Hình ảnh Hoà Thượng Thích Không Tánh, trụ trì Chùa Liên Trì trở về ngôi chùa xưa, ngồi thụp xuống nền đất còn ngổn ngang vết tích nhà cầm quyền cộng sản san bằng, tay ôm mặt, đau xót, nghẹn lời và kính cẩn niệm hương nơi, mới vài hôm trước, còn là bàn thờ Phật, đã chạm vào lòng người, những người còn biết phân biệt phải trái, thị phi; những người còn biết trong một xã hội kim tiền nhiễu hương, vẫn cần có tôn giáo, vẫn còn có chỗ cho tôn giáo, và đó là chỗ căn bản, quan trọng để chặn bước tiến vũ bão của những con người, đúng hơn là những “người” đang tiến hoá thành “thú”, mà dấu vết còn đấy, mới toanh, qua vụ san phẳng chùa Liên Trì.
Nhiều cảm xúc của những người thiện tâm, không phân biệt tôn giáo trong nước và ngoài nước được gởi tới Vị cao tăng, như xin được cùng chia sẻ với Nhà Chùa trong kiếp nạn khủng khiếp này, nhưng trong số đó cũng có những người nghi hoặc, phân vân, và có cả những người cố ý “định hướng” vấn đề sang hướng khác, khi cho rằng, việc đau khổ, khóc thương ngôi chùa bị đập phá, không xứng với “tầm” của người xuất thế, đi ngược với giáo lý Đức Phật. Trần gian là cõi vô thường, vô tướng, bản thân là vô ngã, thế mà Hoà Thượng lại còn chấp, không thực hành Tứ đại giai không, còn dây vào mình cái tham, sân si làm gì để tạo nghiệp, rồi bị giam hãm trong vòng luân hồi…
Trong “Cựu Tạp Thí Dụ Kinh” có chép câu chuyện Đức Phật thuyết pháp dưới gốc cây cho nhiều người. Thuyết xong, đệ tử A Nan thấy sắc mặt Đức Phật u sầu, mới hỏi duyên cớ. Đức Phật nói: “Ta từ vô lượng vô số kiếp đến nay, chịu đủ muôn vàn cực khổ tu trì Phật Pháp, mục đích vì muốn độ hết thảy chúng sinh thành Phật. Bây giờ ta đã thành Phật rồi, nhưng lại không khởi được tác dụng thực sự. Lẽ nào ta có thể vui mừng được sao?”.
A Nan hỏi: “Không phải là có rất nhiều người đã chứng đắc Thánh quả hay sao?”.
Đức Phật nói với A Nan rằng: “Giống như một gia đình, sinh hạ mười mấy cô con gái, nhưng lại không có con trai, chính là không có người chèo chống gia đình. Cũng như vậy, ta tuy có vô số A La Hán, nhưng họ đều không phải con của ta, không thể ngồi dưới gốc cây giác ngộ thành Phật, không thể truyền thừa Phật Pháp tiếp được nữa”.
Nói xong, Đức Phật rơi ba giọt nước mắt, tam thiên đại thiên thế giới vì vậy mà chấn động; vô số Thiên, Long, Thần, người đều phát khởi tâm vô thượng Bồ Đề.
Lúc này, gương mặt Đức Phật lập tức nghiêm trang vui vẻ, phóng ra vô số ánh quang chiếu rọi bốn phương. Đức Phật vui mừng nói rằng: “Giáo Pháp của ta đã có người kế thừa rồi…”.
Những giọt nước mắt của Hoà Thượng Thích không Tánh có rơi là để chứng tỏ rằng Thầy vẫn có trái tim đại lượng, không vô cảm trước những nỗi đau của những con người khốn khổ, bần cùng, sự xuất thế trên con đường tu hành của Thầy là sự nhập thế của lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn chúng sinh; những giọt nước mắt rơi trên mảnh đất Phật là rơi vì những kẻ tham lam, độc ác, u mê mạo phạm, chứ không phải để bi lụy, sân hận; những giọt nước mắt dành cho chúng sinh từ nay không còn nơi để nghe giảng kinh Phật, đảnh lễ kính Phật và nương nhờ lượng từ bi của Nhà Phật; những giọt nước mắt dành cho những dân oan mà Thầy đồng cảm, những anh em thương phế binh mà Thầy muốn chia sẻ kiếp sống muôn vàn khó khăn, bây giờ không còn chốn hội tụ, ủi an.
Những giọt nước mắt của Thầy trước kiếp nạn, ít nhiều đã cảnh tỉnh, đã phát khởi tâm vô thượng Bồ Đề của nhiều người đang quan tâm đến tình trạng của Thầy, của Chùa Liên Trì, của những người dân Việt đang quằn quại dưới ách thống trị tàn bạo của nhà nước cộng sản, nhờ đó mà giác ngộ, không phải chỉ vì quả vị bản thân, nhưng còn vì chúng sinh.
Vẫn biết ở Việt Nam không chỉ có chùa Liên Trì, vẫn biết còn hàng nghìn Chùa khác vẫn đông đảo tín đồ năng lui tới để nghe kinh, lễ Phật, niệm hương, nhưng có lẽ sẽ không còn những gì mà Nhà Chùa, Thượng Toạ và chư tăng ở đây đã làm, đã ghi dấu ấn vào lòng những con người khốn cùng là nạn nhân của cái xã hội gian dối, bất chấp công lý và lẽ công bằng, thượng tôn kim tiền, chà đạp nhân phẩm và quyền con người, bách hại tôn giáo.
Chùa Liên Trì không còn hiện diện trên mảnh đất xưa, nhưng hình bóng, giá trị và ý nghĩa của Chùa đã đi vào lịch sử Việt Nam đau thương, đầy nước mắt, trong đó có những giọt nước mắt của Thầy; đã khắc ghi vào tâm khảm của những người đang cùng cảnh ngộ với Thầy, với Nhà Chùa, những người bị ly hương ngay chính trên quê hương đất nước mình.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét