Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 12-7-2018 Thông cáo chung của hai tổ chức FIDH & VCHR : Việt Nam phải chấm dứt đàn áp và cam kết cải cách pháp lý theo tiêu chuẩn LHQ trước cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ Quát (UPR) lần thứ 3


PARIS, 12 tháng 7 năm 2018 (VCHR) – Các quốc gia thành viên LHQ cần áp lực chính quyền Việt Nam chấm dứt tức khắc các cuộc đàn áp khốc liệt giới bất đồng chính kiến và cam kết thực thi việc cải cách pháp lý theo tiêu chuẩn LHQ trước  cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và thành viên Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) tuyên bố trước công luận hôm nay.
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) cất lời kêu gọi nhân dịp hai tổ chức đệ nạp LHQ hồ sơ nhân quyền chung cho cuộc Kiểm điểm UPR lần thứ 3 của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genève vào tháng Giêng năm 2019.
 “Các quốc gia thành viên LHQ cần nhân dịp Kiểm điểm UPR nói lên sự quan tâm khẩn thiết trước sự kiện Việt Nam sử dụng các điều luật có tính đàn áp, trừng phạt, những cuộc bắt giam tuỳ tiện, những phiên toà phi pháp, cũng như những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam. Trong thời gian trước cuộc Kiểm điểm UPR sắp tới, Cộng đồng thế giới phải tiếp tục lên tiếng kêu gọi trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị”, Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, Debbie Stothard, nhận xét.
Hồ sơ đệ nạp LHQ của hai tổ chức ghi rõ sự thất bại của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc thực thi những khuyến cáo đề xuất tại cuộc Kiểm diểm UPR lần trước vào tháng 2 năm 2014. Chẳng những thế, nhà cầm quyền Việt Nam còn tiếp diễn các cuộc đàn áp mọi nhân quyền cơ bản trong 4 năm qua, thông qua việc bắt cầm tù những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Giữa tháng 2 năm 2014 cho đến tháng 7 năm nay, 2018, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã thu tập 160 trường hợp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động ôn hoà bị kết án tù lên tới 15 năm tù giam qua các phiên toà không theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nói rằng : “Những khuyến cáo trên lĩnh vực nhân quyền trọng yếu của các quốc gia thành viên LHQ, là thông điệp mạnh mẽ gửi tới nhà cầm quyền Hà Nội để Hà Nội biết rằng những vi phạm nhân quyền không thể nào che giấu mãi, và Cộng đồng thế giới còn tiếp tục đòi hỏi cho sự cải tiến qua cuộc cải cách thể chế và pháp lý”.

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nhận xét rằng kể từ cuộc Kiểm điểm UPR lần trước, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thoái hoá trên một số lĩnh vực quan yếu.
Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực vào tháng Giêng năm 2018, Việt Nam đã không chịu bãi bỏ các điều luật mơ hồ trong chương “an ninh quốc gia”. Mà còn thêm vào chương tội phạm “an ninh quốc gia”, điều 113 về tội “khủng bố chống Nhà nước” có thể dẫn tới án tử hình. Việt Nam chẳng có nỗ lực nào hạn chế số lượng các tội phạm bị tử hình cũng như “các trọng tội”, nhằm tuân thủ Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Các cuộc hành quyết vẫn tiếp tục trong những năm qua, và nhà cầm quyền vẫn tiếp tục đặt sự thống kê tội tử hình như “bí mật quốc gia”.
Đối với tự do biểu đạt và tự do ngôn luận, nhà cầm quyền gia tăng đàn áp các nhà báo, người sử dụng Internet, các bloggers. Trái với những khuyến cáo đưa ra trong kỳ Kiểm điểm UPR lần trước, Luật Báo chí chẳng hàm chứa những điều luật cho phép báo chí độc lập hay tư nhân. Chẳng những thế, còn cấm đoán những thông tin bị xem như phê phán chính quyền.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã không thực thi những khuyến cáo kêu gọi tháo gở các chướng ngại quan liêu và hành chính làm cản trở sự thụ hưởng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của người dân. Hơn nữa, Việt Nam còn thông qua Luật Tôn giáo mới, tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với tôn giáo, đồng thời luật-pháp-hoá sự xâm phạm của nhà nước vào lĩnh vực hoạt động tôn giáo.
Đối với tự do lập hội và tự do biểu tình ôn hoà, các hoạt động hội đoàn tiếp tục bị nhà nước kiểm soát. Biểu tình ôn hoà bị giới hạn nghiêm trọng và nhà cầm quyền tiếp tục sử dụng điều 245 trong Bộ Lật Hình sự (nay đổi thành điều 318) về “gây rối trật tự công cộng” để bắt giam, xử án, và bỏ tù những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền nổi danh, vì họ hành xử chính đáng quyền tự do biểu tình ôn hoà. Một Thông tư mới cho phép công an dàn binh bố trận để “ngăn cản sự phá rối trật tự công cộng” và bắt giam “thành phần đối lập”.

———————–
Liên lạc báo chí:
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH): Bà Maryna Chebat (riếng Pháp và Anh) – Đt: +33648059157 (Paris)
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH): Ông Andrea Giorgetta (tiếng Anh) – Tel: +66886117722 (Bangkok)
Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR): Bà Penelope Faulkner (tiếng Việt, Anh và Pháp) – Tel: +33611898681 (Paris)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét