Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Đức Phật có nói: "Nếu ai có thể quy y Tam Bảo, nên biết người này được phước báo không thể cùng tận. Này thiện nam tử! Ví như nước Ca Lăng Già có một kho báu lớn tên là Tân Già La. Nhân dân trong cả nước không luận lớn nhỏ nam nữ, đều dùng xe cộ, voi, ngựa, lạc đà ...chở đi trong suốt bảy năm mà vẫn không hết. Nếu người chí tâm quy y Tam bảo, được công đức phước báo còn nhiều hơn trăm vạn lần so với số châu báu ở trong kho."
Sở dĩ quy y Tam Bảo quí báu như thế vì người Phật Tử biết tin vào nhân quả kính lễ Phật Pháp và Tăng. Phật đã nhập Niết Bàn; Phật Pháp còn lưu trụ nhưng nếu không có Tăng Bảo thì cũng không thể phát huy sức cứu thế. Tăng tuy có nhiều hạng nhiều cấp bực, tuy nhiên nếu là chân tăng có lòng tu hành tuy có phạm các khinh giới mà không phạm các trọng giới như Ba La Di hay Tăng Tàn, người Phật tử cần nên một lòng cung kính cúng dường xem như Phật hiện tiền, thì cũng có quả báo rất lớn. Vì biết rằng vị tăng nầy tuy có phạm các giới khinh, nhưng đã có nhân duyên lớn nên mới xuất gia thọ giới Cụ Túc, theo đường học đạo tu hành, trước sau gì cũng thành Phật. Nhờ suy nghĩ thế mà sanh lòng cung kính các vị tu hành không sanh tâm phân biệt hay sân hận, mà thốt ra lời mắng nhiếc khinh nhạo người xuất gia, vì thế mà các giới hạnh của vị Phật tử này được bảo toàn, không tạo nghiệp ác.
Trong Đại Tạng Kinh, Bộ Mật Tông có khi lại một câu chuyện lạ lùng về hậu quả rùng rợn của khẩu nghiệp và sức bất khả tư nghị của thần chú như sau:
"Khi ấy, tại cõi trời Đao Lợi, có một vị thiên tử tên là Thiện Trụ, ngự tại cung báu lớn, đang cùng với các thiên nữ dự cuộc âm nhạc ca múa vui đùa hưởng lạc. Lúc đó, ở thiên giới vào khoảng cuối đêm, bỗng nhiên giữa hư không có tiếng gọi bảo: "Thiện Trụ thiên tử! Bảy hôm nữa, ông sẽ hết phước trời, xả báo thân, đọa xuống cõi Diêm Phù Đề, 7 lần làm cầm thú, thường ăn đồ nhơ uế. Kế đó lại đọa vào địa ngục, chịu đủ các sự khổ trải qua nhiều kiếp mới được làm người. Tuy được thân người, nhưng lại đen lùn, thô xấu, mù cả đôi mắt, các căn không đủ, hơi miệng thường hôi hám, nghèo khó hèn hạ, hằng thiếu ăn mặc, mọi người đều gớm ghét, lánh xa.
Thiện Trụ Thiên Tử nghe lời ấy rồi, kinh hoàng tột độ, lông tóc đều dựng đứng, ôm lòng sầu muộn, ông vội đem hương, hoa cùng các thứ cúng dường, đến chỗ Thiên Đế quì xuống, dâng lễ, than khóc thuật lại việc trên, và thưa: "Nay tôi tâm tư bối rối, mê loạn. Không biết phải làm thế nào? Cúi xinThiên Đế xót thương, cứu vớt tôi ra khỏi vòng khổ độc!" Thích Đề Hoàn Nhơn nghe xong, rất kinh ngạc, tự suy nghĩ: "Thiện Trụ Thiên Tử đời trước tu phước gì, được sanh lên cõi trời hưởng sự vui thắng diệu nhiều năm? Lại kiếp xưa tạo nghiệp nhân chi mà sau khi hết thiên phước, phải chịu 7 lần làm cầm thú, rồi đọa vào địa ngục, khi được làm thân người, đôi mắt mù lòa, thọ đủ điều xấu ác?" Nghĩ như thế rồi, liền nhiếp tâm vào định, dùng thiên nhãn xem: Thấy Thiện Trụ Thiên Tử ở cõi trời mạng chung, liền đọa làm thân heo, hết thân heo thọ thân chó, hết thân chó thọ thân chồn, hết thân chồn thọ thân khỉ, hết thân khỉ thọ thân rắn độc, hết thân rắn, thọ thân kên kên, hết thân kên kên thọ thân chim quạ. Trong 7 kiếp làm cầm thú ấy, thường ăn những đồ nhơ uế. Khi thấy biết như thế, Ngài cũng lo lắng đau xót giùm cho Thiện Trụ Thiên Tử. Thiên Đế lại suy nghĩ: Thiên nhãn của ta chỉ thấy biết một ít phần, không thể hiểu được những nghiệp nhân sâu xa. Duy đức Như Lai là bậc Chánh Biến Tri, mới có thể thấu suốt tất cả nhân quả thiện, ác. Duy đức Thế Tôn là đấng Đại Từ, mới có thể cứu vớt Thiện Trụ Thiên Tử khỏi vòng khổ độc. Ta nên đến cầu thỉnh Như Lai về việc này!" Nghĩ đoạn, ngài liền suất lãnh Thiện Trụ Thiên Tử cùng chư thiên, đem theo các thứ tràng hoa, huơng lạ, anh lạc, thiên y, bay xuống vườn Thệ Đa Lâm Cấp Cô Độc.
Bấy giờ ở cõi nhân gian, thời khắc vào khoảng đầu hôm, nhằm lúc chư Bồ Tát, Thanh Văn, Thiên Long Bát Bộ, tứ chúng đang vân tập. Khi đến nơi, Thiên Đế hướng dẫn Thiện Trụ và thiên chúng đảnh lễ Phật, đi nhiễu quanh 7 vòng, dâng hiến lễ cúng duờng. Pháp sự đã xong, Thích Đề Hoàn Nhơn quì trước Như Lai bạch lại việc trên, và thưa thỉnh rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Thiện Trụ Thiên Tử đời trước tu phước chi, mà hưởng sự vui nơi cõi trời trải nhiều thời gian? Lại kiếp xưa tạo nhân gì, sau khi hết phước phải đọa làm thân cầm thú 7 phen, ăn đồ bất tịnh, rồi thọ sự khổ nơi địa ngục, sự hèn xấu nơi cõi người? Và do phước nhân nào, cảm được giữa hư không có tiếng mách bảo? Xin đức Như Lai vì chúng con và đại hội mà nói rõ nhân duyên, lại cúi xin đấng Thiên Nhơn Sư mở lượng từ bi, cứu vớt cho Thiện Trụ thiên tử được thoát vòng khổ ách".
Khi ấy, đức Như Lai mỉm cười, từ nơi đảnh môn, phóng ánh sáng ngũ sắc rộng lớn, soi khắp 10 phương cõi Phật. Quang minh ấy ánh chiếu lẫn nhau, rồi uyển chuyển quay về nhiễu quanh bên hữu Phật ba vòng, lại trở vào miệng đấng Điều Ngự. Đức Thế Tôn thu nhiếp quang minh xong, bảo trời Đế Thích rằng: "Lành thay, thiện nam tử! Ông khéo vì Thiện Trụ Thiên Tử và đại chúng, hỏi nhân duyên thiện ác tiền sanh. Lại hay vì chúng hữu tình hiện tại và đời sau, mà thưa thỉnh ta nói pháp môn cứu khổ. Lắng nghe! Ta sẽ vì các ông giải thuyết rành rẽ:
- Này thiện nam tử! Cách vô lượng kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Đức Phật ấy sau khi hóa duyên đã mãn, vào Niết Bàn. Trong thời tượng pháp của ngài, có một quốc gia tên Ba La Nại, trong nước đó có người Bà La Môn nghèo, chỉ sanh được một con trai rồi qua đời sớm. Cậu bé ở với mẹ đến khi khôn lớn, được giao cho việc nông tác ngoài đồng. Bà mẹ ở nhà, tảo tần lo thức ăn, mỗi ngày đem ra ruộng cho con. Một hôm, cơm nước đưa đến trễ, đứa con đói khát, sanh lòng hờn giận, dùng lời ác độc mắng rằng: "Mẹ tôi còn thua loài súc sanh! Tôi thấy mấy con: heo, chó, chồn, khỉ, rắn, kên kên, quạ, còn biết thương lo cho con của nó. Tại sao bà để cho tôi đói khát mà không đem cơm nước đến?" Do lòng đợi chờ hờn giận, đứa con nói như thế ba lần. Giây lát bà mẹ với dáng điệu vội vã đem cơm nước tới, và nói nhiều lời an ủi khiến cho con vui mừng hết cơn buồn giận. Đứa con vừa ngồi xuống sắp dùng cơm, bỗng thấy có vị Bích Chi Phật, hình tướng sa môn, đang đi tới. Người con thấy rồi, sanh lòng kính ngưỡng, đứng lên chắp tay hướng hư không, cúi đầu đảnh lễ, thỉnh vị Bích Chi Phật. Bích Chi Phật nhận lời thỉnh. Đứa con vui mừng, trải tranh trắng làm tòa ngồi, dâng hiến hoa sạch đẹp, giảm phần ăn của mình, đem cúng dường vị Sa môn. Sau khi thọ thực xong, vị Sa môn Bích Chi Phật lại vì nói pháp yếu khiến người con được vui mừng.
Về sau người con xuất gia, chư tăng cử cho làm chức Tri Sự. Lúc ấy có người Bà La Môn xây cất tăng xá vừa xong, ngày khánh thành khách tăng hội đến, lại có thí chủ đem nhiều tô du và sữa đặc cúng dường. Ông Tri Sự hiềm khách tăng làm phiền rộn, nên không đem tô du và sữa ra thết đãi. Mấy vị khách tăng hỏi: "Những thức ăn đó là của đàn việt cúng dường Hiện Tiền Tăng, sao không thấy dọn ra?" Ông Tri Sự tánh nóng vội, liền cả tiếng mắng rằng: "Bộ mấy ông đui mù hết sao? Có tô du và sữa đâu mà bảo tôi cất giấu? Nếu muốn đòi thêm, chỉ có phẩn và nước tiểu cho các ông ăn mà thôi!"
Đức Phật bảo Đế Thích:
- Đứa con của người Bà La môn nghèo đó là Thiện Trụ Thiên Tử hiện nay. Do kiếp trước hờn giận, dùng lời ác gọi 7 tên loài cầm thú mắng mẹ, nên phải chịu 7 phen làm cầm thú. Bởi khi làm Tri Sự thốt ra những lời nhơ uế mắng chư tăng, nên nghiệp cảm thường ăn đồ bất tịnh. Do bỏn xẻn giữ riêng thức ăn của Hiện Tiền Tăng nên bị quả báo địa ngục và chịu nghèo hèn thô xấu trong kiếp người. Bởi mắng chư Tăng là đui mù nên bảy trăm đời phải bị mù đôi mắt, sống trong cảnh tối tăm chịu nhiều khổ não. Nên biết những tội nghiệp như thế, đã có nhân, tất phải trả quả, ảnh hưởng không tiêu mất.
Lại nữa Thiên Đế! Thiện Trụ Thiên Tử được hưởng sự vui thắng diệu ở cõi trời, là do kiếp trước trải tòa, dâng hoa, cúng dường thức ăn cho vị Bích Chi Phật, và nhờ sức ảnh hưởng của sự nghe chánh pháp. Lại do đời trước chắp tay ngửa lên hư không, hết lòng kính thỉnh, cúi đầu đảnh lễ vị Bích Chi Phật, bởi công đức ấy nên được nghe giữa hư không có tiếng mách bảo cho biết trước. Đó là tiếng vị thần giữ cung điện của Thiện Trụ Thiên Tử vậy!
Khi ấy, Thiện Trụ Thiên Tử nghe lời Phật dạy, biết nghiệp mình đều có túc nhân, hết sức ăn năn tự trách. Ông gieo mình đảnh lễ trước Phật, tỏ bày tội lỗi, cầu xin sám hối, thương khóc, sa nước mắt như mưa, huyết lệ rơi ứ đọng nơi chiếc khăn trong giỏ đựng hoa, chết ngất hồi lâu mới tỉnh lại.
Đức Phật bảo Đế Thích và Thiện Trụ Thiên Tử:
- Trong 10 nghiệp ác, khẩu nghiệp rất mãnh liệt, phải biết lời ác còn quá hơn lửa dữ. Lửa dữ chỉ đốt tiêu tài sản của báu ở thế gian. Lửa giận ác khẩu chẳng những đốt hết thất thánh tài và tất cả công đức xuất thế mà còn chiêu cảm ác báo về sau. Như Thiện Trụ chỉ vì nóng giận mắng mẹ và chư tăng, mà tổn bớt phước trời, phải chịu thân cầm thú và địa ngục.
Cho nên, đối với cha mẹ và chư tăng, lẽ ưng tôn trọng cung kính cúng dường, dùng lời dịu dàng khen ngợi, thường nghĩ đến ân đức, chớ không nên khinh hủy. Lòng từ ái giữa trần gian chỉ có cha mẹ; ruộng phước trong ba đời không chi hơn chúng Tăng. Các bậc chân Tăng hiền thánh, nếu cúng dường thì công đức không mất. Như tiến thêm, muốn cầu pháp xuất thế, lại có thể thành đạo. Đâu nên đối với chúng Tăng vội thốt lời khinh hủy! Còn cha mẹ công sanh dưỡng rất khó nhọc, 10 tháng cưu mang khổ nặng, 3 năm bú sữa, mớm cơm. Trải đủ sự lo lắng gian lao, nuôi con khôn lớn, dạy dỗ, cho học hành, mong con được thành lập, tài đức hơn người. Nếu con xuất gia, lại mong cho con đắc đạo, thoát vòng sanh tử. Ân niệm ấy cao rộng như biển trời, khó đền trả. Vì thế, ta đã bảo A Nan: - Nếu có người vai bên trái cõng cha, vai bên mặt cõng mẹ, đi quanh núi Tu Di trăm ngàn vòng, huyết chảy ngập 2 bàn chân, còn chưa thể báo công ơn sanh dưỡng, huống chi lại khởi niệm hờn giận, buông lời khinh mắng ư!
- Này Thiên Đế! Thiện Trụ Thiên Tử nay do thấy ta, chí tâm sám hối, nên đạo nhãn trong sáng, tội cũng trừ diệt.
Đức Thế Tôn lại nhìn Thiện Trụ Thiên Tử an ủi bảo rằng: "Ông nên chớ quá lo buồn thương khóc. Ta có pháp môn tên là Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni, ông trì chú này tất sẽ thoát khỏi vòng khổ ách. Môn đà ra ni đây, vô lượng hằng sa chư Phật đời quá khứ đã nói, ta nay cũng sẽ diễn nói. Trong các thần chú về Phật Đảnh, môn đà ra ni này rất tối tôn tối thắng, hay trừ tất cả sự khổ não trong nẻo luân hồi của tất cả chúng sanh!"
Thích Đề Hoàn Nhơn nghe Phật nói rất vui mừng, một lòng khát ngưỡng, thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin Như Lai thương nghĩ đến Thiện Trụ và bọn chúng con, cũng vì chúng sanh đời mạt pháp về sau, tuyên thuyết môn Phật Đảnh Đà Ra Ni. Chúng con sẽ tuân hành và nguyện cho tất cả các loài hữu tình đều thoát khỏi sự khổ tam đồ bát nạn!"
Bấy giờ đức Như Lai vì Thiên Đế, Thiện Trụ thiên tử, và 4 bộ chúng, và nghĩ thương chúng sanh đời mạt pháp về sau, dùng giọng phạm âm trong sáng, thanh diệu hòa nhã như tiếng chim Ca Lăng Tần Già, thuyết thần chú Tôn Thắng"
(Phỏng theo Kinh Phật ĐảnhTôn Thắng Đà Ra Ni- HT Thich Thiền Tâm)
Trong Kinh Thập Thiện,
"Trong cung rồng Ta La Kiệt, Đức Phật có nói với Long Vương Ta La Kiệt rằng:
- Long Vương! Ngươi thử xem thân tướng của Như Lai và các vị Bồ Tát có đủ các tướng tốt hào quang sáng chói như thế, đều do tu thiện nghiệp mà có. Còn tất cả chúng sanh hình sắc hoặc tốt hoặc xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ, mỗi người tự tâm tạo nghiệp chẳng lành gây ra. Bởi vậy, nếu các ngươi biết tu học thiện nghiệp và dạy bảo mọi người hiểu lý nhân quả mà tu thiện pháp, thời quyết định sẽ khỏi các quả báo xấu xa, thân tướng tốt đẹp, quốc độ trang nghiêm như chư Phật và Bồ Tát.
Long Vương! Ngươi phải biết Thiện pháp nghĩa là Phép lành: tất cả Đạo quả Thanh Văn, Duyên Giác, và vô lượng Phật Pháp cho đến Bồ Đề Niết Bàn đều y pháp ấy mà thành tựu cả.
Đó là mười Pháp Lành:
1. Không sát sanh hay có ý sát sanh
2. Không tà dâm hay có ý tà dâm
3. Không trộm cắp hay có ý trộm cắp
4. Không nói dối hay có ý nói dối
5. Không nói thêu dệt hay có ý nói thêu dệt (thêm bớt)
6. Không nói chia rẽ hai bên mà nói lời hoà giải
7. Không nói lời thô ác mắng nhiếc mà nói lời dịu dàng chơn chánh
8. Không ham hưởng thọ ngũ dục
9. Không hay sân giận
10. Không sống theo tà kiến, si mê...
Long Vương! Nếu Bồ Tát nương theo 10 nghiệp lành này, tu 6 Ba La Mật, 4 Vô Lượng Tâm, 4 Món Nhiếp Pháp, và 37 món Trợ Đạo thì được tất cả nghĩa lợi chân thật của Phật Pháp, và quyết định sẽ thành Phật."
Tu Thập Thiện được công đức rất lớn, vì Thập Thiện là pháp sanh về Thiên Đạo, nên còn gọi là pháp sanh Thiên. Người tu pháp Thập Thiện nếu rủi có phạm những nghiệp ác thì phải đến gặp bậc Hiền Minh phước đức, rồi tuỳ theo chổ phạm của mình mà sám hối, xong xin thọ lại thì sẽ không bị mất giới. Đến khi mạng hết phước chung, thần thức ấy theo nhân tu trước mà thác sanh vào cảnh thiên cung.
Sách xưa có nói: "Dao cắt thịt, thịt có thể lành; nhưng lời nói tổn thương người, thì muôn kiếp hận khó phai." Trong gia đình anh em nói lời chê bai, anh em giận nhau không thèm nhìn mặt, hà huống chi mình nói lời chưởi mắng. Thì họ buồn hận đến bực nào! Rồi oán hận nầy đến kiếp nào mới giải?
Cho nên trong Kinh nói: “Luận kẻ ở đời như búa ở trong miệng, sở dĩ chém mình là do lời nói ác."
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
1/24/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét