Năm 1968, mặc dầu đất nước đang chiến tranh, gia đình tôi, nhất là đám trẻ con như tôi, vẫn rộn ràng chuẩn bị đón Tết trong không khí đầm ấm, đậm đà truyền thống dân tộc.
Cậu tôi làm việc tại phòng Chiến Tranh Chính Trị Quân đoàn 1, vì có phiên trực nên không thể về Huế đón Tết với gia đình được. Cậu tôi ở lại ăn Tết với gia đình tôi ở Đà Nẵng. Nhà tôi ở gần cây xăng Shell. Từ đây lên Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 1, chỉ cần chạy xe Honda 15 phút là đến. Cậu tôi nói phía Việt Cộng đã đồng ý hưu chiến để người dân mọi nơi có thể đón Tết dân tộc an lành.
Tôi còn nhớ đêm giao thừa năm đó cậu tôi đã cho nổ những viên pháo của quân đội dùng làm lựu đạn tập trên thao trường. Tiếng nổ của những viên pháo này “ác liệt” gấp mấy lần những viên pháo tống ba tôi mua trên phố.
Tuy nhiên khi chúng tôi vừa chuẩn bị vào giường ngủ thì cậu tôi và ba tôi phát hiện những tiếng nổ lạ vẫn kéo dài sau khi dứt tiếng pháo giao thừa. Sau khi nghe ngóng một lúc cậu tôi bảo với ba tôi chắc chắn Việt Cộng đã tấn công vào Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 1. Cậu tôi hấp tấp mặc quân phục và phóng xe Honda ra khỏi nhà. Tuy nhiên khoảng 1 tiếng đồng hồ sau cậu tôi quay lại và báo cho ba tôi biết là đang đánh lớn chung quanh vành đai Bộ Tư Lệnh. Cả phi trường Đà Nẵng cũng bị tấn công. Đêm hôm đó ba tôi thức với cậu tôi cho đến sáng.
Sáng ngày mồng một Việt Cộng rút chạy khỏi khu vực Bộ Tư Lệnh, cậu tôi vào trình diện đơn vị. Thế là không còn Tết nhứt gì nữa. Không liên lạc gì được với đại gia đình ở Huế.
Ngày mồng hai Tết chúng tôi nhận được tin thành phố Huế đã bị Việt Cộng tràn ngập. Bên nội và bên ngoại của tôi đều sống ở Huế. Ba mẹ và cậu tôi như ngồi trên đống lửa.
Ngày mồng ba Tết tôi thức dậy và phát hiện một người cậu khác của tôi cũng là sĩ quan quân đội đang nằm ngủ như chết trong nhà. Mẹ tôi nói, Việt Cộng đã chiếm Huế, nhưng cậu tôi may mắn giả dạng phụ nữ, chạy bộ dọc theo bờ biển vào đến được Đà Nẵng an toàn.
Lúc đó tôi chỉ là một đứa con nít. Tuy nhiên thái độ âu lo của ba tôi, cậu tôi và việc cậu tôi phải chạy trốn bỏ lại cả gia đình ngoài Huế, chứng tỏ Việt Cộng phải là những con người ác độc ghê gớm lắm mới làm cho mọi người lo sợ đến như vậy.
Không lâu sau đó tôi đã hiểu được lý do vì sao người ta sợ Việt Cộng.
Khi thành phố Huế được “giải phóng”, thì cũng là lúc tiếng khóc than thảm thiết của người dân Huế có thể nghe ở khắp mọi nơi. Hầu như gia đình nào ở Huế cũng có người thân bị “cách mạng” mời đi họp rồi mất tích luôn. Có người biết thân nhân của mình đã bị giết, mà không dám khóc lóc, than thở gì. Khi thấy lính quốc gia vô, lúc đó mới được tự do mà than khóc.
Nhà dì tôi, vợ góa của cố trung tá thiết giáp HĐH, bị Việt Cộng đột nhập. Trong hơn ba tuần dì tôi phải sống chung nhà với một toán Việt Cộng. Ba lần dì tôi bị bọn Việt Cộng mang ra trói vào gốc cây trong vườn định bắn, nhưng không hiểu vì sao cuối cùng chúng tha dì tôi. Tuy nhiên dì tôi tuy sống mà đã chết. Sau đó dì tôi bị những chấn thương tinh thần nặng nề không bao giờ hồi phục được nữa.
Một người cậu khác của tôi sống ở Gia Hội bị Việt Cộng đến nhà mời đi họp. Người cậu này chỉ là họa sĩ, chứ không phải sĩ quan quân đội như các cậu khác. Đêm mồng mười Tết, một toán Việt Cộng đến nhà mời cậu tôi đi họp với “ủy ban nhân dân cách mạng.” Cậu tôi mạnh dạn từ biệt vợ con ra đi vì tin rằng mình không phải là bên quân đội hay cảnh sát gì. Cậu tôi ra đi và không bao giờ quay trở lại.
Khi những mồ chôn tập thể các nạn nhân của Việt Cộng được khai quật, mợ tôi cùng con cái chỗ nào cũng tới tìm, may ra có nhận dạng được thi hài của cậu không. Tuy nhiên trong thâm tâm mợ tôi vẫn hy vọng rằng cậu tôi chưa chết.
Mãi đến khi người ta phát hiện thi hài của mấy ông bác sĩ người Đức của trường Đại học Y khoa Huế, thì mợ tôi mới thất kinh. Mấy ông bác sĩ người Đức đến Việt Nam giảng dạy cho sinh viên mà còn bị Việt Cộng giết, huống chi cậu có nhiều anh em là sĩ quan quân đội. Nhưng xác cậu tôi vẫn chưa tìm thấy.
Cuối tháng tư năm đó, mợ tôi không biết linh tính thế nào, một hôm đang ngồi trong nhà bỗng nhiên đứng dậy đi ra sau vườn. Cậu mợ tôi có một khu vườn cây ăn trái rất rộng. Chăm sóc khu vườn một tay cậu lo. Mợ ít khi nào đi quá đám rau xanh gần sát hông nhà.
Hôm đó khi thủng thỉnh đi ra vườn sau, bỗng nhiên mợ nhìn thấy một chiếc dép của cậu. Mợ tôi nhớ rõ đêm hôm bị ‘cách mạng’ mời đi họp, cậu mang đôi dép đó. Tuy nhiên nếu cách mạng mời đi họp thì cậu phải đi ra phía cổng nhà chứ làm sao lại có chiếc dép ở cuối vườn. Mợ tôi la thất thanh. Mọi người chạy đến và bắt đầu đào bới. Chỉ năm phút sau người ta tìm thấy xác cậu bên cạnh gốc mấy cây chuối cau. Xương sọ của cậu bị đập vỡ nát, xác nằm úp sấp xuống mặt đất, vùi sơ sài trong một hố đất nông.
Cậu tôi chỉ là một trong số hơn 5000 người dân Huế bị chính những người đồng bào của mình, nhân danh ‘cách mạng’ trói ké bằng đủ mọi loại giây dợ, giết chết bằng đủ loại vũ khí, vùi lấp trong đủ mọi tư thế, còn tệ hơn người ta giết và chôn gia súc.
Trả lời một cuộc phỏng vấn tại Pháp vào năm 1997, một nhà văn Việt Nam là Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói về vụ thảm sát đồng bào Huế như sau: “Mậu Thân đã xẩy ra cách đây gần 30 năm. Sách vở, tài liệu đã được công bố từ nhiều phía của cuộc chiến, khá đầy đủ, có thể làm cơ sở cho những phân tích khoa học để giải phẫu một cuộc chiến mà thật ra, không thể đơn giản tách riêng ra trong biến cố Mậu Thân. Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng. Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ, từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải một chính sách toàn cục của cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xẩy ra ở những địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy.”
Ông Tường đã đưa ra lời nhận định nói trên sau khi tìm cách trích dẫn những bằng chứng cho thấy rằng ông không có mặt trong đoàn quân Việt Cộng chiếm đóng thành phố Huế năm 1968. Ông Tường khẳng định là ông không hề giết ai ở Huế với lý do lúc đó ông đang ở trên núi!
Tuy nhiên trong cuốn phim tài liệu “Việt Nam Thiên Lịch Sử Truyền Hình” chính ông Tường đã nói rằng: “Quân đội cách mạng phải làm như vậy để những phần tử có nợ máu với nhân dân không còn thực hiện được tội ác nữa.”
Tuy nhiên trong cuốn phim tài liệu “Việt Nam Thiên Lịch Sử Truyền Hình” chính ông Tường đã nói rằng: “Quân đội cách mạng phải làm như vậy để những phần tử có nợ máu với nhân dân không còn thực hiện được tội ác nữa.”
Tôi tin rằng những lời ông Tường trả lời phỏng vấn ở Pháp là hoàn toàn giả dối. Có lẽ ông Tường đã nói như trên khi trên đầu đã hai thứ tóc, và có thời gian để suy gẫm lại về con đường cách mạng ông đi qua, về những tội ác mà ông đã nhúng tay vào, nhân danh một người con xứ Huế yêu nước thương nòi.
Hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan và Hoàng Phủ Ngọc Tường là bạn văn chương của ba tôi, khi họ đang học trung học với nhau ở Huế. Ba tôi nói giai đoạn từ 1945 đến 1955 ở Huế phong trào âm nhạc, văn chương phát triển rất mạnh trong giới sinh viên học sinh Huế. Theo đó là tinh thần chống Pháp cũng rất mạnh. Ba tôi nói ông quen hai anh em Phan và Tường qua các sinh hoạt văn nghệ và hướng đạo. Tuy nhiên từ khi ba tôi quyết định theo học sư phạm và vào Quảng Nam làm nghề gõ đầu trẻ thì họ không còn liên lạc với nhau nữa.
Sau này khi tôi hỏi ba tôi rằng liệu những người như Phan và Tường, những học sinh sinh viên yêu văn chương âm nhạc thời đó có thể trở thành những kẻ giết người không gớm tay như lịch sử cáo buộc hay không. Ba tôi suy nghĩ một lúc lâu, rồi trả lời: “Ba tin rằng người Cộng Sản có thể làm tất cả mọi điều. Nếu người cuồng tín có thể giết người vì lý do tôn giáo và tin rằng họ được Thượng đế tha tội, thì những người Cộng Sản cũng vậy. Cách mạng đối với những người Cộng Sản còn thiêng liêng hơn tôn giáo nhiều.”
Ba tôi bảo tôi hãy hỏi thêm ông ngoại và ông nội của tôi về những kinh nghiệm của họ đối với bản chất sắt máu của Cộng Sản. Nhớ lại những gì tôi nghe được từ ông nội và ông ngoại của tôi, tôi tin lời phát biểu của ông Tường trong cuốn phim tài liệu Việt Nam Thiên Lịch Sử Truyền Hình là đường lối chính thống của những người Cộng Sản Việt Nam.
Trước năm 1945, ông ngoại tôi là một nhà giáo nổi tiếng đức độ ở làng Sịa, một làng quê không xa thành phố Huế lắm. Ông ngoại tôi nói tiếng Pháp như người Pháp. Nhưng ông tôi cũng nói rằng người Pháp rất ác độc với người Việt kể từ khi họ đến xâm lược và chiếm đóng Việt Nam. Do đó việc người Việt giết người Pháp là không có gì để hối hận. Tuy nhiên những người Cộng Sản cũng không hề chùn tay khi phải hạ sát những người cùng dòng máu đỏ da vàng nếu họ cho rằng những người này theo Tây và chống lại cách mạng.
Vào những năm 1945 trình độ dân trí của người Việt rất thấp do chính sách cai trị của người Pháp, đặc biệt là tại vùng nông thôn. Thêm vào đó là đời sống cực kỳ nghèo khó của nông dân khiến Cộng Sản phát triển ở vùng nông thôn như nấm độc gặp đất lành.
Ông tôi nói để hạn chế đến mức tối đa việc những người Việt Nam hợp tác với Pháp, Việt Minh đã áp dụng chính sách giết chóc thật tàn bạo những người mà họ gọi là Việt gian để làm cho mọi người đều sợ không dám bắt tay với Pháp.
Ban ngày thì Việt Minh ở trên núi, nhưng ban đêm thì mò về làng để kiếm thức ăn, để vận động quần chúng và để sát hại kẻ thù. Vì thế nhà nào có nuôi chó đều bị Việt minh bắt và ăn thịt hết, hay khuyến cáo gia chủ giết thịt nếu không muốn bị mang họa vào nhà. Thời đó, theo ông ngoại tôi kể, thì làng nào cũng có một mõ làng để báo động mỗi khi có biến.
Không có chó, ban đêm ở các làng quê Việt Nam đắm chìm trong bóng tối và sự im lặng đến nghẹt thở. Mỗi khi có tiếng mõ làng vang lên thất thanh, người nào trong làng cũng sợ đến tím người. Việt Minh về làng! Sáng hôm sau thế nào cũng có vài ba cái xác người bị chặt đầu lìa khỏi cổ, hay bị chặt làm ba khúc bằng mã tấu, xác nằm phơi trên những vồng khoai hay sắn.
Cứ như thế những cảnh tượng giết chóc kinh khủng như thế ăn sâu vào tâm khảm của người dân, khiến họ có một nỗi sợ đến tê liệt khi nói đến Việt Minh không phân biệt Việt Gian hay người dân vô tội.
Ngay trước ngày toàn quốc kháng chiến 20/12/1946, ông tôi kể trước khi rút vào các chiến khu Việt Minh đã có những đợt tàn sát kinh khủng tại những vùng mà họ kiểm soát. Tất cả những người mà họ cho là Việt gian, hay không có cảm tình với Việt Minh đều bị các cán bộ răng hô mã tấu của Việt Minh giết hết. Cán bộ được học tập rằng không thể nương tay với kẻ thù của cách mạng. Việc giết chóc vừa làm tiêu hao sinh lực của kẻ thù vừa làm người dân sợ hãi không dám hợp tác với Pháp.
Ông ngoại tôi kể thời đó ở Sịa có một tên đầu trộm đuôi cướp tên là Bía*. Nhà nào cũng bị hắn trộm cắp thứ này hay thứ khác. Ông ngoại tôi có một người em gái. Bà này có người chồng làm an ninh trong ngành đường sắt của Việt Minh ở Quảng Bình. Trước ngày rút đi kháng chiến, ông em rể đưa cho ông ngoại tôi một khẩu súng lục. Có lẽ biết trước sẽ có biến, cho nên ông này bảo ông ngoại tôi phải giữ lấy để phòng thân. (Ông em rể này sau bị giết trong đợt thanh trừng năm 1953 ở miền Bắc, và em gái của ông ngoại tôi được Đảng gả cho một cán bộ công an khác).
Ông ngoại tôi cả đời chưa hề cầm khẩu súng, chỉ cười và nhận cho ông em rể vui lòng. Tuy nhiên nghe lời ông em rể, ông ngoại tôi cũng để khẩu súng không có đạn dưới gối khi đi ngủ. Ngay trong đêm Hồ Chí Minh đưa ra lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến, thằng Bía nhảy hàng rào và xách mã tấu lẻn vào nhà ông ngoại tôi và mon men đến gần tấm phản nơi ông ngoại tôi nằm. Không ngờ ông tôi vẫn đang thức giấc. Biết thằng Bía có ý định giết ông, ông ngoại tôi đưa thẳng khẩu súng nhắm vào người thằng Bía và bảo hắn phải rời khỏi nhà ông ngay nếu không sẽ bị bắn vỡ sọ.
Thằng Bía hoảng hồn chạy biến ra khỏi nhà ông ngoại tôi và đi theo kháng chiến luôn từ đó. Nghe đồn hắn đã chết trong chiến khu.
Trong khi đó bà ngoại tôi mắc kẹt ở Quảng Bình.Gia đình ông ngoại tôi có một đồn điền. Tất cả mọi người đều sống ngoài đó, chỉ có ông tôi ở Huế đi dạy học. Mẹ tôi kể rằng khi Hồ Chí Minh tuyên bố toàn quốc kháng chiến, quân Pháp tại một số vùng có lực lượng Việt Minh mạnh đã rút về Huế. Buổi chiều một sĩ quan Pháp đi ngang qua làng thấy bà ngoại tôi có bầu sắp sinh đã nói với bà ngoại rằng quân đội Pháp sắp rút về Huế vì Việt Minh sắp đến vùng này. Nếu bà ngoại tôi muốn ông ta sẽ cho xe đưa cả gia đình về Huế. Tuy nhiên bà ngoại giải thích với mẹ tôi rằng bà không muốn trả lời ông sĩ quan Pháp vì sợ tai mắt của Việt Minh. Nếu ông sĩ quan không đến đúng đêm hôm đó, thì Việt Minh có thể sẽ giết bà vì thấy bà nói chuyện với lính Pháp.
Bà ngoại tôi ở lại và mất sau đó ít lâu vì sinh khó mà không có bà đỡ. Mẹ tôi cùng mấy anh chị em khác được người làng giúp đỡ thuê thuyền ngược đường vào Huế đoàn tụ với ông ngoại. Dân làng chôn bà ngoại tôi dưới gốc một cây đa lớn đầu làng. Năm 1977 ông ngoại tôi ra Quảng Bình tìm mộ bà ngoại, đem nắm xương tàn của bà ngoại về ngồi lau chùi cẩn thận để an táng lại. Nhìn cảnh đó mọi người không ai cầm được nước mắt.
Ông nội của tôi người ở làng Hà trữ, Thừa Thiên. Ông tôi là một thợ máy xe hơi rất giỏi vào thời đó và lại giỏi võ nên được tuyển vào làm tài xế trong hoàng cung của vua Bảo đại. Ông nội tôi đã nhiều lần lái xe cho vua Bảo Đại và có khi còn theo vua Bảo Đại đi săn voi ở Ban Mê Thuộc. Bà nội tôi thì làm người giúp việc trong bếp của hoàng cung.
Ông nội tôi kể vào thời điểm đó ông nội tôi từ Huế về thăm làng ở Hà trữ, và không về lại Huế kịp trước ngày toàn quốc kháng chiến. Trong đêm toàn quốc kháng chiến đó rất nhiều người trong làng ông tôi đã bị Việt Minh giết dã man. Có người còn bị đóng cọc tre xuyên từ hậu môn lên tới cổ. Đa số bị giết bằng cách chặt đầu hay chém đứt thân thể thành hai hay ba khúc. Ông tôi nói rằng vào thời đó vũ khí thông dụng của cán bộ Việt Minh ở làng quê là những cây mã tấu to và bén ngọt. Họ chém người không biết gớm!
May nhờ có người em họ theo Việt Minh nhưng không đến nỗi đoạn tình anh em báo cho biết, ông nội tôi kịp thời giả làm phụ nữ thuê người chèo một chiếc ghe theo sông Hương ngược đường trong đêm tối về lại Huế. Trên đường đi nhiều lần bị cán bộ Việt Minh đi tuần phát hiện, nhưng nhờ người chèo ghe lanh trí nên ông nội tôi thoát. Ông nội tôi nói rằng nếu không nhờ người bà con báo trước thì ông đã chết không toàn thây trong cái đêm toàn quốc kháng chiến đó.
Những hành vi tàn sát thiếu nhân tính của những người Cộng Sản Việt Nam không chỉ đơn thuần là những việc bắt buộc phải làm trong hoàn cảnh chiến tranh. Trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn vừa qua những người Cộng Sản đã chiến đấu với một ý thức hệ Cộng Sản chứ không phải chỉ đơn thuần là một cuộc chiến chống ngoại xâm để thống nhất đất nước. Họ muốn đất nước được thống nhất thì ít mà mơ xây dựng thiên đường Cộng Sản thì nhiều. Do đó những hận thù giai cấp cũng đã được thể hiện trong những hành vi giết người dã man của họ.
Không có một dân tộc nào trên thế giới có một truyền thuyết đầy ý nghĩa về sự hình thành của dân tộc mình như người Việt Nam. Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu cơ, sinh trăm trứng đẻ trăm con khẳng định rằng người Việt dù ở nơi đâu, dù xuất xứ thế nào, đều là anh em ruột thịt.
Nhưng nếu là anh em ruột thịt, dù xung đột đến mức nào, người ta cũng không thể nào giết nhau dã man như đã giết nhau từ những năm 1945 đến năm 1968 và đày đọa nhau đến tận cùng như sau năm 1975. Phải chăng kể từ khi tuyên thệ dưới lá cờ búa liềm của đảng Cộng Sản, một số người đã hoàn toàn không còn là “đồng bào” của chúng ta?
Nếu ai đã từng ở lại Việt Nam sau ngày 30/4/1975 hẳn còn nhớ những đêm ngay sau ngày “cách mạng” vào thành phố. Không điện, không đèn, cả thành phố đắm chìm trong bóng tối và một sự im lặng đến kinh khủng. Không có hát hò, diễn hành mừng “giải phóng” như những lời mô tả dối trá trong sách báo Cộng Sản.
Tôi còn nhớ đêm 29/3 khi Đà Nẵng rơi vào tay Cộng Sản. Một đêm tối và im lặng đến ghê người. Tôi đã đủ lớn để chia xẻ cùng ba mẹ tôi những nỗi lo âu. Tôi nghe ba tôi thì thầm căn dặn mẹ tôi những điều phải làm nếu không may ngày mai ông bị chính quyền cách mạng đến mời ‘đi họp’.
Không có một cuộc tắm máu như người ta đã dự đoán khi Cộng Sản vào thành phố. Vì sao? Vì họ đã toàn thắng. Giờ đây cả một dân tộc đã nằm trong tay họ, và họ không còn mối lo người dân sẽ hợp tác với kẻ thù nữa. Do đó không cần phải giết chóc như năm 1968 khi phải vội vã rút đi vì chiến bại. Nhưng những người Cộng Sản đã cấy được nỗi sợ hãi kinh khủng vào trí óc của những người dân Việt. Nỗi sợ hãi bị giết, bị ngược đãi đã làm cho cả một dân tộc tê liệt vì sợ, mất hoàn toàn sức đề kháng dù biết rằng mình đang bị cai trị bởi một chế độ vô nhân.
Sau này tôi biết có một nhân vật ở miền Nam mà Việt Cộng rất căm thù. Đó là vị chỉ huy của nhà tù Côn đảo. Theo Cộng Sản thì vị này tội đáng tru di tam tộc. Tuy nhiên sau ngày 30/4 họ vẫn để người này sống cuộc đời còn lại trong bình yên. Một người họa sĩ như cậu tôi mà bị đập vỡ sọ chết, trong khi vị chúa đảo nói trên thì lại được sống. Quý vị có nghĩ ra được sự đểu cáng đến tận cùng của những người Cộng Sản hay không?
Ngày 17/05/1991 chiếc thuyền nhỏ chở 53 người tị nạn Cộng Sản, trong đó có tôi, cập bến Hongkong. Sau đó tất cả được đưa về giam giữ tại trại tị nạn Shek Kong. Hai ngày sau tôi có giấy gọi lên gặp trại trưởng là một viên đại úy cảnh sát. Tôi sợ đến tái mặt. Mọi người trong lều của tôi cũng sợ dùm cho tôi. Ai đã từng sống dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam mà không sợ chính quyền, sợ công an và cảnh sát?
Đón tôi trong văn phòng là một viên đại úy người Anh cao lớn trong bộ đồng phục cảnh sát Hongkong. Viên đại úy có khuôn mặt phúc hậu và nụ cười tươi mời tôi ngồi và cám ơn tôi đã giúp cảnh sát Hongkong trong tư cách một người phiên dịch cách đó 2 ngày. Hôm đó Hongkong bị tràn ngập bởi người tị nạn từ Việt Nam và trong hơn 600 thuyền nhân đó không ai nói được cả tiếng Anh và tiếng Hoa. Tôi đã giơ tay tự nguyện làm phiên dịch cho một viên trung úy người Anh. Sau khi hoàn tất công việc, viên trung úy đã ghi họ tên tôi vào một cuốn sổ tay. Tôi không ngờ anh ta đã báo lại cho viên đại úy trại trưởng.
Kết thúc buổi nói chuyện, Chirstopher Nowell, viên đại úy người Anh đã tặng tôi một món quà. Đó là tập thơ Hoa Địa Ngục của nhà thơ bất khuất Nguyễn Chí Thiện. Đó là bản tiếng Anh “Flowers from Hell” do Huỳnh Sanh Thông dịch. Lúc đó tôi hoàn toàn không biết Nguyễn Chí Thiện là ai. Viên đại úy giải thích rằng tập thơ đó đã được một giáo sư người Anh mang về từ Hà Nội, và tác giả thì đang ở tù.
Lần đầu tiên tôi đọc thơ của Nguyễn Chí Thiện. Tôi đọc và tôi khóc ngon lành như một đứa trẻ thơ. Lần đầu tiên tôi biết có một người Việt Nam không biết sợ Cộng Sản. Lần đầu tiên tôi biết có một người sống dưới chế độ Cộng Sản nhưng thật sự là một con người tự do. Bởi lẽ sự sợ hãi biến ta thành nô lệ!
*Tôi không nhớ chính xác tên của nhân vật này
Tài liệu tham khảo:
Tư liệu gia đình
Bài phỏng vấn HPNT của Thụy Khê ở Pháp năm 1997
Tài liệu từ bộ phim “Việt Nam Thiên Lịch sử Truyền hình”
Ls/Bs Lê Đức Minh
Y Khoa Huế Khóa 1983
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét