A. Quán Âm Linh Cảm
Ở Orange County, trong giới Phật tử, có lẽ có rất nhiều người không xa lạ gì với Hoà Thượng Thích Đức Niệm vị trụ trì Phật Học Viện Quốc Tế ở thành phố Sepulveda, nay là North Hills. Hoà thượng Thích Đức Niệm đã viên tịch hơn 10 năm, nhưng đã để lại rất nhiều bộ kinh sách Phật Pháp ấn tống. Thật là một công đức rất lớn. Trong cuộc đời hành đạo từ Việt Nam qua đến Mỹ, Hoà Thượng đã ghi lại những chứng tích sự linh cảm của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, do đó Phật tử có thể cảm nhận được Phật lực đang luôn luôn che chở cho bản thân mình trong những khi khốn khó. Qua đó chúng ta có thể thấy bằng niềm tin về sự hiện hữu của chư Thánh Chúng từ Thế Giới Cực Lạc, luôn luôn có mặt và gần gũi với chúng sanh một cách rõ ràng. Sau đây là những dòng ghi nhận từ thủ bút của Hoà Thượng Thích Đức Niệm.
“ Vào năm 1957, tôi (Hoà Thượng Thích Đức Niệm) được phái đến Phan Rí thuộc quận Hoà Đa tỉnh Bình Thuận để chủ lễ và thuyết giảng trong dịp đại lễ Phật Đản. Ở đây, tôi được gặp ông Trúc Viên là một thành viên trong ban tổ chức đại lễ Phật Đản năm ấy.
Ông Trúc Viên là người học thức, tánh tình cương trực lại giàu lòng từ thiện hay giúp đỡ người nghèo. Đặc biệt là ông thường gần gũi con nít nhà nghèo, phân phát cho chúng kẹo bánh, nói chuyện chơi với chúng. Ông cũng là hiệu trưởng trường trung học Phan Rí, và sau này là Dân Biểu Quốc Hội thời Đệ Nhị Cộng Hoà.
Vào một buổi đàm đạo thân mật, ông Trúc Viên chỉ vào một vết thẹo lớn bằng muỗng canh nơi cổ họng dưới càm ông, rồi cười hỏi mọi người:
- Thưa quí vị! Quí vị có biết tại sao tôi có vết thẹo to này không? Vết thẹo này với sự tham gia trong ủy ban tổ chức Phật Đản hôm nay có một ý nghĩa liên hệ hết sức đặc biệt.
Rồi ông cười kể tiếp:
- Mẹ tôi vốn là một Phật tử thuần hành. Bà phụng thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát rất mực chí kính, đêm đêm hương đèn thành tâm khấn nguyện cho gia đình con cái đều được an lành, học hành thành đạt. Tôi thì trái lại không tin Phật trời gì ráo. Vì thế thỉnh thoảng chợt nghe những lời mẹ tôi quỳ lạy thành khẩn khấn nguyện trước bàn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, thì bụng tôi thầm cười với ý nghĩ: Đó là việc mê tín!
Thú thật quí vị! Chẳng nói dấu gì, tôi được học Tây, nên mang tinh thần khoa học sống rất thực tế. Do đó việc thắp hương khấn vái Phật trời đối với tôi là việc mê tín viễn vong, vì tôi đã được gởi trường dòng Thiên Chúa từ bé.
Thấy tôi ngang tánh, không có niềm tin Phật thánh thiêng liêng, mẹ tôi không bằng lòng, nhưng bà rất mực thương tôi, vì tôi là đưá con học khá nhất nhà, và tôi cũng lại tỏ ra thương mẹ nhiều nhất.
Có những bữa mẹ tôi bận việc, hoặc những ngày không được sạch mình, bà dịu ngọt nhờ tôi thắp hương bàn Phật dùm bà. Vì thương nể mẹ, không làm sợ mẹ buồn, nên tôi phải làm. Nhưng khi đốt hương cắm lên lư đồng, mắt tôi không nhìn thẳng tượng Bồ Tát Quán Âm mà hướng đi nơi khác, nên chẳng có dịp chú ý nhìn kỹ tượng Quán Âm mẹ tôi đang thờ trên bàn hình dáng màu sắc Ngài ra sao.
Tay tôi tuy cấm nhang vào lư, mà mắt tôi thì hời hợt nhìn nơi khác, cắm xong cũng chẳng chấp tay bái xá. Mẹ tôi thấy vậy đã nhiều lần mắng khuyên, nhưng tôi tánh nào vẫn nguyên tật nấy. Mẹ tôi kiên nhẫn, vẫn không nản lòng, cứ tìm cơ hội để nhờ tôi thắp nhang bàn Phật dùm bà. Tôi cũng vẫn làm, nhưng lòng không cảm nhận niềm tin tưởng vào nơi Bồ Tát.
Đến năm 1951, vì tôi tỏ ra chống Pháp mãnh liệt, nên chúng bắt tôi nhốt tù một thời gian, thuyết phục tôi hợp tác với chúng không được, sau đó chúng bịt mắt tôi rôì trói ké nẩy ức hai tay buộc ngược sau lưng đưa lên máy bay chở ra vùng rừng Liên Khu Năm, giữa khoảng hai tỉnh Phú Yên và Bình Định, và đạp tôi ra khỏi máy bay. Tôi rơi giữa hư không một đỗi, tiếp đó thân tôi đụng vào những thân cành cây, lộn nhào nhiều vòng rồi nằm sóng sượt trên mặt đất bất tỉnh. Liền đó bọn du kích Việt Minh nhảy đến đâm xối xả mấy nhát vào cổ tôi. Tôi sực tỉnh cố sức la to :”Xin các anh đưa tôi về gặp đồng chí chủ tịch chỉ huy của các anh. Tôi là Trúc Viên đây.”!
Nghe tôi la to có vẻ quả quyết quen thân với cấp trên của họ, nên họ dừng tay lại, thôi đâm vào cổ tôi nữa. Họ gạn hỏi tông tích tôi. Tôi nói rõ lý do tại sao tôi bị đạp ra khỏi máy bay, rớt xuống nơi đây, và tôi đuợc họ mở trói. Sau khi biết được nơi tôi đang bị rơi xuống là nơi nào, lanh trí tôi nói đúng tên vị chủ tịch Liên Khu Năm. Họ liền đưa tôi đến nơi băng bó vết thương nơi cổ họng, và tiếp đó theo lời yêu cầu của tôi họ đưa đến chiến khu, nơi đây tôi gặp bạn bè đang ở trong hàng ngũ Việt Minh chống Pháp.
Sau thời gian dưỡng bệnh, vết thương nơi cổ đã lành hẳn, các bạn khuyên tôi nên theo họ ở lại rừng gia nhập Mặt Trận Việt Minh Kháng Chiến chống Pháp. Nhưng tôi đã khéo chối từ, vì tôi biết rõ những người họ là công cụ của Cộng Sản đội lớp Việt Minh.
Nói đến đây ông Trúc Viên ngừng, hớp miếng trà rồi nói tiếp:
- Quí vị có biết khi tôi bị đạp ra khỏi máy bay rồi, lúc đó tinh thần tôi như thế nào không? Thưa thiệt, lạ thay! Lúc đó, tự nhiên tôi nhớ lại lời cầu nguyện của mẹ tôi hằng đêm mà bà thường niệm : ”Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát .” Liền đó, vô cùng kỳ diệu, hình ảnh đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện rõ trong óc tôi. Tự nhiên tôi liền tâm niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho con”.
Suốt thời gian khi bị đạp ra khỏi máy bay cho đến lúc thân tôi chạm vào thân cây, đất, đá, hình ảnh mẹ tôi đêm đêm quỳ trước bàn Phật khấn nguyện niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn và hình ảnh đức Bồ Tát Quán Thế Âm mà mẹ tôi thờ trên bàn lúc đó đột nhiên hiện lên rõ ràng trong tâm trí tôi. Từ đó, tôi thành tâm thầm nguyện Bồ Tát cứu độ cho tôi mau lành vết thương và sớm được trở về với mẹ. Quả thật chẳng bao lâu tôi được như ý nguyện.
Lúc đó, tôi khẩn thiết nguyện cầu Bồ Tát với cõi lòng vô cùng thành khẩn ăn năn, tự hận mình trước đây đã vô ý thức có những cử chỉ khinh thường ngạo mạn đối với vị Bồ Tát hằng cứu độ chúng sanh thoát khỏi hiểm nguy khổ nạn.
Thưa thật quí vị! Không dấu gì tánh tôi ngang tàng, nhưng sau trận thoát chết đó, tôi đã tin nơi sức oai thần linh cảm của Bồ Tát Quán Thế Âm cứu sống tôi. Nếu không có Bồ Tát linh thiêng cứu hộ, quí vị thử tưởng tượng xem, con người bị đạp ra khỏi máy bay từ trên cao giữa không trung, rồi rơi xuống lộn nhào đụng vào thân cây cuộn xoắn mấy vòng thế thì còn gì là tay chân mặt mũi ! Ấy vậy mà tôi được an toàn nguyên vẹn không bị gãy xương rách thịt. Chỉ nhờ vào một niệm thành tâm, tưởng nhớ đến Bồ Tát Quán Thế Âm. Thế mới thật là phép Phật nhiệm mầu!
Nếu không có trận thập tử nhất sanh đó, chắc tôi chưa có dịp tỉnh ngộ hồi tâm qui y đầu Phật, và có lẽ cũng chưa nhiệt tâm tham gia đại lễ Phật Đản hôm nay đâu!
Nói xong ông cười một cách thoải mái hả hê.
(Trích trong quyển Phương Pháp Cải Đổi Vận Mạng, trang 241, Chuyện Quán Âm Linh Cảm- HT Thích Đức Niệm Soạn Dịch)
Những câu chuyện Quán Âm Linh Cảm được kể lại rất nhiều trong mọi trường hợp khác nhau, trong mọi thời từ quá khứ đến hiện tại. Vì sự linh cảm mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, cho nên Phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa là phẩm thứ 25 được tách riêng ra làm kinh Cầu An cho mọi gia đình Phật tử mỗi khi có bịnh tật hay nạn tai hoặc trong những lúc kiện thưa... Mỗi đoạn trong Kinh này tương ưng với mỗi cách cứu khổ khác nhau. Thí dụ như trong kinh Phổ Môn có đoạn:
“Hoặc bị ác nhơn trục
Đoạ lạc Kim Cang sơn
Niệm bỉ Quán Âm lực
Bất năng tổn nhứt mao.”
dịch
“Hoặc bị người dữ rượt,
Rớt xuống núi Kim Cang.
Do sức niệm Quán Âm,
Một sợi lông không tổn.”
Trong Kinh Pháp Hoa Giảng Lục, do Hoà Thượng Thích Trí Nghiêm dịch, Ngài Thái Hư Đại Sư giải thích rằng đây là do lực niệm Quán Âm mà hành giả khỏi nạn té xuống từ núi cao. Bị người xô từ trên cao xuống khoảng cách như trên núi rơi hay trên máy bay hoặc trên những tầng nhà cao chọc trời, tình thế rất lâm nguy, mười phần là chết hết mười, không có hy vọng gì sống sót, dù có may mắn sống sót thì cũng thành phế nhân trọn đời; nhưng trong chốc lát, bỗng niệm Phật lực cầu cứu, thời tâm niệm này rất là mạnh mẽ, nên Bồ Tát Quán Thế Âm nghe được mà đến cứu vớt, ứng với lời của đức Phật Thích Ca nói với ngài Vô Tận Ý Bồ Tát:
“Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe danh Quán Thế Âm Bồ Tát này, một lòng xưng danh Quán Thế Âm, tức thời Quán Thế Âm Bồ Tát xem xét tiếng tăm kia đều đặng giải thoát.”
Sở dĩ tên là Quán Thế Âm, là vì vị Bồ Tát này năng quan sát thế gian, lắng nghe tất cả tiếng của chúng sanh đang kêu cứu, khổ não, cầu cứu vớt, thì Ngài khiến cho đều được thoát khỏi khổ nạn. Điều đó có được là do chúng sanh nhất tâm xưng danh thời mới chiêu cảm đến Ngài được. Bởi danh Ngài là tổng trì muôn đức của Bồ Tát, nên khi nhất tâm chuyên niệm thì hợp cùng bản thể bình đẳng pháp tánh, tương ưng với Báo Thân và Hoá thân của Phật vậy.
Như tâm phàm phu thường ở trong tán loạn do chấp tướng, trong lúc sợ hãi vì mất mạng cho nên phải buông bỏ hết bám tiếng niệm Phật tìm đường sống, vô tình đạt cảnh nhất tâm, do đó năng lực cứu khổ của Ngài Quán Thế Âm ứng hiện. Niệm Phật Nhất Tâm chính là lúc buông bỏ mọi sở chấp, khác xa với sự tập trung niệm Phật như mọi người thường lầm tưởng. Bởi vì bản tâm thanh tịnh của chúng sanh nguyên lai cùng với Phật không hai, vốn có thể tâm tâm tương ấn với nhau được, nhưng vì bị tham sân si ganh ghét khinh ngạo… cả thảy phiền não đó ngăn che khiến cho chúng sanh ngày càng xa Phật trí cơ hồ tuyệt mất. Do đó lúc bình thời nếu nhắc lại Phật tánh đó, thì chúng sanh tưởng như một điều gì lạ lùng chưa từng có, là vì họ không còn nhớ Tánh Phật năm xưa của chính mình. Chỉ đến những khi nào lâm vào đại nạn rất đổi nguy kịch, khổ đau đã tột độ, cứu viện vô phương, mất hết hy vọng, chỉ còn chờ chết thì chính giây phút này, mọi tham luyến đều dứt bỏ chỉ mong cầu mạng sống là điều duy nhất còn lại trong tâm trí, bấy giờ tiếng Niệm Phật mới thật sự nhập cùng với Bản Tâm thanh tịnh. Đem cái Bản Tâm Thanh Tịnh này cầu cứu Phật qua danh hiệu Quán Thế Âm thì tạo ra lực rất mạnh mẽ Bất Khả Tư Nghị và tức khắc được cứu độ.
Hơn nữa danh hiệu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát là do bổn Từ Bi nguyện lâu đời thệ hằng cứu vớt chúng sanh đang có khổ nạn. Tâm nguyện chúng sanh đang kêu cứu và tâm nguyện cứu vớt của Bồ tát gặp nhau tức thời có kết quả giải thoát vì Đức Quán Thế Âm đã là một vị cổ Phật lâu đời có danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nên phương tiện cứu khổ của Ngài thù thắng oai lực hơn các vị Bồ Tát khác.
Lại nữa tiếng tăm của chúng sanh có hai thứ: Một là tiếng kêu rên khổ não. Hai là thứ tiếng cầu cứu do vì khổ não mà ra. Nếu chỉ có tiếng kêu rên khổ não mà chẳng biết kêu gào cầu cứu, thì giữa chúng sanh và Phật không có cơ duyên tế độ. Thí dụ nước không trong sạch thì trăng trời do đâu mà hiện ảnh trong nước được? Còn nếu xưng danh hiệu Bồ Tát để cầu cứu, tức có thể đều được giải thoát. Đó là do nguyện Từ Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm nơi nơi chổ chổ đều cùng với tâm cầu cứu của chúng sanh gặp nhau vậy. Vì đó mà gọi tên ngài là Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.
B. Cực Lạc Thế Giới Ở Đâu
Vậy Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát từ đâu đến cõi Ta Bà này? Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát từ thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà đến đây. Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát là hai phụ tá đắc lực của Phật A Di Đà có nhiệm vụ giảng pháp yếu cho chư thánh Thanh Tịnh Đại Hải Chúng tại bổn quốc và còn phải phân thân vô lượng qua các thế giới trong 10 phương quốc độ cứu thoát chúng sanh. Người lợi trí thấy các Bồ Tát này tức biết có cõi Phật A Di Đà, cũng như trong những năm thời vua Tự Đức có rất ít người thấy được nước Pháp và rất nhiều người không biết có một nước Pháp trên thế giới, tuy nhiên khi có một người Pháp đi vào nước Việt Nam, thì bấy giờ mọi người mới tin là có nước Pháp ở đâu đó. Giống như câu nói, có khói tất phải có lửa trước đó. Đức Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát đến từ thế giới Cực Lạc thì chắc chắn có nước Cực Lạc. Có người hỏi nếu có nước Cực Lạc thì tại sao tôi không thấy và mọi người có ai thấy Thánh Chúng đến rước không? Thế là tự họ bài bác cho rằng không có nuớc Cực Lạc cuả Đức Phật A Di Đà, và cũng không có ai được vãng sanh. Thật ra không thấy không có nghĩa là không có. Có nhiều điều chung quanh chúng ta, nhưng chúng ta không thấy được mà nó có đó.
1. Thí dụ như gió, có ai thấy gió không? Kinh Thủ lăng Nghiêm nói tánh chất tứ đại chu biến trong khắp pháp giới, nếu không nhờ hiện tượng như lá cây bị gió thổi đong đưa hay chiếc lá bị gió cuốn thổi đi xa, hoặc sự va chạm ngọn gió vào mình thì có ai thấy được gió ở đâu. Chúng ta biết có gió là nhờ thấy có vật bay, cây cối nghiêng ngã, hay cảm giác va chạm vào thân mà biết là có gió vì gió vốn không màu sắc, không hình tướng, là sự chuyển động cuả áp suất từ cao đến thấp, nên mắt không thể thấy trực tiếp được. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tánh của đất, nước, lửa, gió chu biến khắp pháp giới, không nơi nào mà không có nó. Cứ một vi phân đất hay vi phân hơi nóng, hay vi phân nước đều có gió trong đó, và ngược lại gió ở đâu thì ba đại kia cũng ở đó. Nói cho dễ hiểu, tứ đại hiện hữu dầy đặc trong pháp giới. Thân ta là một loại tứ đại thô trược. Còn thân của Thần Thức là tứ đại tinh tế chính là nghiệp tướng. Gió trong thân Trung Ấm là gió nghiệp. Do gió nghiệp mà nghiệp lực được chuyển động phân phối trong thân Trung Ấm một cách thông suốt.
2. Thứ nữa là sự đau khổ. Có ai thấy cái đau khổ ở đâu không? Đối với người đang có đau khổ, dù chúng ta có mổ xẻ hay bươi móc ra từng xớ thịt nơi thân người đó thì cũng không bao giờ tìm ra được đau khổ ở đâu cả. Nhưng không thể nói rằng người đó không có đau khổ. Chỉ khi nào người đó tự nói ra, thì chúng ta mới biết chắc người đó bị đau khổ hay không. Cái đau khổ trước mắt mà không thể dùng mắt để thấy, thì làm sao thấy được những thế giới xa hơn?
3. Nóí về cái thấy. Thí dụ như có hai người cùng nhìn một quang cảnh ở xa. Nhưng cả hai người không thấy giống như nhau. Ngưòi này thấy hoàn toàn, người kia không thấy hết. Người kia thấy một vật đặc biệt, người này không thấy cùng vật đặc biệt đó. Do đó mà biết người này không thấy được cái thấy của người kia và ngược lại. Vậy cái thấy của mỗi người hiện hữu sờ sờ truớc mắt đó mà không ai thấy được cái thấy của ai khác. Muốn thấy được cái thấy của người khác thì chỉ có cách là hỏi lại người thấy và dùng sự hiểu biết mà thôi. Như thế tai, mũi, miệng, thân, ý thức của người này cũng không thấy biết được tai, mũi, miệng, thân, ý thức của người khác đựợc. Do đó mà biết nếu muốn dùng mắt nhục nhãn để thấy mọi sự thật trong Pháp Giới thì có rất nhiều sự thật mà mắt ta sẽ vĩnh viễn không thấy muôn đời. Do đó trong Kinh Kim Cang Phật còn nói đến bốn loại mắt khác dùng đó để soi chiếu Pháp Giới. Bốn mắt đó gọi là Thiên nhãn, Pháp Nhãn, Huệ nhãn, và Phật Nhãn. Nhãn lực của từng loại có mỗi giới hạn khác nhau. Chúng sanh khi tu hành đúng cấp bậc thứ tự trong Phật pháp tức sẽ tuần tự mở thông bốn nhãn siêu việt còn lại.
4. Người phàm phu có thể thấy được cảnh Cực Lạc không?
Đây là câu hỏi tương tự như câu hỏi về chổ Điạ Ngục của vua A Xà Thế. Trong Kinh Đại Niết Bàn, sau khi sám hối về tội âm mưu với Đề Bà Đạt Đa để hại Phật và tội sai người gọt chân giết chết phụ vương, vua A Xà Thế nghi ngờ về nghiệp lực do mình tạo, và cũng nghi ngờ sự hiện hữu của Điạ Ngục, nên mới hỏi Phật:
- Thưa Đức Thế Tôn! Ngài thuờng giảng về Địa Ngục, nhưng tôi không thấy có ai từ Điạ Ngục trở về, như thế làm sao tôi tin là có Địa Ngục. Kính xin Thế Tôn từ bi dùng phương chước nhiệm mầu để tôi một lúc nào đó thấy được Địa Ngục thì tôi vui mừng biết mấy?
Đức Phật mới bảo vua A Xà Thế:
- Này Đại Vương! Điạ ngục cũng như cảnh Tam giới đều có sẵn trước mắt chúng ta. Đại Vương không cần phải chờ đến lúc nào, mà ngay bây giờ cũng có thể thấy được. Muốn thấy được cảnh Điạ Ngục, thì Đại Vương hãy nhắm mắt lại và làm theo lời Ta hướng dẫn.
Vua A Xà Thế vâng lời dạy, truớc chổ Phật toạ,nhắm mắt theo lời chỉ dẫn của đức Thế Tôn nhập vào Thiên Nhãn Tịnh Quang Tam Muội, trong giây phút thấy được cảnh Địa Ngục trước mặt, những cảnh xử án, tù ngục, quỉ sứ hành hình tội nhân trong trăm ngàn cách khác nhau như được kể trong Kinh Điạ Tạng Bổn Nguyện, như móc ruột, kéo lưỡi tội nhân ra cắt bỏ, hoặc nhồi quết tội nhân trong cối xay, hoặc đâm chém đốt hơ tội nhân trên giường sắt… thảy đều thấy rõ. Trong lúc nhà vua đang đứng sững nhìn những cảnh hành tội tra tấn như thế thì có một chảo dầu đang sôi sùng sục xuất hiện bên cạnh, lại có hai con quỉ dữ chạy đến trước mặt vua A Xà Thế, nắm tay nhà vua mà nói:
- Nhà ngươi giết cha hại Phật nay phải vào chảo dầu sôi này cho lẹ!
Vua A Xà Thế kinh hồn, vụt tay ra nhưng không thoát, miệng la thất thanh:
- Đức Phật cứu con! Đức Phật cứu con! Đức Phật cứu con!
Đức Thế Tôn thu lại thần quang, vua A Xà Thế ra khỏi cơn thiền mộng, mà nuớc mắt sợ hãi và hối hận chảy đầy ra đất. Vậy cảnh Địa ngục ở đâu? Có xa chúng ta không? Dĩ nhiên về sự thì Địa ngục là nơi hành phạt tội nhân tất phải có nơi chốn xa hay gần, lớn hay nhỏ, tất phải có không gian và thời gian di chuyển. Nhưng về lý, thì Địa ngục chính là sự đau khổ nơi tâm, thời gian để hàn gắn lại đau khổ đó chính là thời gian bị xử phạt. Thế Giới Tịnh Độ cũng thế, về sự thì rất xa, nhưng mặt lý thì rất gần. Tuy gần nhưng phải có phương tiện thiện xảo ứng hợp với lời nguyện của Đức Phật A Di Đà thì mới thấy được. Phương tiện thiện xảo chính là sự thực hành Tín, Hạnh, và Nguyện như trong kinh Vô Lượng Thọ, đưc Phật Thích Ca giảng nói.
Kinh Bốn Mươi Tám Lời Nguyện, nguyện thứ bốn mươi hai của Đức Phật A Di Đà, nói rất rõ về ai có thể nhìn thấy được Thế Giới Cực Lạc và ai không thể thấy được Thế Giới Cực Lạc như sau:
“Nguyện bốn hai, các đồ nhựt dụng,
Quốc độ tôi thật đúng tinh minh.
Chói ngời hình sắc đẹp xinh,
Dù là Thiên Nhãn chẳng nhìn đặng đâu.”
(Kinh 48 Lời Nguyện)
Thiên nhãn là nhãn lực nhìn thấu được hết tất cả thế giới vật chất rất xa, rất nhỏ mà không cần có ánh sáng. Nhưng đối với Thế Giới Cực Lạc, không có một thiên nhãn nào có thể thấy được vì sự sáng chiếu của quốc thổ này có tầng số độ sóng rất cao che lấp mọi cái thấy biết của chúng sanh. Vì sao? Vì danh hiệu thứ muời hai của Phật A Di Đà là Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai, nghĩa là ánh sáng Phật này sáng hơn ánh sáng của mọi mặt trời và mặt trăng, và ánh sáng của mọi người dân xứ Phật này cũng sáng như Ngài, do đó mà Thiên nhãn còn không thấy được huống gì là nhục nhãn thì làm sao mà thấy được.
Nguyện hai bốn ánh quang minh chiếu,
Nơi đầu tôi tuyệt diệu rõ ràng.
Mặt trời cùng với mặt trăng,
Tuy là sáng tỏ chẳng bằng Phật quang.
(Kinh 48 Lời Nguyện)
Vậy những chúng sanh nào có thể thấy được Thế Giới Cực Lạc. Chỉ có hai truờng hợp thấy được cảnh giới Cực Lạc. Truờng hợp thứ nhất là do thần lực của Phật mà thấy được Thế Giới Cực Lạc, như trong kinh Vô Lượng Thọ, sau khi nghe Phật thuyết về công đức của Phật A Di Đà và Thánh Chúng, thì ông A Nan cùng đại chúng mới xin Phật chỉ ra nước Cực Lạc cho đại chúng thấy. Bấy giờ, đại chúng nương theo Phật lực mà thấy Đức Phật A Di Đà và Thánh Chúng chung quanh Ngài. Trường hợp thứ hai, cũng trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật Thích Ca bảo với đại chúng rằng những ai muốn thấy và muốn vãng sinh về Thế Giới Cực Lạc thì phải có đủ Tín, Hạnh, và Nguyện đồng thời còn phải tu Tam Phước khi thành tựu thì thấy được Phật A Di Đà.
Thế nào là tu Tam Phước? Đức Phật nói với bà Vi Đề Hi, mẹ của vua A Xà Thế:
- Này Vi Đề Hi! Người muốn sang nước Cực Lạc ấy nên tu ba phước:
* Một là tu đạo hiếu đối với cha mẹ, kính thờ bực Sư trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập Mười Nghiệp Lành.
* Hai là Qui Y Tam Bảo, thọ trì đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi.
* Ba là phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại Thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành.
Ba sự như vậy gọi là Tịnh Nghiệp (Nghiệp thanh tịnh tạo ra để vãng sanh Tịnh Độ).
Này Vi Đề Hi! Nay bà có biết chăng, ba tịnh nghiệp này là chánh nhơn tịnh nghiệp của tam thế chư Phật quá khứ, hiện tại, và vị lai.
5. Do đó không thấy cảnh Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà mà vội kết luận rằng không có cảnh Cực Lạc là một suy luận rất sai lầm nghiêm trọng. Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca nói có nước Cực Lạc, nhưng không phải ai cũng có thể nhìn thấy, dù các bậc Đại Tiên, Trời , thần có đủ cả năm thần thông cũng không thể nhìn thấy được nước Cực Lạc này. Đức Phật Thích Ca nói với ngài Xá Lợi Phất rằng: Từ đây về Tây Phương kia trải qua hết mười muôn ức Phật Độ, có một thế giới, gọi là Cực Lạc, cõi ấy có Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp.” Chữ Phật Độ là một khu vực giáo hoá của một đức Phật. Mỗi một Phật độ trung bình có một ngàn triệu thái dương hệ, gọi là một Tam Thiên Đại Thiên thế giới. Muôn là số 10 ngàn; ức là số 10 triệu. Đi hết 10 muôn ức Phật Độ, tức là đi hết một triệu tỷ Phật độ thì mới tới nước Cực Lạc. Đó là ước về sự mà nói. Còn về lý thì chỉ trong một niệm nhất tâm, thì tâm thức đã sanh về cảnh Cực Lạc rồi. Liên Tông Bảo Giám, quyển tám có câu:
Nhất niệm Di Đà Vô biệt Niệm
Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương
dịch
Một câu Di Đà không niệm khác
Chẳng nhọc khảy tay đến Tây Phương
Nhất niệm đây là muôn sự đều được buông bỏ chỉ nhớ Phật A Di Đà mà thôi, giống như trong cơn nạn tai sắp chết, tâm thức chỉ còn hy vọng được sự sống, nên buông bỏ hết, chỉ còn niệm Phật mà cầu cứu nên được Nhất Tâm. Vì Nhất Tâm nên tâm thanh tịnh nhập vào bản thể chư Phật, trong giây phút đó tín nguyện bền vững thì nhất định vãng sanh về cảnh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới của Phật A Di Đà.
6. Long Thọ Bồ Tát khuyên Niệm Phật
Trong Luận Đại Trí Độ, Ngài Long Thọ Bồ Tát có viết:
“Đức Phật là bậc Pháp Vương Vô Thượng, chư đại Bồ Tát là đại thần trong chánh pháp. Các vị đại thần trong chánh pháp chỉ tôn trọng các bậc Pháp Vương, do đó Bồ Tát phải nên niệm Phật…. Có các vị Bồ Tát, tự nghĩ nhớ về thuở xưa, phỉ báng pháp Bát Nhã, nên đọa vào đường ác. Dù trải qua vô lượng kiếp tu các hạnh lành khác, nhưng chưa được thoát khỏi. Về sau gặp Thiện Tri Thức chỉ dạy thực hành Niệm Phật Tam Muội, liền diệt trừ tội chướng, mới được giải thoát. Nay Tôi (Long Thọ Bồ Tát) xin qui mạng lễ Phật A Di Đà nơi Thế Giới Cực Lạc.”
Nói xong ngài Long Thọ Bồ Tát liền nói kệ:
“ Nếu người nguyện thành Phật,
Tâm niệm A Di Đà,
Tức thời Ngài hiện thân,
Nên con qui mạng lễ.”
Bồ Tát Long Thọ là sơ tổ đầu tiên cho Mật Tông và Thiền Tông Trung Quán. Một vị Bồ Tát vĩ đại, đi vào Long Cung lấy sao chép Bộ Hoa Nghiêm gồm 80 quyển (nay chỉ dịch và lưu hành chỉ có 40 quyển). Ngài cũng đọc thần chú ném hạt cải truyền cho các đại Thần giữ tháp lớn mở cửa tháp, Ngài đi vào lấy ra các Mật kinh để truyền dạy chốn nhân gian. Khi trước tác bộ Đại Trí Độ Luận để xiển minh nghĩa lý huyền diệu trong bộ Kinh Đại Bát Nhã thì Ngài làm bài kệ qui hướng về Phật A Di Đà. Đây cũng là một chứng tích về sự hiện hữu của đức Phật A Di Đà và Thế Giới Cực Lạc.
7. Lời nguyện Xin Vãng Sanh Về Thế Giới Cực Lạc của Phổ Hiền Bồ Tát:
Theo sự sắp xếp những bộ kinh quan trọng trong các thời kỳ kiết tập, thì kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh quan trọng và nòng cốt nhất trong các bộ kinh quan trọng trong Phật giáo. Bộ kinh nầy gồm 40 phẩm, mỗi phẩm nói lên ý nghĩa chân tướng pháp giới và những phương cách huyền diệu tu thành tựu trí tuệ, thần thông, và giải thoát ra khỏi phiền não nghiệp chướng của Bồ Tát đang trên con đường thực hiện Bồ Tát Đạo. Tuy nhiên chỉ có một phẩm duy nhất chỉ cách tu thành Phật mà 39 phẩm kia không hề nhắc đến. Đó là phẩm gì? Phẩm 40 có tên là Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Trong phẩm cuối cùng nầy, sau khi Thiện Tài Đồng Tử học hỏi 50 vị đại Bồ Tát, sau đó hội kiến với ngài Di Lặc Bồ Tát để học Duy Thức Đại Trí Pháp Môn thành thục tuỳ thuận tâm chúng sanh, rồi trở về trình bày chổ sở đắc cao siêu với thầy mình là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, mà cũng chưa biết cách nào để thành tựu được Bổ Tát Đạo. Bồ Tát Văn Thù bấy giờ mới khuyên ngài Thiện Tài Đồng Tử nên gặp ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Khi ngài Thiện Tài Đồng Tử đến ra mắt và đảnh lễ ngài Phổ Hiền Bồ Tát, thì ngài Phổ Hiền Bồ Tát mới khuyên ngài Thiện Tài Đồng Tử nên tu Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát thì thành tưụ Bồ Tát Đạo. Mười đại nguyện này không phải là 10 lời nguyện, mà chính là 10 pháp tu, tuy nhiên trong đó thì pháp tu thứ mười là Phổ Giai Hồi Hướng. Chính pháp tu Phổ Giai Hồi Hướng nầy đưa hành giả và các chúng sanh qui về cảnh Tây Phương Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà. Được như vậy, hành giả làm xong Bồ Tát Đạo và tức khắc thành Phật nơi cảnh giới Tịnh Độ. Vì vậy trong các khoá tu nhật tụng, các vị tổ sư lấy Phổ Hiền Thập Nguyện Vương và Phổ Giai Hồi Hướng để kết thúc thời kinh tụng, có rất nhiều Tăng, Ni hay Cư Sĩ thường không để ý đến:
Phổ Hiền Thập Nguyện Vương: (10 Pháp tu)
Nhứt giả Lễ Kính Chư Phật,
Nhị giả Xưng Tán Như Lai,
Tam giả Quảng Tu cúng dường,
Tứ giả Sám Hối Nghiệp chướng,
Ngũ giả Tuỳ Hỉ Công Đức,
Lục giả Thỉnh Chuyển Pháp Luân,
Thất giả Thỉnh Phật Trụ Thế,
Bát giả Thường Tuỳ Phật Học,
Cửu giả Hằng Thuận Chúng Sanh,
Thập giả Phổ Giai Hồi Hướng
Hồi Hướng:
Phúng kinh công đức thù thắng hạnh,
Vô biên thắng phước giai hồi hướng,
Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh,
Tốc vãng vô lượng quang Phật sát,
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
Nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu,
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,
Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo
Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh,
Bất Thối Bồ Tát vi bạn lữ,
Nguyện dĩ thử công đức,
Phổ cập ư nhất thiết,
Ngã đẳng dữ chúng sanh,
Giai cọng thành Phật đạo.
Bài Hồi Hướng trên đây thường được gặp trong các quyển kinh Nhật Tụng Phật giáo, nhưng thực ra bài Hồi Hướng nầy chính là bài Phổ Giai Hồi Hướng trong Phổ Hiền Thập Nguyện được viết lại một cách khác. Sau đây là bài Phổ Giai Hồi Hướng trong Phổ Hiền Thập Nguyện Vương từ kinh Hoa Nghiêm được trích ra một đọan nhỏ:
………………………………..
Tôi nay hồi hướng các căn lành,
Để được Phổ Hiền Hạnh thù thắng,
Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung,
Trừ hết tất cả các chướng ngại,
Tận mặt gặp Phật A Di Đà,
Liền được vãng sanh cõi Cực Lạc,
Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi,
Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này
Cả thảy tròn đủ không thừa thiếu
Lợi lạc tất cả các chúng sanh.
Chúng hội Di Đà đều thanh tịnh,
Tôi từ hoa sen nở sanh ra,
Thân thấy đức Phật Vô Lượng Quang,
Liền thọ ký tôi đạo Bồ Đề.
Nhờ Đức Phật kia thọ ký rồi,
Tôi hoá vô số vạn ức thân,
Trí tuệ rộng lớn khắp mười phương,
Khắp lợi tất cả chúng sanh giới.
Nhẫn đến hư không thế giới tận,
Chúng sanh, nghiệp, và phiền não tận,
Nhưng bốn pháp ấy không cùng tận.
Nguyện tôi rốt ráo hằng vô tận.
Cõi nước vô biên khắp mười phương.
Trang nghiêm các báu cúng dường Phật.
Sắm đồ an lạc thí trời, người,
Trải kiếp vi trần luôn cúng thí.
Nếu có người nơi nguyện vương này,
Một phen nghe liền sanh tín kính,
Mong cầu khát ngưỡng quả Bồ Đề.
Được công đức nhiều hơn tài thí.
Nhờ đây thường xa các bạn ác,
Thoát khỏi tất cả ba đường dữ.
Mau thấy đức Phật Vô Lượng Quang.
Đầy đủ nguyện Phổ Hiền tối thắng
Người này thọ mạng được lâu dài,
Trong loài người ở bậc tôn quí,
Người này không lâu sẽ trọn nên
Công hạnh như Phổ Hiền Bồ Tát
………………………………………………..
Như thế thì rõ ràng Phổ Giai Hồi Hướng trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương chính là Pháp Tu Hồi Hướng Trang Nghiêm Tịnh Độ Phật A Di Đà vì ngài Phổ Hiền Bồ Tát dạy cho chúng sanh và chính bản thân Ngài trước khi lâm chung thì được tận trừ mọi chướng ngại và tận mặt gặp Phật A Di Đà, rồi liền được vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Như thế đỉnh cao nhất của kinh điển Phật giáo là Kinh Hoa Nghiêm. Đỉnh cao kinh Hoa Nghiêm là Phổ Hiền Thập Nguyện Vương. Đỉnh cao Phổ Hiền Thập Nguyện Vương là Phổ Giai Hồi Hướng. Đỉnh cao của Phổ Giai Hồi Hướng chính là Vãng Sanh Cực Lạc quốc, tận mặt gặp Phật A Di Đà, được Phật thọ ký, tức một đời thành Phật! Vậy pháp tu Phổ Hiền Thập Nguyện Vương chính là pháp tu Niệm Phật Tam Muội, hay Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn.
Kinh điển Phật pháp là chứng nhân của lịch sử. Nếu không tin kinh A Di Đà hay thế giới Tịnh Độ thì cũng đừng nên sanh tâm phỉ báng Kinh Hoa Nghiêm, vì đó là một việc làm có hại cho bản thân mình và có hại cho người khác, không phù hợp với pháp tu Tứ Đế trong đó làm hư hoại pháp Tứ Chánh Cần của Ba Mươi Phẩm Trợ Bồ Đề. Sống trong cuộc đời nầy, Niệm Phật Vãng Sanh là một báu vật vô giá mà đức Phật truyền trao lại cho chúng sanh. Niệm Phật được thành Phật thì còn chi quí báu hơn, cũng như đức vua chỉ trao ngai vàng lại cho thái tử mà thôi. Những ai khinh chê hay bài báng pháp môn Tịnh Độ chính là những người hiểu biết quá nông cạn, giảng giải những điều có hại cho tự bản thân mà còn làm hại cho người khác. Tệ hại nhất là phá hoại tâm Đại Thừa của những Phật tử sơ cơ. Thay vì hướng dẫn họ phát Bồ Đề Tâm tu đại Pháp thì lại làm họ xa rời Tâm Bồ Đề, tu những tiểu Pháp như cầu phước cầu thọ, làm trở ngại chướng duyên cho con đường giải thoát thành Phật. Hôm nay mọi người sống trong thế giới của chiến tranh và thù hận, vậy một khi thảm hoạ chiến tranh xảy ra, vũ khí hủy diệt bay khắp mọi nơi, khói lửa mù mịt, súng đạn dầy đặc khắp nơi, sự sống chết không biết đâu mà tránh. Ngay như lúc đó, chúng ta nương tựa vào đâu? Hoặc khi thân đang sống tự nhiên phải chết, tâm trí còn mê muội, học đời học đạo học làm người vẫn chưa thành đạt, mà con đường đạo đức cũng chưa vững vàng, lúc đó chúng ta lấy gì để làm tư lương cho kiếp mai sau?
Chúng sanh chỉ còn cách nương nơi Lời Nguyện Thứ Hai Mươi Chín của Đức Phật A Di Đà rất thù thắng vì lời nguyện này có oai lực bất Khả Tư Nghị như sau:
Nguyện hăm chín, Nhơn Thiên mười cõi,
Nếu dốc lòng ra khỏi bến mê.
Hiệu tôi thập niệm chuyên bề,
Lâm chung sẽ đặng sanh về Lạc Bang.
Trừ những kẻ hung tàn hổn tạp,
Cùng những người Phật pháp dễ khinh.
Ai mang tội ấy vào mình,
A Tỳ địa ngục thọ hình chung thân.
(Kinh 48 Lời Nguyện)
Huệ Lộc kính bút,
9/04/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét