Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

(Hùng Nguyễn) Bớ Phật tử ! .. Cảnh tỉnh.. Cảnh tỉnh


Kính qúy Đạo hữu,

Đời mà có ai không muốn được danh, được tiếng, được tiền, được phước, tránh tội. Chẳng những muốn ngay trong cuộc đời này mà còn muốn cả đời sau nữa. Đó là một căn bệnh di truyền từ đời này sang đời khác còn nặng hơn tất cả các bịnh nguy hiểm nhứt hiện nay. Đó là bịnh THAM. Vì THAM là một trong ba cái "độc khủng" khiến cho con người phải KHỔ đời đời. Mà THAM cũng từ do "NGU SI" chỉ thấy mình, thấy cái TÔI (bản NGÃ) của mình là tối thượng. Từ đó mới bị sa vào vòng mê tín của các Tôn giáo, bầy ra mọi thứ cũng để chìu theo lòng THAM của tín đồ: được lên Thiên Đàng như trong đạo thờ Chúa, được về cõi Niết bàn hoặc kiếp sau được sang giàu, hạnh phúc như trong Phật giáo. Có chìu theo tín đồ thì nhà thờ, chùa mới đông, là cơ hội để các vị "giả tu" làm giàu.

Mình theo đạo Phật, thôi thì chỉ nói trong Đạo mình thôi.

Đạo Phật không quan niệm có một đấng Tạo Hóa vạn năng, vạn vật do DUYÊN mà thành, do DUYÊN mà tan. Đủ DUYÊN thì hợp, hết DUYÊN thì rã. Không có bất cứ gì vĩnh viễn tồn tại kể cả Vũ trụ này. Chúng ta chỉ sống nhiều lắm 100 tuổi nên tưởng rằng Vũ trụ là vĩnh hằng. Tỷ tỷ năm vẫn là một con số đếm được. Vũ trụ tồn tại với một thời gian có hạn rồi sau đó biến sang một hình thức hoặc trạng thái nào đó khi gặp một biến cố (DUYÊN) nào đó (thực ra Vũ trụ thay đổi từng sát na, Nó không bao giờ là CHÍNH NÓ).

Tóm lại, vạn vật luôn biến đổi, tồn tại tuỳ DUYÊN. Chính vì vậy Phật nói "Vạn vật VÔ THƯỜNG" nghĩa là luôn biến đổi, trước (quá khứ), nay (hiện tại) và sau này (tương lai) không bao giờ giống nhau. Và cũng vì vạn vật chỉ hiện hữu (có) trong một giai đoạn rồi vĩnh viễn mất, không còn, nên Phật mới cho là giả có (diệu hữu) còn bản thể của vạn vật là KHÔNG. Người ta hiểu lầm chữ KHÔNG của đạo Phật với chữ không (trái nghĩa với có) trong thế gian. KHÔNG chỉ rằng vạn vật có hiện hữu, có thực trước mắt, NHƯNG không tồn tại vĩnh viễn. Vũ trụ có trong tỷ tỷ năm nhưng sau đó nó vĩnh viễn biến mất (sang trạng thái khác) nên mới gọi nó là KHÔNG (chẳng phải là không có). Vì tỷ tỷ năm vẫn là con số nhỏ không đáng kể so với vĩnh viễn (không đếm được, trong toán học là số vô cực).

Các hiện tượng cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn không nằm trong đạo Phật. Chẳng qua vì lòng hiếu thảo "quá trớn", muốn cha mẹ sớm siêu thoát, muốn gia đình được "bình an", muốn bản thân được "tai qua nạn khỏi". Đó là vì bản ngã, vì tham cho bản thân (chấp Ngã), và vì phong tục tập quán nhiều đời ấn quá sâu vào trong tâm thức khó bỏ ( Phật gọi là chấp Pháp).
Phật dạy rằng : "NHÂN QUẢ chẳng KHÔNG". Nhân quả và Duyên luôn luôn dính liền nhau. Bởi vì NHÂN phải có DUYÊN mới thành QUẢ báo. Nếu thấu hiểu lý NHÂN-DUYÊN-QUẢ thì chẳng có gì phải "SỢ" trong cuộc sống này. Có thế thì cuộc sống mới "AN NHIÊN TỰ TẠI". Đó mới đích thực là NIẾT BÀN ngay trong cuộc đời này. Còn niết bàn sau khi "tịch" thì hãy tìm người "tịch" mà hỏi.

Vậy thì Phật dạy giải trừ Ba Độc luôn có sẵn : SI-THAM-SÂN. SI chính là nguồn gốc khiến chúng mình THAM và SÂN. Người KHÔN không THAM để luôn áy náy trong lòng, để không bị phĩnh gạt (như cá mắc câu vì tham ăn), không SÂN để xảy ra những chuyện đáng tiếc, ân hận. SI hay gọi là NGU SI chính là VÔ MINH (không sáng, tối thui như mực tàu) và KHÔN là do có TRÍ HUỆ.

Một người Phật tử chân chính luôn THỰC HÀNH lời Phật dạy. Hãy thắp ĐUỐC (Trí tuệ) có sẵn trong mỗi người để xua đuổi bóng đêm (Vô Minh) mà bước tới (làm Hành Giả). Đừng theo sau lưng bất cứ ai (dù là Phật). Vì Phật có con đường đi đến Giác ngộ của Phật, chúng sinh có con đường đi đến Giác Ngộ của chúng sinh. Con đường tuy khác (hiện có hơn 7 tỷ con đường) nhưng mục đích Giác Ngộ không hai.

Phật tử luôn giữ TÂM thanh tịnh, không chao đảo do thị phi bên ngoài lôi kéo. Giữ Pháp, hành Pháp nhưng không vì Pháp mà "chết", mà bị ràng buộc nghẽn mất con đường Giải Thoát (ra khỏi mọi ràng buộc của Pháp). Con gà nhờ võ trứng mà sống, mà lớn. Nhưng chính nó phải tự phá vỡ võ trứng để tự giải thoát, nếu cứ khư khư "biết ơn" võ trứng thì thật là VÔ MINH, chết còn chưa biết tại sao chết.

Tứ Vô Lượng Tâm: TỪ BI HỶ XẢ là những công quả vô lượng của người con Phật. Tạm hiểu là:

TỪ: hãy đem sự an vui đến cho chúng sanh như Bố thí, giúp người gặp khó, phóng sanh, ăn chay,....

BI : làm cho chúng sinh bớt hoặc hết khổ. Đã hành TỪ thì cũng là hành BI.

Vì thế TỪ BI thường ghép chung nhau. Và để nhắc nhở phật tử PHẢI "hành thâm" Từ Bi, Phật đã dùng hình tượng Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Đại Bi QUÁN THẾ ÂM trong Kinh Pháp Hoa để ẩn dụ.

Phật tử mỗi lần nhìn hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm thì phải BIẾT THẸN, vì mình quá thiếu hành TỪ BI, không như Bồ Tát. Vậy phải tự sám hối mà nguyện noi theo. Có vậy mới là TU không cầu phước báo. Vì phước tự sẵn có khi thực hành Từ Bi.

HỶ : là An Vui trong lòng, không vì những thị phi mà biến An vui thành Phiền não.

XẢ : không chấp, buông bỏ, giải thoát mọi vướng bận và đến chỗ rốt ráo là phá chấp (Vô Pháp)

Hãy "động não" quán xét hình tượng Bồ Tát DI LẶC chính là hiện thân của HỶ và XẢ. Thường có "lục tặc", sáu tên cướp, luôn quấy phá Bồ Tát. Đứa bẹo tai, đứa móc mũi, đứa moi rún,.... thế mà Ông vẫn vui cười hã hê và coi sáu tên cướp là những đứa trẻ rất dễ thương đang đùa vui với Ông. Sáu tên "cướp" chính là Sáu Trần, do Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý tiếp xúc với ngoài xã hội sinh ra.

Khi Mắt nhìn ra thấy "cái ghét", Mũi ngữi mùi "không ưa", Tai nghe chuyện "bực cái mình", Lưỡi nếm món "không hợp", Thân bị "khó chịu" do thời tiết, bịnh hoạn và Ý tức thì "phản đối" những gì không hợp. Đó là phản ứng thường tình của chúng sinh nên sinh phiền não, là KHỔ. Nhưng Bồ Tát DI LẠC thì vẫn cười An Lạc vì Ổng biết những thứ mà chúng ta phiền não, có đó, chỉ trong một chốc thôi, không phải là vĩnh viễn (vô thường mà) thì cho nó qua, có gì đâu mà lớn chuyện thêm Khổ.

Vì Si Tham Sân là cố tật của con người khó bảo bỏ liền. Vậy những hình thức cầu an, cầu siêu, ma chay, cúng dường tạo phước cho cả nhà, còn lo cho đời sau, ví như những viên kẹo thơm. Có vậy mới đến chùa nghe Pháp, nghe lời Phật dạy mà từ từ ngộ dần, từ từ bớt "NGU SI", xả bỏ lòng Tham, vui cười hoan hỷ. Đó chính là lợi ích của người TU theo Phật.

Hỡi ơi! Than ôi! Tu sỹ cũng chỉ là con người đang TU (hoặc giả Tu) chưa Giác Ngộ. Nay lợi dụng PHẬT, PHÁP để khoát lên mình chiếc TĂNG bào, thay vì giáo dục chúng sinh bớt mê muội, lại tán dương mê tín, trục lợi cho bản thân. Thiệt là Tội Thầy lẫn Trò làm "hại" Chánh Pháp.

Chánh Pháp của Phật luôn sáng ngời suốt gần 3000 năm. Do "Mạt Tăng" làm lu mờ Chánh Pháp. Khi hết "Mạt Tăng " thì Chánh Pháp vẫn hiện tiền như thời Phật còn tại vị.

Phật Pháp như Tính Sáng của gương, lúc nào cũng vậy. Do phong ba (thời cuộc) quá nhiều làm gương bám bụi dày. Chỉ cần chúng Phật tử lau chùi sạch sẽ thì "Tính Sáng" của gương vẫn muôn đời chiếu sáng. Đó chính là TÂM THẬT của các Pháp, là BẢN LAI DIỆN MỤC của chúng sinh vậy.

Những thiển ý trên đây chỉ mong góp một phần nhỏ trong việc giải trừ Vô Minh. Chúng ta cần phải thực hành Tứ Vô Lượng Tâm thì mới mong có cuộc sống An Lạc trong những ngày còn lại ít ỏi của cuộc đời. Chuyện Kiếp sau thì Kiếp sau TU tiếp.

Hùng Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét