừa qua, tại cuộc Kiểm điểm Phổ quát Định kỳ (UPR) ở Genève, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nói rằng “chính sách cơ bản” của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ, và thăng tiến nhân quyền, cũng như hứa hẹn Việt Nam sẽ “mở rộng dân chủ”.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR, Vietnam Committee on Human Rights) ra đời từ lúc nào, và đã làm gì ?
Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, là tổ chức ra đời tại Paris cuối năm 1975 để tập hợp sự đấu tranh bảo vệ Văn hóa Việt Nam và Nhân quyền, Dân chủ, mà Tạp chí Quê Mẹ, phát hành tại Paris tháng 2 năm 1976, là ngọn cờ đầu cho cuộc vận động quốc tế và liên kết năm châu của Người Việt hải ngoại. Hai tổ chức thuộc cơ sở Quê Mẹ là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển. Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển xướng xuất chiến dịch “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” tại Paris vào tháng 11 năm 1978, mà Tàu Đảo Ánh Sáng đã ra Biển Đông vớt người và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tị nạn trên Đảo Poulo Bidong, dẫn đầu cho một loạt những con tàu khác ở Đức, Ý Đại Lợi, Na Uy… đi vớt Người Vượt Biển. Đồng thời, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR, Vietnam Committee on Human Rights) cũng mở cuộc họp báo quốc tế đầu tiên tại Paris tháng 5 năm 1978 tố cáo chế độ Trại Tập trung Cải tạo và đàn áp nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam. Ủy ban đưa chế độ Cộng sản Hà Nội ra khiếu kiện trước LHQ ở New York ngày 30.4.1985 với một hồ sơ 500 trang tập họp lần đầu những cuộc đàn áp nhân quyền hung bạo của cộng sản trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, và tôn giáo, gây chấn động thế giới ; hoạt động phá án tử hình cho nhiều nhà hoạt động tôn giáo, nhân quyền, và việc trả tự do đông đảo tù nhân trại cải tạo ; bênh vực cho giới lao động tại các nước Đông Âu và Liên xô cũ ; cũng như có mặt thường niên tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để cập nhật hồ sơ nhân quyền Việt Nam, và tham gia đa số các Hội nghị Nhân quyền, Dân chủ trên khắp năm châu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét